Chàng song ái vô tính: 'Nhiều người khuyên tôi nên đi khám sinh lý'

Khi khái niệm LGBT ngày càng trở nên quen thuộc với xã hội thì dường như cụm từ "người vô tính" vẫn còn xuất hiện khá mờ nhạt. Bởi sự thiếu hiểu biết của một số người nên định kiến về cộng đồng người vô tính vẫn còn rất nặng nề.

23 tuổi, Đỗ Văn Tuấn (đến từ Vĩnh Phúc), chàng trai tự nhận mình là người song ái vô tính, đã khiến không ít người phải ngưỡng mộ vì một cuộc hành trình dài vận động quyền cho người LGBT cũng như các hoạt động nghiên cứu, nâng cao nhận thức cho cộng đồng người vô tính.

Hơn 5 năm qua, Tuấn được coi là người khởi xướng khi thành lập mạng lưới cộng đồng người vô tính ở Việt Nam. Chàng trai 9X này cũng là "thủ lĩnh" của hàng loạt các chương trình triển lãm, hội thảo, kết nối những người vô tính lại, đặc biệt nhóm LGBT vô tính. Với Tuấn, đó mới chỉ là những bước đi đầu tiên cho hành trình kết nối và nhận diện người vô tính tại Việt Nam.


Đỗ Văn Tuấn

- Chào Tuấn! Bạn có thể chia sẻ về hành trình đi tìm câu trả lời "mình là ai?" không? Có bao giờ chính bản thân Tuấn cảm thấy hoang mang về xu hướng tính dục của mình?

Đa phần không phải bất cứ ai cũng hiểu được mình là ai ngay lập tức từ khi còn rất nhỏ. Chắc chắn từ nhỏ bạn đã mang xu hướng tính dục đó nhưng để hiểu và nhận ra nó thì cần một độ tuổi nhất định và mỗi người có giai đoạn nhận biết khác nhau. Thông thường khi đến tuổi dậy thì, biết rung động và yêu thương, bạn sẽ biết được trái tim mình sẽ dành cảm xúc cho con trai hay con gái.

Với bản thân mình, đến năm lớp 7, mình mới chỉ biết được mình là người có khả năng thích cả nam lẫn nữ. Lúc đó khái niệm về người song tính rất mơ hồ. Đơn thuần trong đầu chỉ nghĩ, à mình cũng biết thích một bạn nam và còn rung rinh một bạn nữ. Dù tình cảm đó xuất phát ở hai thời điểm khác nhau. Ban đầu mình khá hoang mang một chút nhưng lại tự nhủ "cái gì đến sẽ đến".

Càng lớn, mình lại càng nhận ra bản thân không hề có nhu cầu hay chưa bao giờ nảy sinh một suy nghĩ về chuyện tình dục với một ai đó. Cảm giác đầu tiên là không quan tâm, nghĩ tới khi xem phim hay đọc sách lại thấy khó chịu và nhận ra nó chuyện này không thuộc về nhu cầu của mình. Thời điểm đó việc tiếp cận internet là rất ít nên mình không hiểu được mình là ai, tại sao lại như vậy. Đơn thuần, mình chỉ nghĩ đó là việc hết sức tự nhiên, chắc mỗi người có một nhu cầu khác nhau.

Đến năm 2013, thông qua việc tìm tòi thông tin trên mạng, mình mới tìm được thuật ngữ "SOGIE" (chỉ những người LGBT). Lúc này mình nhận ra mình là người song tính. Sau khi tìm kiếm tiếp mình đã phát hiện ra có một diễn đàn dành cho người vô tính nhưng lượng theo dõi rất ít. Mình có đọc và tìm hiểu khái niệm về người vô tính. Lúc này, mình đã có thể gọi "nhãn dán" cho mình. Hành trình tìm kiếm bản thân mình đôi chút hoang mang, lo lắng nhưng khi biết chính xác có ai đó giống mình thì cảm giác con người như được sinh ra một lần nữa, thở phào nhẹ nhõm.

- Đã bao giờ Tuấn dũng cảm đứng lên công khai chuyện mình là người song ái vô tính với gia đình và bạn bè? Nếu có, phản ứng của họ như thế nào?

