Cho tôi chút bình yên tuổi thơ giữa những bộn bề này

Ai rồi cũng khác, phải lớn lên và trưởng thành hơn. Giữa những bộn bề của cuộc sống với những lo toan vội vã, chợt muốn được trở về những ngày của tuổi thơ với mùi lúa non tan nhanh vào sống mũi.

Bước từng bước trên con mương dài,những làn gió nhẹ nhẹ thổi những tia nắng cuối ngày lướt qua người tôi. Một chút ấm áp rồi lại một chút se lạnh. Gió mang theo hương lúa non tan vào trong sống mũi và thế là bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ trong tôi lại ùa về…

Kể từ ngày vào đại học, cuộc sống bon chen, vất vả với bao nhiêu gánh nặng, áp lực và cả niềm hy vọng rất lớn từ gia đình khiến tôi như ngộp thở. Nhiều khi chỉ muốn được về quê mà hít thở cái không khí diệu kỳ của đồng quê.

Thế nhưng, muốn là một chuyện, còn về được hay không lại là một chuyện khác. Cuộc sống khó khăn nên ba mẹ tôi cũng không dư giả để tôi có thể về quê nhiều như ý muốn. Quãng đường xa xôi, cộng với tiền xe đi lại đắt đỏ, vậy nên một năm về được hai lần là tốt rồi. Hè này, tôi dành dụm được một số tiền nhỏ, tạm gác mọi chuyện, tôi hào hứng xách ba lô lên và về quê. Tôi hồi hộp ngóng chờ, được nhìn thấy những mái nhà nhỏ đơn sơ, những cánh đồng lúa bát ngát thơm mùi nắng, những tuổi thơ chưa bao giờ phai mất.

Tôi lại nhớ về những ngày hè lúc nhỏ, những ngày mà tụi trẻ chúng tôi còn là những đứa trẻ vô lo vô nghĩ, tung tăng chạy chơi khắp nơi mà không lo đến những bộn bề này. Giống như bao nhiêu đứa trẻ khác sống ở quê, tuổi thơ của tôi gắn liền với đồng ruộng, con trâu, con bò, những bờ đê, những chiều chạy nhảy. Hè là những buổi sáng tinh mơ đi bắt dế, trộm ổi, trộm xoài của ông Hai; là những trưa nắng cháy đi bắt tổ chim, bắn bi, năm mười; là những chiều rong rã trên đồng chăn trâu, thả diều, bắt cá, đá banh; là những đêm trăng sáng cả lũ rủ nhau trốn dưới gốc ra chơi trốn tìm… Tất cả chúng đã làm nên một ngày hè ấy làm nên tuổi thơ của những đứa trẻ con nông dân trên dãi đất miền trung đầy nắng gió.

chọi dế, cánh đồng

Một ngày hè như thế thường bắt đầu lúc 5 giờ 30 sáng, không phải để tập thể dục hay nấu bếp. Tôi chui ra khỏi giường, vội làm vệ sinh rồi chạy thẳng sang nhà thằng Hùng, cách nhau có hai đám ruộng. Thường thì nó chả bao giờ bắt tôi phải đợi lâu cả, tôi gọi một tiếng là nó đã tay xách thùng, tay xách cái chai nước lớn chạy ra rồi. Và chúng tôi bắt đầu chuyến dịch đi bắt dế về đá.

Đầu mùa thu là thời điểm tụi dế bắt đầu mùa sinh sản nên chúng thường tập trung rất nhiều ở các bãi cỏ, bờ mương, bờ ruộng để tìm bạn tình. Tôi biết được điều này trên tivi - câu mà thám tử Conan hay nói ấy, và nhờ sự hiểu biết mà tụi tôi xem là “một khám phá vĩ đại” này mà ngày nào chúng tôi cũng bắt được rất nhiều. Bắt dế là một công việc đơn giản, chỉ cần lấy chân rẽ cỏ qua một bên là tụi dế chạy toán loạn thoát thân và cứ thế mà chụp, có con nào nhanh chân chạy vào hang thì cũng bị cho uống no nước rồi cũng phải mò ra khỏi hang mà đầu hàng.

