Căn bệnh dễ gây... rụng răng nhiều người mắc mà không để ý

Tụt lợi là quá trình lộ bề mặt chân răng do lợi di chuyển về phía cuống răng. Tụt lợi là dấu hiệu báo trước cho sự mất xi măng chân răng, mòn cổ răng, lộ ngà răng.

1. Nguyên nhân của bệnh tụt lợi:

- Tụt lợi do viêm lợi, viêm quanh răng: Viêm lợi, viêm quanh răng lâu ngày không được điều trị sẽ gây tụt lợi, thậm chí là tụt lợi ở toàn bộ 2 hàm. Dấu hiệu của tụt lợi do viêm là xảy ra hiện tượng tụt lợi kèm theo chảy máu lợi, sưng lợi...

- Tụt lợi do bề mặt ngoài của chân răng quá mỏng, dễ bị sang chấn: Sang chấn khớp cắn sẽ kích thích tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ cũng gây ra ình trạng tụt lợi.

- Phanh niêm mạc bám sai vị trí thường làm lợi bong khỏi vị trí của nó và dẫn đến tụt lợi.

- Tụt lợi ở người lớn do bàn chải đánh răng quá cứng và chải răng không đúng cách: Tuy chải răng rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của lợi nhưng chải răng quá mạnh và sai kỹ thuật sẽ dẫn đến bị tụt lợi.

Bệnh nhân bị tụt lợi gần như cả 2 hàm.
Bệnh nhân bị tụt lợi gần như cả 2 hàm.

2. Hậu quả của bệnh tụt lợi:

- Tụt lợi làm mất men răng và cement chân răng: Điều này có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột sau khi bị tụt lợi. Nếu xảy ra nhanh hoặc đột ngột có thể gây buốt răng, nếu xảy ra từ từ thì thường không bị buốt răng.

- Tụt lợi tăng tính nhạy cảm răng, gây ê buốt răng. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ bị viêm tủy răng do mòn quá mức.

- Tụt lợi thường gây ra 10% răng bị hở ngà tự nhiên vì men răng và cement chân răng không gặp nhau ở cổ răng. Vùng này rất dễ bị mòn khi chải răng, gây chấn thương về răng nghiêm trọng.

- Tụt lợi làm hở chân răng, đặc biệt đối với răng cửa và răng nanh sẽ làm giảm thẩm mỹ, gây mất tự tin khi giao tiếp.

Tình trạng tụt lợi do các nguyên nhân không phải viêm thường chỉ liên quan đến một răng hoặc một vài răng, thông thường là răng nanh, răng cửa, ít khi ở răng hàm.

Tuy nhiên, nếu tụt lợi kèm theo quá trình viêm của vùng quanh răng có thể gây tụt lợi cả hàm, lung lay răng, thậm chí là rụng răng, mất răng do gốc răng bị tổn thương quá mức.

3. Cách phòng ngừa bệnh tụt lợi:

- Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để lấy sạch cao răng, kịp thời phát hiện nếu có hiện tượng viêm lợi, viêm quanh răng để có thể điều trị sớm phòng ngừa nguy cơ dẫn đến tụt lợi.

- Chọn bàn chải có đầu lông mềm để giảm nguy cơ sang chấn lợi, mòn men răng và cement răng gây tụt lợi.

- Chải răng đúng kỹ thuật: Dùng nước ấm để chải răng. Khi chải nên chải hất về phía mặt nhai và rìa cằn để tránh mòn răng.

- Dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ răng hạn chế tình trạng viêm răng.

- Chọn kem đánh răng có flouride để làm cứng men răng.

Theo Trí thức trẻ


Tin tức mới nhất