Là một người tham gia rất nhiều hoạt động trong cộng đồng LGBT, mình hiểu được rằng: công khai là đồng tính đã khó, dù mọi người đã hiểu về nó nhưng công khai là người vô tính thì khó gấp vạn lần. Vì thực sự, rất rất ít người hiểu về vô tính và họ còn quá nhiều định kiến.

Mình có chia sẻ với bố mẹ, người thân và bạn bè về chuyện mình là ai. Tất nhiên là không phải một ngày, chạy thẳng về nhà và nói với gia đình: "Con là người song ái, vô tính' mà là một quá trình từ từ và khá dài. Bố mẹ không hiểu về các thuật ngữ đó nên tôn trọng quyết định của mình, đôi lúc nhắc nhở và có khi lại nghĩ: 'Bọn trẻ bây giờ học nhiều quá nên nghĩ ra quá nhiều thứ khác biệt".

Với bạn bè, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhưng thời gian đầu mình gặp phải rất nhiều phản ứng khó tin. Có một bạn nói: "Vô tính là gì, là vô đạo đức, không có phẩm chất gì phải không?". Có một bạn thì lại cho rằng: "Phải thử quan hệ với ai đó mới biết thực sự mình có là người không có nhu cầu về tình dục hay không? Cứ thử đi sẽ biết". Một số người lại nghĩ: "Có thể bạn bị bệnh nên tốt nhất bạn nên đi khám sinh lý". Ban đầu mình cảm thấy hơi buồn nhưng sau nhận ra vì đơn giản mọi người không ai hiểu. Hơn 5 năm qua, mình cứ tiếp tục vừa sống vừa chia sẻ với mọi người, nói cho họ hiểu. Ai hiểu thì hiểu còn không định kiến như thế nào thì mình cũng không còn phiền lòng.

- Vừa yêu con gái lại vừa yêu con trai nhưng bạn lại không hề có nhu cầu về tình dục với bất kỳ ai. Liệu có bao giờ chuyện tình yêu của bạn gặp phải những rắc rối từ chính xu hướng tính dục của mình?

Khi một người dị tính (như bạn - PV, tức là người nam yêu người nữ và ngược lại) nhìn vào mối quan hệ của người LGBT và vô tính, họ thường có định kiến rằng, tình yêu ấy rất phức tạp. Thực ra thì cũng có rắc rối nhưng không hề lớn vì đơn thuần tình yêu nào cũng nhiều điều phức tạp dù là tình yêu nam nữ.

Mình là người quan trọng sự nghiệp, quá bận cho những công việc. Mình cũng là người gặp gỡ, giao tiếp nhiều người khác, vui vẻ và lạc quan nên bởi vậy tình yêu cũng trở thành một câu chuyện rất nhẹ nhàng. May mắn mình thường nhận được tình cảm từ đối phương trước nên dĩ nhiên họ sẽ phải hiểu mình là ai, chấp nhận mình là người như thế thì mới dành tình cảm. Có người họ cứ thắc mắc chuyện tình dục nhưng nếu họ yêu mình buộc họ phải tôn trọng.

Có những bạn giống như mình, là người vô tính khi yêu có thể bị đối phương nói là "giả vờ nhịn" hay "đừng trở thành thánh cô đồng trinh". Hay có bạn là người song tính, yêu được cả nam lẫn nữ thì bị người yêu nghĩ "bệnh hoạn, không chung thủy". Rất nhiều rắc rối xảy ra vì sự không hiểu.

- Được biết, Tuấn là người lập ra mạng lưới dành cho cộng đồng người vô tính đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Tuấn có thể chia sẻ về cuộc sống của người vô tính tại Việt Nam hiện nay?

5 năm lập diễn đàn người vô tính Việt Nam, số lượng người vô tính ở Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều. Một con số mà mình ước lượng là gấp 5 lần so với thời gian mình biết tức là rơi vào khoảng 1000 người hiện nay. Chắc chắn con số này sẽ còn cao hơn bởi không phải ai cũng hiểu người vô tính để tham gia vào diễn đàn.