Có hôm đẹp trời thì dưới bãi cỏ hay trong mấy cái hang không chỉ có dế, nếu “may mắn” thì có thể gặp được một vài con rết nhỏ cỡ ngón tay cái của chúng tôi, “may mắn” hơn nữa là gặp phải mấy con rắn nằm cuộn tròn chờ tắm nắng sớm. Khi ấy thì khỏi phải nói, mạnh ai nấy chạy. Rồi hò hét, rồi đuổi nhau chạy tán loạn khắp cả con mương.

Xong việc, hai chúng tôi lại kéo nhau qua nhà ông Hai và hướng mắt lên những chùm ổi treo ngang đầu tôi, chín mọng, vỏ căng bóng mà không một đứa trẻ nào trong xóm không khỏi thèm muốn. Nhưng với những cái đầu ranh mãnh cùng với sự cuốn hút không thể cưỡng lại của những chùm ổi ấy thì không gì cản được chúng tôi phá toanh cả cái bụi gai ấy.

Khi về đến nhà là chúng tôi sẽ bắt đầu công việc của những ông bầu, ngồi cả buổi để xem những con dế đánh nhau rồi lựa chọn những con tốt nhất, hăng nhất chuẩn bị thượng đài vào buổi trưa tranh đai vô địch xóm Bầu Lác. Những trận đấu dế luôn diễn ra nãy lửa với sự hối thúc và cổ vũ như xem một trận đấu quyền anh của các ông bầu kim huấn luyện viên, dường như mấy con dế biết rằng để thua là chắc số phận của nó nằm trong bụng lũ gà rồi nên chúng đánh nhau rất hăng, thi nhau nhe những cặp nanh như lưỡi cưa mà lao vào húc rồi đá đôi càng phanh phách. Sự hăng hái của chúng càng làm cho những ông bầu chúng tôi phấn khích, la ó để rồi sụt sùi như vừa bị mất sổ gạo khi có một con quay đầu bỏ chạy. Vậy là trò đá dế chiếm mất của chúng tôi cả buổi sáng, khàn giọng vì la hét nhưng chả có đứa nào tỏ ra mệt mỏi cả vì còn biết bao nhiêu trò hay buổi trưa đang chờ mấy thằng nhóc tụi tôi.

Buổi trưa, nếu không bị mẹ gọi về ăn cơm thì chắc tôi cũng chẳng chịu về. Ba tôi hay bắt tôi ngủ trưa nhưng làm sao tôi có thể yên tâm để chúng bạn ở ngoài kia chơi mà thiếu tôi được? Có bao nhiêu trò để chơi cơ mà? Buổi trưa thì chỉ có chơi bắn bi dưới gốc cây xoài nhà thằng Hùng là sướng nhất. Tôi bắn bị cũng thuộc hàng “dở” nên chuyện đi nhặt bi miết cũng thành quen với tôi. Và cả ngày còn lại cũng sẽ kết thúc với tôi sau khi đã lãnh đủ roi của ba.

rơm, rạ, tuổi thơ

Cũng có những hôm cái trò bắn bi chả làm tôi bận tâm khi lúa bắt đầu chín, nước trong ruộng cạn dần, và dưới cái nắng thêu đốt của trưa hè, những vũng nước còn sót lại như sôi lên và nấu chín mọi sinh vật trong nước. Lũ cá, lũ cua tìm mọi cách chui vào cỏ, hang cua để tránh cái nóng. Bắt cá chả có gì đơn giản hơn lúc này, những con cá rô, cá trầu, cá mương, tép, … đều được thu hoạch không bỏ phí. Lũ gà vịt ở nhà sẽ tha hồ đánh chén. Nhưng kiểu gì cũng phải bắt cho được vài con cá lia thia để đêm về nuôi rồi trổ tài làm huấn luận viên cho chúng thượng đài như chọi dế. Khỏi phải nói, xem những con cá lia thia đá nhau mới đẹp làm sao. Màn cắn mỏ rồi uốn lượn như người ta múa ba lê đủ làm những đôi mắt tròn xoe không ngừng chớp và những cái miệng há hốc trầm trồ.

