Ca khúc Kpop có ca từ, tiêu đề dung tục: Vừa ra mắt là dính lệnh cấm

Đài truyền hình, phát thanh Hàn Quốc luôn xử mạnh tay những ca khúc có ca từ, tiêu đề dễ gây hiểu nhầm với mục đích ngăn chặn nghệ thuật, giải trí phản cảm.

Đặt tiêu đề nhạy cảm, sử dụng ca từ tục... là câu chuyện không chỉ xuất hiện riêng tại Vpop. Ở thị trường Kpop, tình trạng này cũng xuất hiện với cả nhóm nhạc thần tượng - đối tượng chịu đánh giá khắt khe nhất nhất từ khán giả.

Tuy nhiên, cùng một vấn đề nhưng khán giả Hàn Quốc lại phản ứng có phần nhẹ nhàng hơn dư luận Việt Nam. Điều này có lẽ sẽ gây ngạc nhiên, khó hiểu bởi xưa nay dư luận xứ kim chi nổi tiếng khắc nghiệt. Nhưng, mỗi việc đều có lý do riêng.

Nhiều bài hát Kpop dù tiêu đề không phù hợp nhưng đổi lại có chất lượng âm nhạc làm hài lòng công chúng. Hơn hết, việc đài truyền hình, phát thanh Hàn Quốc có hệ thống kiểm duyệt khắt khe cũng giúp hạn chế lượng sản phẩm bị đánh giá không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Ca sĩ thần tượng chọn tiêu đề gây tranh cãi

Giới underground Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với underground Việt, trong đó có việc thường xuyên sử dụng những ngôn từ có nghĩa tục, phản cảm. Với giới thần tượng, sự nhạy cảm được tiết chế và lưu ý hơn bởi phải đối mặt với đánh giá của công chúng và sự nghiêm ngặt của hệ thống kiểm duyệt.

Ca khúc Kpop có ca từ, tiêu đề dung tục: Vừa ra mắt là dính lệnh cấm-1
Gain từng gây xôn xao khi tung MV Fxxk U có nội dung tế nhị.

Brown Eyed Girls từng gây tranh cãi vì MV Warm Hole có hình ảnh khiến người xem “đỏ mặt”. Về nhan đề, "Warm Hole" được nhóm nữ giải thích là ấm áp nhưng dư luận cho rằng đằng sau đó còn có ý nghĩa khác nhạy cảm.

Thành viên nổi tiếng nhất Brown Eyed Girls, Gain theo đuổi phong cách sexy, táo bạo. Cô từng lựa chọn viết tắt một từ chửi tục là Fxxk U để đặt cho ca khúc solo phát hành năm 2014. Trong MV, nữ ca sĩ có nhiều cảnh ân ái với bạn diễn nam.

Vì sự nhạy cảm từ ca từ, tiêu đề đến hình ảnh, sản phẩm bị gán mác 19+, đồng thời hạn chế quảng bá trước công chúng.

Năm 2016, nhóm nhạc Big Bang cũng sử dụng nhan đề tương tự (Fxxk It) đặt cho ca khúc mở đường trong album MADE.

Lệnh cấm vận của nhà đài ngăn chặn sản phẩm phản cảm

Sự nghiêm ngặt của các đài truyền hình, phát thanh Hàn Quốc góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn những ca khúc có nội dung nhạy cảm. Có nhiều nguyên nhân khiến một sản phẩm bị cấm, phổ biến hơn cả là sử dụng tiếng lóng, có ca từ phản cảm, tục tĩu… hay đơn giản chỉ là xuất hiện hình xăm, tên thương hiệu...

Bất kỳ ca sĩ, dù là ngôi sao hạng A nếu phạm phải những lỗi trên đều bị tước đi cơ hội quảng bá trên các phương tiện công cộng.

Dù đôi khi bộ phận kiểm duyệt của nhà đài bị đánh giá làm việc cực đoan, dẫn đến những lệnh cấm khó hiểu, mông lung khiến khán giả tức giận. Nhưng, cách làm này đã được duy trì nhiều năm với mục đích đảm bảo đời sống tinh thần phát triển theo hướng tích cực của giới trẻ nước này. Kpop càng phát triển, đài truyền hình càng làm việc nghiêm ngặt hơn.

Ca khúc Kpop có ca từ, tiêu đề dung tục: Vừa ra mắt là dính lệnh cấm-2
Bộ đôi Bobby và Mino bị cấm 3 ca khúc vì ca từ dễ gây hiểu nhầm.

Bộ đôi Bobby (iKON) và Mino (Winner) của YG từng cùng lúc bị cấm 3 ca khúc là Holup!, BodyFull House vì có tên thương hiệu, ca từ khiến giới trẻ suy nghĩ tiêu cực, đồng thời cổ súy việc lái xe lúc say xỉn.

