Chị em phụ nữ hãy tỉnh ngộ đi: Làm vợ, làm dâu mà không làm gì thì đáng bị đuổi ra đường!

Phụ nữ bây giờ, hơi tí là gào mồm lên: “Tôi có làm gì đâu, mà sao chồng tôi vẫn lăng nhăng, bồ bịch, vẫn đối xử với tôi không ra gì!”. Giá như chị em biết rằng, đôi khi không làm gì cũng là cái tội. Trọng tội là đằng khác!



Bộ phim “Người phán xử” đang nóng hơn bao giờ hết không chỉ bởi kịch bản hay, chặt chẽ, tình tiết hấp dẫn, diễn xuất nhập tâm mượt mà mà còn bởi những câu thoại cực kỳ sâu sắc và khiến ai cũng phải suy nghĩ. Mới đây, trong tập 4 của phim, bố chồng Phạm Quân - người đàn ông được mệnh danh là “Bố già” của cả một vùng rộng lớn, đã ngồi nói chuyện với cô con dâu bị trầm cảm của mình về hôn nhân của con trai với con dâu. Bố Quân ngồi hồi lâu, rồi nói với con dâu một câu mà đảm bảo sẽ khiến các con dâu khác ngoài đời thực khi nghe xong sẽ phải nhạy dựng lên phản đối:

- Lỗi của con là không biết giữ chồng!

Chị em phụ nữ có quyền giận dữ. Có quyền bức xúc. Đúng rồi. Vì chồng mà, chứ có phải thú cưng, là chó mèo đâu mà giữ. Chồng có chân, có trái tim, có lí trí, có suy nghĩ, có cả những khao khát mong muốn riêng. Mình là vợ chứ đâu phải thánh cô mà giữ được chồng, cái thứ bị giật và dễ giật còn nhiều hơn cả iPhone, iPad bây giờ.

Nhưng khi bố Quân nói tiếp câu sau:

- Lạt mềm buộc chặt, lúc nhu lúc cương gia đình mới yên ấm!

Đến đây chắc chắn chị em sẽ phải im lặng đồng tình tuyệt đối. Vấn đề không phải ai cũng biết lúc nào nên cương, lúc nào nên nhu. Những chị em hay than phiền gia đình lục đục, vợ chồng hơi tí là quàng quạc vào mặt nhau chủ yếu là những người toàn nói vào lúc cần im và im vào lúc cần nói. Mà đàn ông chỉ vũ phu khi đàn bà phũ miệng. Nhiều chị em sau khi bị chồng dùng vũ lực để nói chuyện thì vừa hãi vừa hậm hực, tự nhủ lòng: “Được rồi, từ giờ bà im cho vừa lòng. Không làm gì hết cho đỡ lắm chuyện rồi lại ôm rơm giặm bụng!”.
 

Chị em phụ nữ hãy tỉnh ngộ đi: Làm vợ, làm dâu mà không làm gì thì đáng bị đuổi ra đường! - Ảnh 1.

"Có gia đình chồng để quán xuyến, kết nối mà cứ bỏ ngoài tai mọi lời góp ý của mọi người. Nhìn thấy họ hàng như nhìn thấy bà hàng nước. Thế thì ai mà yêu quý cho nổi?" - Ảnh minh họa

Làm dâu, làm vợ mà cứ như búp bê bày trong tủ kính thì đừng trách bị đối xử không ra gì!

Mỗi câu chuyện đều có hai phía. Việc của chúng ta trước khi phán xét bất cứ điều gì đều phải nghe bằng hai tai. Tôi không tin có người phụ nữ nào vô can 100% trong những tội lỗi mà chồng mình phạm phải. Chị em cứ gào lên: “Tôi có làm cái gì đâu. Tự hắn khốn nạn như thế!” mà không hề nhận ra rằng, đôi khi "không làm gì" cũng là cái tội.

Tôi đây. Chính tôi đây đã là minh chứng sống cho việc gái không xù lông chồng vẫn chán. Mỗi khi hai vợ chồng cãi nhau, tôi đều im lặng. Im thứ nhất vì một sự nhịn chín sự lành, như ông bà ta đã dạy: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa muôn đời không khê”. Im thứ hai vì nói nhiều cũng có thay đổi được gì đâu, vẫn là những mâu thuẫn ấy, những vấn đề ấy, những khúc mắc ấy, chẳng được giải quyết tí nào sau khi cưới nhau như lời chồng ngọt ngào hứa hẹn, mà càng lúc càng phình to ra như quả bóng bay cỡ đại. Tôi im lặng vì nhịn và chán. Chán chả buồn nói. Kiểu thế. Và thầm hi vọng chồng sẽ là người bắt chuyện trước, làm hòa trước với mình, như hồi còn yêu nhau.

