Bé gái 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời: 'Em nằm đó như một thiên thần'

“Cô bé nằm đó như một thiên thần. Tôi bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể như sợ sẽ phá giấc ngủ ngon lành ấy”, anh Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ.

Trưa 22/2, một gia đình gọi điện đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đặt tại Bệnh viện Việt Đức) thông tin về việc cô con gái nhỏ của họ đang điều trị u não và tiên lượng không thể qua khỏi trong ngày. Gia đình có nguyện vọng xin hiến tạng để đem lại ánh sáng cho người khác khi bé qua đời.

Pháp luật quy định hiện hành chỉ nhận nguồn tạng hiến từ người đủ 18 tuổi trở lên, em bé này chưa đủ 18 tuổi. Trong khi đó, với hiến giác mạc, không quy định về tuổi. Vì vậy, nếu bé không thể tiếp tục sự sống, chỉ có thể lấy hai giác mạc để đem lại ánh sáng người khác có bệnh lý giác mạc.

Gia đình cho biết Bé gái được phát hiện mắc ung thư thần kinh thể sao hồi tháng 9/2017, điều trị tại Bệnh viện K. Sau rất nhiều nỗ lực, với những hi vọng về phép màu có thể xảy ra, nhưng chiều cùng ngày (22/2) bé gái 7 tuổi 3 tháng đó qua đời.
 

Bé gái 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời: Em nằm đó như một thiên thần-1
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, người trực tiếp thực hiện công việc nhận giác mạc được hiến từ bé gái. Ảnh: TL

Nhận được tin, các y bác sĩ, cán bộ kỹ thuật viên ở Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã đến nhận hai giác mạc được gia đình bé gái đồng ý hiến tặng.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, người trực tiếp thực hiện công việc nhận giác mạc được hiến từ bé gái - cho biết, trong hơn 10 năm đi làm chưa bao giờ anh thấy xúc động như thế.

Chứng kiến hình ảnh người mẹ đặt nụ hôn lên trán cô bé đã từ giã cõi đời sau khi nói “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé", một người đàn ông như anh Hoàng đã thấy sống mũi cay cay.

“Cô bé nằm đó như một thiên thần. Tôi bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể như sợ sẽ phá giấc ngủ ngon lành ấy”, anh Hoàng chia sẻ. Công việc của anh Hoàng kết thúc sau khoảng 30 phút. Khi đó, người mẹ ngắm cô bé và nói "Mẹ tự hào về con". Người mẹ đó cũng là một nhân viên y tế.

Được biết, hai giác mạc của bé hiện được lưu trữ tại Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương chờ tặng lại cho người phù hợp.
 

Bé gái 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời: Em nằm đó như một thiên thần-2
Khoảnh khắc anh Nguyễn Hữu Hoàng trực tiếp lấy giác mạc của bé gái 7 tuổi tại nhà riêng của cháu. Ảnh: Trung tâm ĐPGTQG cung cấp

BS Phạm Ngọc Đông – Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, Việt Nam đang có 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, mỗi năm có khoảng 15.000 người mù mới. Hầu hết những người không may mắn này đều có thể tìm lại ánh sáng nếu được ghép giác mạc.

“Giác mạc lại chỉ có thể lấy từ người mất. Tuy nhiên, nguồn giác mạc được hiến tặng còn quá ít”- bác sĩ Đông nói.

Người có nguyện vọng hiến giác mạc chỉ cần gọi điện thoại đến Ngân hàng Mắt để làm thủ tục hiến (024.39454799). Giác mạc được lấy trong vòng 6-8 tiếng sau khi người hiến qua đời mới có thể sử dụng. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25-30 phút). Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến khuôn mặt người hiến.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trung bình, mỗi ngày có ít nhất 1 bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc. Thế nhưng, mỗi năm chỉ có khoảng 100 - 150 giác mạc được cung cấp để ghép. Chỉ cần 1 người đồng ý hiến giác mạc của mình khi qua đời thì có thể giúp cho 4 người thoát khỏi cảnh mù lòa.

Một người mất do tuổi cao hay bất kể lý do gì kể cả bệnh nan y như ung thư, người có thị lực kém (cận, viễn, loạn, đục thủy tinh thể...) hay đã từng phẫu thuật về mắt mà giác mạc vẫn còn tốt vẫn có thể hiến tặng giác mạc đem lại ánh sáng cho hai bệnh nhân mù.

Theo Gia Đình & Xã Hội


câu chuyện cảm động

Tin tức mới nhất