Cầu thủ Mạnh Tú trải lòng bên quán bánh cuốn

Tưởng chừng như khi bước vào đỉnh cao của làng bóng đá Việt Nam, sự nghiệp cầu thủ của tiền vệ Nguyễn Mạnh Tú sẽ thăng hoa...

 Nhưng, đùng một cái, tiền vệ người Nam Định bị đẩy ra khỏi rìa cuộc đấu trí, đấu lực những ngày cuối tuần ở V-League vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan khác nhau.

Và hơn 1 tuần trở lại đây, mỗi sáng sớm, người dân quận 7 (TP HCM) đã thấy tiền vệ trẻ từng một thời khoác áo các CLB Nam Định, K.Khánh Hòa ngồi tráng bánh cuốn. Tuy nhiên, khác với sự nhăn nhó, kể lể đủ thứ chuyện như hàng trăm đồng nghiệp khác đang vật lộn với khó khăn của cuộc sống sân cỏ thời “ông bầu chán đá bóng”, người ta vẫn thấy nụ cười nở trên môi thường xuyên của Mạnh Tú. Nó đơn giản như lời trần tình của anh: “Tôi cảm thấy như thế đã may. Tôi vẫn đam mê bóng đá đấy chứ. Nhưng, bây giờ thì muốn tập trung kiếm tiền để lo cho vợ con thôi”.


Mạnh Tú và quán bánh cuốn

Nguyễn Mạnh Tú sinh năm 1984, từng được giới chuyên môn chú ý trong màu áo đội U21 Nam Định, rồi đội 1 Nam Định (VĐ Cúp QG năm 2007). Năm 2009, cùng với một số cầu thủ Nam Định khác, Tú thoát ly khỏi bóng đá thành Nam tìm kiếm chân trời mới khi không còn hợp với bóng đá quê nhà. Rời thành Nam, Tú bôn ba qua Đồng Nai và dừng chân ở K.Khánh Hoà mùa bóng 2011.

Nhưng trước khi giải V-League 2012 kết thúc trước 5 vòng đấu, anh bị đội bóng phố biển Nha Trang sa thải cùng hai tháng lương đền bù cho hợp đồng, với những lý do Tú thấy không rõ ràng. Mặc dù từ đó đến nay Mạnh Tú  đã đánh tiếng xin việc ở khắp các đội bóng từ Bắc chí Nam, nhưng trong thời buổi khó khăn kinh tế đang bao trùm khắp cả nước như vậy, đi đến đâu Tú cũng bị lắc đầu từ chối.

Thậm chí, cả đội bóng cũ vừa bất ngờ nhận chiếc vé thăng hạng V-League như Đồng Nai cũng có “lời ra tiếng vào” về vụ lương bổng với anh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Nguyễn Mạnh Tú làm bất ngờ với những người quen biết anh, và cả với cô vợ trẻ xinh đẹp ngạc nhiên khi tuyên bố: “Giải nghệ”.

Vẫn mê bóng, nhưng bây giờ... gia đình thôi

Tất nhiên, với một người đàn ông như Mạnh Tú, cuộc sống không thể buông xuôi, dù sự nghiệp có bấp bênh. Đơn giản, vì sau lưng Tú giờ đây là cả một gia đình mà anh phải chung sức gánh vác. Mặc dù gia đình nhỏ thôi, với một người vợ trẻ và cậu con trai nhỏ, nhưng Mạnh Tú dường như hiểu rõ sự vững vàng của mình trong tình cảnh khó khăn này sẽ là chỗ dựa cho họ.

Sự vững vàng đó giúp Tú vượt qua rất nhanh suy nghĩ sợ người đời cười cợt khi từ một cầu thủ đá bóng kiếm mấy chục triệu đồng/tháng giờ ra mở tiệm bánh cuốn mà thu nhập hoàn toàn dựa vào thói quen, nhu cầu…của khách hàng để kiếm những khoản tiền lẻ hàng ngày.




Tươi cười bán hàng

Nói về công việc mới chẳng hề liên quan đến chuyện bóng banh, Tú đã cười rất tươi kể chuyện: “Giờ sáng nào tôi cũng dậy từ 4 giờ sáng để đưa vợ ra mở tiệm. Buổi chiều trước đó đã phải đưa vợ đi chợ để mua sắm đủ thứ. Tiệm này một tay vợ tôi lo cả. Tôi hiểu và thương cô ấy lắm. Lấy một cầu thủ đá bóng đã khổ, lấy một cầu thủ thất nghiệp lại khổ hơn gấp 10 vì cái gì cũng phải bắt tay làm như từ đầu.

Phương (tên của vợ Mạnh Tú, vốn là một nghệ sỹ, đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP HCM) đã bỏ cả sự nghiệp diễn xuất theo tôi ngần ấy năm nay. Do đó, tôi tự nhủ rồi, bỏ đá bóng cũng được, thức khuya hay dậy sớm cũng được, tôi chỉ hy vọng lấy sức đàn ông con trai ra phụ cho vợ đỡ nặng nhọc. Mong là tôi sẽ mang đến niềm hạnh phúc cho cô ấy”.



Mạnh Tú và vợ say bột

Ngồi cả buổi nghe Mạnh Tú tâm sự, chia sẻ chuyện giúp đỡ vợ con..., người viết đã ngạc nhiên khi giữa thế giới đá bóng đầy cạm bẫy, đầy chuyện ăn chơi của bóng đá nội như thế này mà vẫn có một cầu thủ nói mãi không chán chuyện gia đình. Với thực trạng V-League đang đầy rẫy cầu thủ thất nghiệp thì việc Mạnh Tú phải “nghỉ hưu sớm” và chuyển nghề làm bánh cuốn không phải là lạ. Dù sao, chuyện Tú chí thú lo làm ăn, giúp đỡ vợ con để chống chọi với cơn “bão giá” cũng là niềm vui với gia đình anh.

Câu chuyện vượt khó hiện thời của tiền vệ Nguyễn Mạnh Tú dường như đối lập hoàn toàn với hình ảnh của một cựu tuyển thủ quốc gia đi ô-tô đắt tiền gây tai nạn và thản nhiên “múa hát” trước vô lăng trong cái nhìn ngán ngẩm của người qua đường, hay cảnh những cầu thủ của một đội bóng được xếp vào hàng “đại gia” V-League dù ngày mai đã thi đấu nhưng một giờ sáng vẫn nốc rượu như nước lã.

Chuyện của các cầu thủ “mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng chỉ khi những người trong cuộc (nhiều người còn rất trẻ) ý thức nghề nghiệp của mình là chỗ dựa cho gia đình để phấn đấu, tu thân, luyện tài thì bóng đá Việt Nam lúc ấy mới có cơ hội để đi lên từ gốc rễ như vậy được.

Theo Khám Phá

Tin tức mới nhất