Lần một, lần hai, ừ thì chồng cũng xuống nước trước. Đến lần thứ ba, quên đi. Quên khẩn trương. Không có chuyện cứ một người chạy theo một người, một người chịu nhún còn người kia cứ cương mãi và không làm gì mãi. Đàn ông là thế. Họ sẽ không bao giờ cho con cá đã cắn câu ăn mồi ngon. Thay cá bằng vợ cho dễ hiểu. Thế nhưng cũng đàn ông, anh nào cũng ưa ngọt, ưa nịnh và những em mèo con nũng nịu chứ không phải con ngan già cứ quàng quạc cái mồm lên.

Tôi sau khi suy nghĩ rất nhiều, phần vì nhớ chồng (nhớ thật chứ đùa, mang tiếng ở cùng nhà nhưng cả ngày không nhắn tin, về nhà không nói chuyện, mỗi đứa một việc không khác gì người dưng), phần vì thấy mình là người có lỗi, nên đã chủ động nhắn tin ngọt nhạt với chồng với lí do: “Vì vợ thấy quá khó để mở lời!”

Trong thư, tôi nhắc đến chồng như người hùng của cả gia đình, mang trên vai bao trọng trách, một ông bố tuyệt vời và đầy trách nhiệm, không quên cài cắm mấy mẫu câu kiểu: “Dù chồng rất tuyệt nhưng…”, “Vợ và con sẽ vui hơn rất nhiều nếu như chồng…”. Kết quả không ngờ. Chồng từ lười hủi về nhà cắm mặt vào chơi game đã biết chủ động dọn dẹp quần áo, rửa bát, mang đồ lên giặt giúp vợ.

Thế nên, trước khi các chị em gào lên: “Tôi không làm gì, tôi vô tội” và coi đó như lệnh bài miễn trách nhiệm của mình khi chồng đi lăng nhăng, cặp bồ, khi mẹ chồng suốt ngày lườm nguýt, đánh giá so sánh nọ kia, hãy vắt tay lên trán mà nghĩ xem, liệu có phải chuyện thành ra như vậy là vì mình không làm gì hay không?

Khi mà chị em chẳng làm gì để kết nối với mẹ chồng, với gia đình chồng; khi mà chị em cứ nằm ườn ra xem phim chẳng thèm “gợi ý” chồng, quyến rũ chồng; khi mà chị em mượn cớ có bầu, chăm con vất vả rồi vứt chồng một xó, anh muốn làm gì thì làm tôi mệt mỏi lắm rồi, thì đừng, đừng gào mồm lên mình vô tội.

Tội lù lù ở đấy, đó là có chồng mà vứt chỏng chơ giữa chợ.

Có mẹ chồng mà cứ dửng dưng như người lạ. Mình không coi mẹ chồng như mẹ đẻ, lại mong mẹ chồng coi mình là con gái? Mơ à?

Có gia đình chồng để quán xuyến, kết nối mà cứ bỏ ngoài tai mọi lời góp ý của mọi người. Nhìn thấy họ hàng như nhìn thấy bà hàng nước. Thế thì ai mà yêu quý cho nổi?

Kết hôn là lựa chọn của bạn. Không ai ép. Và đã dũng cảm chọn lựa nó thì hãy cố gắng hết sức mà vun đắp nó, bảo vệ nó, giữ gìn nó. Vì khi đã đổ vỡ rồi, hàn gắn lại cũng chẳng thể như ban đầu được.

Và đừng bao giờ tự hỏi rằng: “Tại sao tôi không làm gì mà gia đình vẫn tan nát?” nữa. Hãy hỏi mình: “Tôi đã làm những gì để bảo vệ tổ ấm này, giữ lửa với người đàn ông là chồng kia?”. Tự khắc khi ấy, mỗi chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác. Và sống chung với mẹ chồng, hay cả nhà chồng đi nữa, sẽ không còn là ác mộng. Chắc chắn.

Theo Trí thức trẻ


Người phán xử mẹ chồng nàng dâu Ngoại tình hôn nhân

Tin tức mới nhất