Đến nay mình chưa gặp một người vô tính nào công khai thành công với gia đình. Họ lựa chọn cuộc sống độc thân, ở vậy vì thực tế họ khó tìm được một tình yêu chân thành vì đâu phải ai cũng yêu nhau mà chấp nhận không tình dục. Con số may mắn nhất mình gặp là 2 người nam nữ vô tính yêu nhau. Cuộc sống của người vô tính rất khó khăn về mặt tư tưởng vì họ không tìm được ai hiểu và chia sẻ. Những câu chuyện mà mình nhận được để tư vấn đều rơi vào sự bế tắc.

Câu chuyện gần đây nhất mà mình có thể chia sẻ là chuyện một chị con gái bị gia đình ép cưới. Chị đã chối rất nhiều lần nhưng vì chữ hiếu nên buộc phải lấy chồng. Ban đầu, chị lựa chọn lấy một người lái tàu và hi vọng cuộc sống xa nhau sẽ khiến hai vợ chồng không phải động chạm nhiều. Nhưng đến sát ngày cưới, chị nhận được tin dữ là người chồng tương lai sẽ xin nghỉ công việc đi làm xa để gần vợ và chăm sóc.

Chị muốn hủy hôn vì sợ hãi khi nghĩ tới cuộc sống tương lai nhưng nếu hủy hôn sát ngày cưới lại trở thành câu chuyện hoàn toàn to tát vì danh dự của cả gia đình. Đối với người vô tính, quan hệ tình dục ép buộc được coi là hành động cưỡng hiếp. Chắc chắn khi phải trải qua tâm lý không thoải mái, họ sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Một số người vô tính đã phải li dị vì không thể sống một cuộc sống buộc phải có tình dục.

- Tuấn định gắn bó với công việc kết nối người vô tính lại với nhau đến khi nào?

Hiện tại, mình đang vừa hoạt động nâng cao nhận thức cho mọi người về khái niệm vô tính như mình đã tổ chức một triển lãm, các hoạt động diễu hành phối hợp cùng Hanoi Pride năm 2017, tổ chức tuần lễ nhận diện người vô tính và cả những câu chuyện chia sẻ trên radio cũng như một số phương tiện truyền thông khác.

Công việc đó là một cái duyên khó ai có thể nói trước được điều gì. Nhưng mình sẽ cố gắng làm đến khi thấy thực sự "đã đến lúc xã hội đều hiểu được người vô tính". Ngoài công việc này, mình tham gia hoạt động xây dựng mạng lưới trường học cầu vồng tại các tỉnh phía bắc nhằm tuyên truyền kiến thức đa dạng tính dục, xu hướng tính dục để ngăn chặn bạo lực học đường. Cảm giác bây giờ là rất tâm huyết và đam mê, sẵn sàng ngày chỉ ngủ 3 tiếng nhưng lúc nào mình cũng cảm thấy tràn đầy năng lượng và hạnh phúc.

- Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, bạn có muốn dành lời khuyên nào đến những bạn LGBT, những bạn vô tính đang loay hoay tìm kiếm câu trả lời "thực sự mình là ai" và bi quan khi nhận ra mình là một phần 'dị biệt' của xã hội?

Với mỗi người khi sinh ra trong cuộc đời này đều có một giá trị riêng và không ai có thể giống nhau. Tất cả là sự đa dạng của thế giới. Dù bạn là gay, là les, là song tính hay người vô tính thì điều đó vẫn không thể khiến bạn trở thành sự "khác biệt", "dị hợm" mà đơn thuần sự xuất hiện của bạn khiến thế giới này đa dạng sắc màu hơn mà thôi.

Có thể chắc chắn rằng, khi biết mình là ai, mỗi bạn có xu hướng tính dục khác hay là người vô tính đều cảm thấy hoang mang, chán nán vì xã hội này không chấp nhận mình. Nhưng bản thân mình cho rằng, hãy cứ tối giản hóa mọi suy nghĩ, sống lạc quan, tin tưởng vào tương lai, chăm chỉ lao động thì điều tốt đẹp nhất cũng sẽ tới. Thay vì kêu ca, bạn có thể chia sẻ. Thay vì lo lắng bạn có thể dành khoản thời gian đó để học tập, lao động và cống hiến. Giá trị của một người không nằm ở giới tính mà nằm ở việc bạn đang làm gì cho chính mình và mọi người xung quanh.

- Cám ơn Tuấn về cuộc trò chuyện lần này!

Theo Đất Việt


cộng đồng LGBT giới trẻ

Tin tức mới nhất