Cha con “người rừng” bối rối trước cuộc sống hiện đại

Trở về với cuộc sống hiện đại được mấy ngày, cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Loan (không phải là Lang như thông tin ban đầu) ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cảm thấy mọi cái đều lạ lẫm đối với mình.

Đặc biệt, anh Loan lần đầu tiên được nhìn thấy “cục sắt” phi như ngựa (xe máy), được mang áo quần... và được cầm bàn tay phụ nữ!

Tồn tại giữa thiên nhiên khắc nghiệt

Để chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết trong rừng sâu, hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Loan đã nghĩ ra nhiều “bí quyết” mà nếu ai không biết thì khó có thể tưởng tượng được. Theo ông Hồ Minh Lâm (44 tuổi, con bác ruột của anh Hồ Văn Loan) vào mùa đông, trên núi A Pon sương mù phủ kín, lạnh thấu xương thấu thịt. Nếu người bình thường chịu lạnh cũng chỉ khoảng 2-3 giờ, nhưng hai cha con “người rừng” đã chống chọi được hơn 40 năm mà không hề bệnh tật gì. “Hai cha con không mặc áo quần, chủ yếu mặc cái khố, ấy thế mà mưa nắng hay giá rét gì cũng chịu được. Tôi rất khâm phục”, ông Lâm nói.

Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, cha con họ tự tìm cây mì, bắp, lúa để trồng lấy nguồn lương thực. Chúng tôi thắc mắc họ lấy giống ở đâu mà trồng được, ông Lâm cho biết: “Thỉnh thoảng Loan đi xuống những đám rẫy trồng mì, bắp và ruộng lúa, hái trộm một ít về trồng gần nơi ở. Hai cha con lấy nước mưa và giọt sương trong rừng làm nguồn nước tưới”.

Ông Thanh đang được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe.

Các vật dụng do hai cha con “người rừng” tự làm, luôn gây sự tò mò cho bất kỳ người dân hiếu kỳ nào đến xem. Gần 10 cái dao, búa rìu được làm từ xác vỏ bom, đạn còn sót lại trong chiến tranh. Ngoài ra, ông Thanh làm đồ gia dụng với độ tinh xảo và chất lượng không kém gì các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Điển hình như: loại giỏ, gùi, rổ đựng đồ, ống tre cất giống và thuốc quý, chiếu nằm, chiếc áo, ô dù che mưa… Căn nhà trú ngụ được làm bằng cây cối dựng trên cao khoảng 6m, đây là nét đặc trưng của người đồng bào thiểu số nhằm tránh thú dữ xâm hại.

“Với bản tính sinh tồn, từ lúc sinh ra, người dân đồng bào chúng tôi luôn biết tự nuôi bản thân. Hai cha con đã làm được điều đó ở nơi hoang dã. Niềm vui sướng nhất khi hai người trở về không bị bệnh tật uy hiếp”, ông Hồ Minh Lâm nói.

Thế giới mới của “người rừng”

Trở về với cuộc sống đời thường, hai cha con “người rừng” gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Vì không quen mang áo quần nên khi được mọi người mang cho, anh Loan rất lúng túng, phải mất 10 phút mới mang xong bộ áo quần. Đặc biệt, khi thấy xe máy, anh Loan rất tò mò, thích thú. Khi được mọi người cho lên ngồi sau lưng, lúc đầu anh Loan sợ hãi nhưng xe chạy được một đoạn thì cười lên thích thú.

Để anh Loan dần quen với cuộc sống, nhiều người đã đưa các vật dụng như điện thoại di động… cho anh Loan làm quen. Thú vị hơn, mọi người thử “bản lĩnh đàn ông” trong người của anh Loan bây giờ ra sao liền cử một thiếu nữ đến làm quen và cầm tay anh Loan. Ban đầu anh Loan co rúm người lại vì sợ, sau đó từng cử chỉ rụt rè và cũng cầm tay người thiếu nữ đó, nở nụ cười e thẹn. Bấy nhiêu năm ở rừng sâu đây là lần đầu tiên anh Loan có cảm giác cầm một bàn tay khác giới mềm mại và “run run”…