Knock Out của GD&TOP bị cả 3 đài truyền hình hàng đầu là KBS, MBC và SBS "cấm cửa". Nguyên nhân là ca khúc sử dụng tiếng lóng và có nội dung không phù hợp.

Hầu hết nghệ sĩ sẽ chọn cách thay đổi bài hát để phù hợp với yêu cầu đưa ra của đài truyền hình. EXO đổi nhan đề Lotto thành Louder. Hay, DBSK quyết định sửa câu hát “I got you under my skin” thành “I got you under my sky” sau khi KBS cấm phát bài hát Mirotic trước 22 giờ và gắn mác 19+.

Gây chú ý bằng chất lượng thay vì tiêu đề

Với YG, việc không qua vòng kiểm duyệt của nhà đài là chuyện hết sức bình thường. Có đủ lý do khác nhau khiến ca khúc của công ty này dính lệnh cấm vận, đặc biệt là tiêu đề và ca từ nhạy cảm. Trong hầu hết trường hợp, công ty chọn giữ nguyên nội dung bài hát, đánh đổi cơ hội được phát trên sóng truyền hình.

Đó là sự tự tin mà có lẽ chỉ YG mới có trong giới nghệ sĩ thần tượng. Họ tự tin vào danh tiếng của ca sĩ trực thuộc công ty và tự tin vào chất lượng âm nhạc của chính mình.

Ca khúc Kpop có ca từ, tiêu đề dung tục: Vừa ra mắt là dính lệnh cấm-3
Dù bị cấm nhưng Fxxk It của Big Bang vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao.

Thực tế chứng minh dù không được phát sóng trên sóng truyền hình, các sản phẩm được sản xuất bởi YG luôn đạt thành tích nổi bật trên BXH.

Ngoài việc có nhan đề là Fxxk It – viết tắt của một từ ngữ tục tĩu, bài hát của nhóm nhạc Big Bang trong phần lời có xuất hiện từ "yangachi" có nghĩa nhạy cảm. Đài truyền hình KBS đưa ra lệnh cấm phát sóng. Phía YG bất chấp quyết định đó, tuyên bố: "Chúng tôi không chỉnh sửa ca khúc".

Fxxk It sau đó được Billboard đánh giá là một trong 10 ca khúc xuất sắc nhất của Big Bang. Bài hát là một tổng thể hài hòa, hoàn hảo giữa phần nhạc bắt tai, sôi động, giọng hát nội lực và phần rap dữ dội. Fxxk It cũng là một sản phẩm thành công của Kpop năm 2016.

Khi MAMA 2017 công bố đề cử và vắng bóng Fxxk It – bản hit “oanh tạc” Kpop dịp cuối năm 2016 – khán giả tỏ ra bất bình. Tình cảm người hâm mộ phần nào chứng minh chất lượng ca khúc.

Với sự bùng nổ của internet giúp việc đăng tải dễ dàng lại không yêu cầu khắt khe về nội dung, nghệ sĩ Hàn Quốc bắt đầu tính toán đến các hướng đi khác để chiếm tình cảm của người nghe, ngoài việc tạo ra sản phẩm âm nhạc phù hợp với những tiêu chuẩn phát sóng trên phương tiện công cộng.

Chẳng hạn, NCT 127 từng từ chối phát hành phiên bản khác sau khi ca khúc Cherry Bomb dính lệnh cấm của KBS vì có lời lẽ bạo lực.

Ca khúc Kpop có ca từ, tiêu đề dung tục: Vừa ra mắt là dính lệnh cấm-4
Nhiều nghệ sĩ, ví dụ NCT 127 chọn giữ nguyên bài hát thay vì sửa đổi theo yêu cầu nhà đài.

Về cơ bản, sức mạnh của internet giúp ca sĩ có thể đạt được những thành công không hề thua kém sóng truyền hình. Nhiều ca khúc dính lệnh cấm nhưng thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc, như Rainy Days (B2ST), Zutter (GD&TOP),…

Nhưng, điều quan trọng là để đạt đến thành công đó, sự nhạy cảm trong âm nhạc phải ở chừng mực nhất định, không vượt qua giới hạn cho phép của dư luận, đến mức khiến người nghe phải lắc đầu.

Chưa kể, những ca khúc kể trên phải chinh phục được khán giả về chất lượng âm nhạc, giọng hát và nếu có tiêu đề nhạy cảm thì cũng bởi sự tương đồng với nội dung, thay vì mục đích chiêu trò, gây chú ý. Tức nói như nhạc sĩ Tú Dưa, “một bài hát hay sẽ sống mãi với khán giả, còn chiêu trò thì chỉ là nhất thời”.

Theo Zing


Kpop

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao