Chạy sô mổ thuê 10-15 con lợn mỗi ngày kiếm trăm triệu/tháng trong cơn bão lợn mất giá

Nhiều thợ chuyên mổ lợn thuê đang vào mùa “thu hoạch” khi mỗi ngày “chạy sô” mổ từ 10 tới 15 con lợn, bỏ túi cả trăm triệu đồng mỗi tháng.



Tại Hà Nội, nhiều người không bán được lợn do thương lái ép giá quá thấp, bán cũng lỗ mà tiếp tục nuôi càng lỗ. Họ đành phải tự thuê người về mổ lợn đem ra chợ bán tháo với giá rẻ để mong thu hồi lại được chút nào hay chút ấy.  

Có nhà bán được vài con lợn mỗi ngày. Những người hành nghề mổ lợn thuê liên tục “chạy sô” để kịp mổ lợn cho khách hàng kịp giờ đi bán.    
 


   Thịt lợn mất giá nhiều người chăn nuôi tự thuê người về mổ lợn đem ra chợ bán với giả rẻ để thu hồi vốn. Ảnh Chí Duy   
 

Anh Trần Văn Đại ở Hoài Đức, Hà Nội một người hành nghề mổ lợn lâu năm cho biết: “Trước đây mỗi ngày tôi chỉ nhận khoảng 5 tới 6 con lợn một ngày, do người bán cũng ổn định và chủ yếu là các tiểu thương bán thịt lợn ở các chợ quanh khu vực.  

Tuy nhiên khoảng một tháng đổ lại đây nhiều người nuôi lợn không bán được phải tự mang ra chợ bán tháo để thu hồi vốn nên công việc của tôi tăng gấp đôi so với những tháng trước”.  

“Trung bình mỗi ngày tôi mổ trên chục con lợn, tiền vốn thì không mất đồng nào chỉ mất công đi lại và mang theo dao chọc tiết và giá giữ lợn của mình thôi", anh Đại cho biết thêm.  

Cùng hành nghề mổ lợn, anh Trần Lê Thanh ở Dương Liễu, Hoài Đức mỗi ngày mổ 15 tới 20 con lợn chia sẻ: “Một mình tôi làm không xuể vì quá nhiều người gọi nên vợ tôi phải nghỉ việc bán rau ngoài chợ cả tháng nay để đi phụ giúp tôi.  Trung bình tiền công mổ một con lợn từ 200.000 - 250.000 đồng tuỳ con to, nhỏ. Mỗi ngày chúng tôi thu về khoảng trên 4 triệu đồng, tính ra thu nhập đợt này cũng khá”.     

“Lâu nhất là công đoạn làm lông lợn bởi phải làm kĩ và nhanh, quan trọng nữa là pha nước nóng tỉ lệ phải chuẩn nếu không lông lợn bị ăn vào da rất khó cạo. Hai vợ chồng chúng tôi tập trung làm chỉ mất khoảng 30 phút là xong kể từ khi bắt lợn cho tới khâu mổ và lọc nội tạng ra riêng”, vợ anh Thanh vừa phụ chồng mổ lợn vừa nói.  

Những thợ hành nghề mổ lợn cho biết, thời gian cao điểm trong ngày là từ 2 giờ sáng đến 5 giờ sáng. Đây là khoảng thời gian nhiều người gọi mổ nhất bởi chợ sáng lúc nào cũng bán được nhiều.  

“Có nhà đặt chúng tôi mổ 3, 4 con một buổi sáng. Hết giờ cao điểm chúng tôi về nghỉ ngơi tới 12 giờ trưa lại tiếp tục cho tới chiều. Nhiều nhà đắt khách vừa mổ xong khoảng một tiếng sau lại gọi đến mổ tiếp.  

Cũng chính vì nhiều nhà chăn nuôi cùng mổ lợn để đem bán nên công việc quá tải, không làm hết được nên chúng tôi vẫn ưu tiên khách quen lâu năm trước vì những người này chủ yếu chở lợn tới lò của chúng tôi. Còn những người gọi đến tận nơi phải đợi và trả thêm tiền công đi lại”, anh Thanh nói.     
 


   Trung bình thời gian để mổ xong một con lợn mất khoảng 20 đến 30 phút. Ảnh Chí Duy     
 

Theo những người có kinh nghiệm lâu năm, “đẳng cấp” của mỗi người thợ thể hiện ở việc chọc tiết lợn, tay nghề cao thì làm sẽ nhanh và gọn, lợn chết hẳn chỉ sau khoảng 30 giây và tiết nhiều; tay nghề thấp nhiều khi chọc tiết không chuẩn lợn sẽ không chết ngay và mất nhiều thời gian. Đối với thợ lành nghề, thời gian để mổ mỗi con lợn mất từ 20 tới 30 phút.  

Cũng do đợt này nhu cầu thuê người mổ lợn cao nên nhiều người biết chút về mổ lợn hay đang làm thuê cho các lò mổ cũng tranh thủ kiếm thêm.  

Ông Trương Văn Minh - một người chăn nuôi lợn cũng đang chọn cách thuê người về mổ lợn để đem ra chợ bán để thu hồi vốn cho biết: “Khoảng một tháng đổ lại đây gia đình tôi bắt đầu thuê người về mổ lợn để đem ra chợ bán. Thời gian đầu bán cũng chạy do chúng tôi bán rẻ hơn các quầy khác.  

Có ngày bán được 3, 4 con, tuy nhiên gần đây nhiều nhà cũng làm như vậy nên cũng bán chậm đi. Nhiều khi mổ ra ế nên giờ mỗi ngày gia đình tôi chỉ mổ có một con thôi. Vừa bán cho thương lái vừa gọi người mổ đem chợ bán nên đàn lợn hơn 100 con giờ chỉ còn 24 con trong chuồng”.  

Trong khi người chăn nuôi lợn cả nước đang lao đao vì giá lợn lao dốc, nhiều người nuôi tự tìm đường thoát cho mình bằng cách tự mổ lợn đem ra chợ bán với giá rẻ. Đây cũng có thể coi là một trong những giải pháp tình thế cho việc chênh lệch giá thịt lợn khi người nuôi bị ép giá còn người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao.      

 

Theo Đời sống & Pháp lý


nghề nghiệp thịt lợn

Tin tức mới nhất