Theo ông Lâm, vào buổi tối, bật tivi lên, anh Loan đều nhắm mắt lại, không xem tivi. Mỗi lần đi ngủ phải tắt hết điện, nếu có ánh sáng điện là anh Loan không ngủ được…Trong cơn mưa bất chợt đổ xuống Tây Trà, anh Loan như “bừng tỉnh” chạy ra tắm mưa. Có lẽ cuộc sống hoang dã những ngày tháng trong rừng đã khiến anh Loan quen với việc tắm mưa. Nhìn người đàn ông hơn 40 tuổi tươi cười, thỏa thích trong cơn mưa như trẻ con khiến ai cũng cảm động.

Người cha là bộ đội chính quy


Hay tin chính quyền địa phương và lực lượng công an vào rừng đưa hai cha con “người rừng” về nhà, ông Hồ Văn Ban (ngụ xã Trà Phong, huyện Tây Trà) cùng vào rừng. Ông  Ban nhận ra ngay ông Hồ Văn Thanh chính là đồng đội chung chiến hào năm xưa. “Trong những năm 1971-1972, tôi và anh Thanh cùng xóm, cùng chiến đấu tại khu vực miền Tây tỉnh Quảng Ngãi. Sau giải phóng, đồng đội chúng tôi không biết anh Thanh sống ở đâu. Nay anh trở về như thế này thật chua xót”, ông Ban nói.

Sống giữa rừng sâu âm u, lạnh buốt nhưng ông Thanh vẫn gói quân phục bộ đội ngày ấy, cất giữ cẩn thận. Trên bộ đồ người lính, tất cả gần như còn mới, chỉ có vài cúc áo rơi ra ngoài bởi đường chỉ đã tuột theo thời gian hơn 40 năm trong rừng.

Đến thăm và kiểm tra bộ đồ quân ngũ, Trung tá Nguyễn Tấn Hoa – Chính trị viên Cơ quan quân sự huyện Tây Trà cho biết: “Bộ đồ quân phục được ông Hồ Văn Thanh gìn giữ còn nguyên vẹn, dường như hơn 40 năm qua ông chưa lấy ra mặc vì độ mới tinh và đường chỉ thể hiện điều đó. Bộ đồ người lính này có từ thời trước giải phóng. Thông qua các đồng đội, chúng tôi khẳng định ông Thanh từng tham gia bộ đội trước năm 1975”.

Qua thẩm tra từ các nguồn lưu trữ, nhân chứng và kỷ vật, cơ quan quân sự xác định ông Hồ Văn Thanh tham gia bộ đội chính quy thuộc Quân khu 5. Trong những năm chiến đấu chống Mỹ, ông Thanh nhận nhiệm vụ đóng quân ở khu vực miền Tây của tỉnh Quảng Ngãi (huyện Trà Bồng, năm 2003 tách ra thành 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà).

Với căn cứ tham gia bộ đội trước năm 1975, ông Thanh xứng đáng được hưởng chế độ chính sách bệnh binh theo Công văn 6572 của Bộ Quốc phòng, về việc giải quyết chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc địa bàn Quân khu 5 tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và về địa phương trước ngày 10/1/1982.

Ông Hoàng Anh Ngọc – Chủ tịch UBND huyện Tây Trà khẳng định: “Trước mắt, địa phương thường xuyên hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết để hai cha con ông Thanh sớm hòa nhập với cộng đồng. Đối với ông Thanh, sau khi xác minh đầy đủ thông tin về việc tham gia bộ đội, địa phương khẩn trương làm hồ sơ chế độ bệnh binh cho ông”.

Sau 4 ngày điều trị ở BV Đa khoa Tây Trà, sức khỏe của ông Hồ Văn Thanh đã dần bình phục, có thể ngồi dậy và nói chuyện với con trai. Theo các bác sĩ, ông Thanh chỉ cần tiếp tục truyền nước và ăn uống đủ chất thì có thể xuất viện khoảng 2 ngày tới.

Theo Gia đình

Tin tức mới nhất