Chiều đến là khi mẹ cho phép tôi được chạy đi chơi khi trời đã bớt nắng. Và hầu như lũ trẻ cả xóm đều tập trung ở đồng, trên những bải thả trâu bò để chơi. Trò thích nhất của chúng tôi là đuổi bắt. Nhiều khi bị đuổi riết, bí quá có đứa nhảy luôn vào lúa mà trốn. Chơi xong trò này là quần áo đứa nào cũng đầy bùn đất, chân tay thì khỏi nói, cứ nhưng mới đi làm đồng về vậy.

Trò thứ hai mà chúng tôi hay chơi đó là đá banh. Cũng như những trò khác, mà hình như trò nào cũng vậy, tôi cũng đều chơi dỡ và thường bị bắt làm thủ môn và đôi khi khá hơn chút là hậu vệ nhưng là hậu vệ theo kiểu có bóng là cố gắng sút thật mạnh lên chứ không cần biết là bóng của phe nào. Có những hôm cả lũ chỉ ngồi thả diều, đứa thì nằm ngủ trên lưng trâu, đứa thì tranh thủ cắt vài đội cỏ cho lũ trâu bò ngày mai ăn. Cánh đồng khi đó yên ắng hẳn đi và buổi chiều cũng qua đi nhẹ nhàng, êm ái tựa như một bức tranh.

Chúng tôi chơi cùng nhau đến cuối ngày rồi ai về nhà nấy. Những hôm nào rằm trăng sáng, cả xóm nào loạn bởi tiếng cười la của lũ trẻ chúng tôi, tiếng cho sủa ầm ỉ khắp làng trên, xóm dưới. Đó là những đêm trăng vui như hội với muôn trò quậy phá, nào là đốt đuốc, nào là rồng rắn lên mây, nào là năm mười,… Mồ hôi chảy ướt cả áo, đứa nào cũng khàn giọng nhưng chả ai múa dừng cái “cuộc vui ấy lại cả”.

Trong khi đó, ông bà, cha mẹ lại ngồi trên chiếc giường tre, ông nhâm nhi ly trà, tay quạt quạt, bà thì ngồi nhai trầu, ba mẹ thì ngồi bàn chuyện cho mùa gặt lúa đang đến. Đến khuya, tiếng cười đùa của lũ trẻ trong xóm ít dần. Thỉnh thoảng là tiếng chó sủa vài tiếng rồi mọi thứ chìm dần vào im lặng.

Đấy! Một ngày hè của chúng tôi như thế đấy!

Những kỷ niệm tuổi thơ ấy giờ đã qua đi, những đứa trẻ trong xóm cũng đã lớn và mỗi đưa mỗi phương, đứa thì tiếp tục con đường học giống tôi, đứa thì vì cái nghèo mà bỏ quê đi làm ăn xa xứ. Cũng vì những bộn bề này, cũng vì đã lớn khôn. Con người ta làm sao có thể ở mãi cái tuổi vô tư ấy, phải lớn lên và trưởng thành hơn từng ngày. Lúc đó mới thấy hết được những ngày tuổi thơ đáng nhớ như thế nào.

Chợt nhớ, chúng tôi đã xa nhau lâu như vậy, biết bao giờ mới gặp lại nhau. Chiếc ba lô trên vai đột nhiên nặng trĩu hơn bao giờ hết. Nắng chiều nhạt dần trên con đường đê, bóng người nghiêng ngả liêu xiêu trong gió chiều.

Theo Blog Radio

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao