Búi sán dải heo như “quả chôm chôm” trong não trẻ

Khối sán dải heo to như quả chôm chôm ở trong não trẻ 16 tuổi ở Kon Tum khiến trẻ còi cọc như đứa bé 5-6 tuổi, thể trạng chỉ đạt hơn 20 kg…

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết vừa phẫu thuật lấy búi sán dải heo trong não của một bé nam (16 tuổi) ở thị trấn Đắc Tô, tỉnh Kon Tum.

Theo hồ sơ ban đầu, bé này tên A Lý Hùng, nhập viện từ hơn 3 tháng trước trong tình trạng suy giảm miễn dịch, nhức đầu thường xuyên và rất dữ dội. Khi bệnh viện Nhi Đồng 1 tiến hành chụp MRI phát hiện khối bướu có đường kính hơn 5cm trong não, tuy nhiên, do tình trạng bé suy dinh dưỡng (chỉ hơn 20kg, cao 1,2m) nên không cho phép tiến hành cuộc mổ quá lớn.

Bác sĩ Phan Minh Trí, khoa Ngoại tổng hợp - người trực tiếp điều trị cho bé A Lý Hùng nói, bé nhập viện từ trước tết nhưng do thể trạng quá yếu không thể phẫu thuật. Có lúc tưởng như buông xuôi vì sức khỏe suy kiệt…

Tuy nhiên, sau nhiều ngày nằm viện theo dõi và được chăm sóc thì sức khỏe của bé có tăng lên do vậy Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phối hợp với các bác sĩ của Bệnh viện 115 tiến hành ca mổ vào ngày 24/3. Sau hơn 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra khối nang, bên trong chứa dịch, rất nhiều khe, đường kính 5 cm, có ấu trùng sán dải heo bên trong…
 
Búi sán dải heo như “quả chôm chôm” trong não trẻ - Ảnh 1.
16 tuổi nhưng bé A Lý Hùng chỉ bằng đứa trẻ 5-6 tuổi với cân nặng hơn 20kg
 và chiều cao 1,2m.

Liên quan đến ca bệnh này, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó GĐ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Nguyên nhân bé A Lý Hùng bị sán dải heo tấn công có thể là do sán này có nhiều trong chất thải heo, khi nhập vào nguồn nước nếu không được nấu kỹ sẽ dễ dàng xâm nhập vào máu và lên não. Ngoài ra, các trường hợp ăn thịt heo không nấu chín cũng dễ bị sán này xâm nhập vào cơ thể.

Cũng theo bác sĩ Hùng: Ký sinh trùng có nhiều thể bệnh, tùy ấu sinh trùng, nếu ăn phải trứn thì trong vòng 24-72 tiếng sau đó nó có thể đi đến các cơ và não. Tùy vào nơi sán cư trú mà có các biểu hiện khác nhau, chẳng hạn nếu vào não thì cũng tùy thuộc vị trí mà triệu chứng biểu hiện chức năng cũng khác nhau như động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức và có những cơn nhức đầu dữ dội (tăng áp lực nội sọ).

Nếu ấu trùng cư trú ở mắt gây nang trong mí mắt, trong hốc mắt, kết mạc. Tùy vị trí nang sán mà có các triệu chứng như chèn ép sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực, chảy nước mắt, song thị, mù,…

Nếu ấu trùng cư trú ở cơ vân thì sẽ xuất hiện các nang dưới da với kích thước 0.5-2cm, di động dễ dàng, không ngứa; nang thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực; các nang này có thể gây ra triệu chứng máy, giật cơ, đau đầu mãn tính; nếu một số nang đơn lẻ cần chú ý phân biệt với hạch.

Hoặc nếu nang ấu trùng ở cơ tim có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, người bệnh có dấu hiệu khó thở, ngất xỉu...

“Qua trường hợp này, chúng tôi muốn cảnh báo các bậc phụ huynh nên chú ý giữ vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ, phải ăn chín uống sôi để tránh tình trạng lây nhiễm sán”, ông Hiếu nói.

Hiện tại, bé A Lý Hùng đã bớt đau đầu, có thể ngồi dậy được, tình trạng vết mổ khô. Tuy nhiên, theo các bác sĩ BV Nhi Đồng 1, bé Hùng sẽ phải tiếp tục theo dõi tình trạng miễn dịch, thể trạng để có phương án điều trị sau phẫu thuật thích hợp.

Theo Dân Việt

Tin tức mới nhất