Chuyên gia tâm lý: 'Sẵn sàng đánh người vì nghi ngờ bắt cóc, chúng ta đang là nạn nhân của mạng xã hội'

Sau những vụ bị đánh oan vì nghi ngờ bắt cóc, người dùng mạng xã hội đang là nạn nhân của trò câu like ảo.

Từ lâu, chiêu trò câu like trên mạng xã hội không còn xa lạ với người dùng. Có một số tài khoản bất chấp đăng tải những thông tin chưa xác thực hoặc cố tình lợi dụng, bịa đặt vụ việc để tạo sự chú ý, câu like (thích) nhằm tăng tính tương tác cho Facebook cá nhân với mục đích riêng. Song những hành động tưởng chừng vô thưởng, vô phạt này gây ra không ít hậu quả mà chính người đăng không thể lường trước.

Gần đây nhất, vụ việc 2 người phụ nữ (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đi bán tăm từ thiện bị người dân đánh nhập viện vì nghi bắt cóc trẻ em cũng khiến nhiều người phải suy ngẫm về hệ quả của việc câu like.

Nhiều người cho rằng sự bồng bột của người dân hành hung 2 phụ nữ trên là hệ quả khôn lường của việc đọc quá nhiều tin tức ảo khiến tâm lý họ hoang mang, lo sợ dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ vì lo lắng, cảnh giác.

Hình ảnh thương tâm, thông tin bịa đặt, vụ việc dàn dựng... là những chiêu trò câu like trên mạng xã hội được nhiều tài khoản sử dụng. Cùng với đó, sự mù quáng của một số người dùng đã vô tình tiếp tay cho thông tin sai sự thật được lan rộng gây ra hậu quả không thể lường trước.

Trước đó ngày 22/7, nhiều người dân khá lo lắng trước thông tin, hình ảnh máy bay rơi tại sân bay Nội Bài từ một tài khoản Facebook. Hành động này cũng khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc để kiểm định. Kết quả cho thấy chủ tài khoản này đã hành động với mục đích câu like, phục vụ cho việc bán hàng online của mình. 

Vụ việc “dùng nước rửa chân pha trà đá” thời gian qua cũng gây nhiễu loạn, bức xúc trong dư luận. Song đây cũng lại là màn dàn dựng, chiêu trò nhằm câu like cho Facebook từ một cửa hàng làm tóc. Hành động này khiến nhiều người dân Hà Nội bức xúc, sợ hãi trước những đồ ăn, thức uống bẩn ngay tại những nơi công cộng, chủ quán trà đá theo đó cũng bị lực lượng chức năng yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh. 

Không chỉ hoang mang dư luận, những chiêu trò câu like "rẻ tiền" này còn khiến nhiều người phải "khốn đốn". Chỉ cần có chút nghi ngờ, ngay lập tức họ bị người dân xung quanh đến đánh đập, thậm chí đốt xe.

Đêm 20/7, chiếc ôtô Fortuner đi vào xã Hồng Lạc (Hải Dương) mua gỗ bị đốt cháy, chỉ vì người dân nghi 2 người trên xe đi thôi miên, bắt cóc trẻ em. Trước các vụ việc này, nhiều bạn đọc cho rằng đây là một số hậu quả nghiêm trọng của việc một số người dùng đăng thông tin bịa đặt gây hoang mang dư luận về bắt cóc trẻ em, thôi miên trộm tiền... trên mạng xã hội.

Theo Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành (Giảng viên trường ĐH FPT) cho rằng, hai sự việc gần đây nhất (đốt xe ô tô của hai người đàn ông vào mua đồ gỗ ở Hải Dương và đánh bầm dập hai phụ nữ bán tăm bông ở Sóc Sơn Hà Nội) bắt nguồn từ những thông tin trước đó cho rằng có hiện tượng bắt cóc trẻ em, mổ lấy nội tạng bán làm cho người dân trở nên quá nhạy cảm.

Khi mà có thông tin, họ chẳng kiểm chứng được nhưng trực giác quá mạnh đến mức họ cứ nghĩ ra việc đó đã xuất hiện ở địa phương mình. Vì thể chỉ cần một người kêu ầm lên là tất cả… lao vào.

Vẫn theo Ths Hà Thành, có nhiều ý kiến cho rằng những vụ việc vừa qua là sự nhiệt tình thái quá…nhưng cá nhân bà lại cho rằng, nó là một cảnh báo đối với tất cả mọi người trong xã hội.

Có quá nhiều tín hiệu trong xã hội khiến người ta không tin tưởng, không cảm thấy an bình, yên ổn cho nên chỉ cần một động thái … thì bình thường những người lý trí chẳng bao giờ hành động như vậy nhưng lúc đó họ cũng mụ đi, họ nghĩ rằng cần phải liên kết nhau lại để chống lại cái ác. Những chiêu trò câu like trên mạng xã hội tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng mà không ai có thể lường trước.

Hình ảnh người phụ nữ bán tăm bị đánh bê bết màu chỉ vì nghi ngờ là bắt cóc trẻ em
Hình ảnh người phụ nữ bán tăm bị đánh bê bết màu chỉ vì nghi ngờ là bắt cóc trẻ em

Tiến sĩ Vũ Thu Hương – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, con người ta dễ xa đà vào việc sống ảo, thích thể hiện nhưng là thể hiện những thứ không có thật, không đúng con người mình. Họ sẽ cảm thấy sung sướng với những lời tung hô ảo, những cái like và share trên mạng xã hội.

Từ đó họ dễ đánh giá sai về bản thân và người khác, dễ lao vào những vụ việc hoàn toàn không phải của mình (giống như vụ việc đánh hội đồng 2 người bán tăm hay cả làng đốt xe của ông giám đốc buôn gỗ ở Hải Dương chỉ vì nghi là bắt cóc trẻ). Họ dễ dàng đưa ra đánh giá khi thiếu thông tin và tin mù quáng theo lời ai đó chỉ vì bài viết của họ có gì đó hấp dẫn và có lý. Từ đó họ xây dựng niềm tin hoặc sự hoài nghi về điều gì đó.

Mất đi những quan sát tinh tế và tư duy cẩn thận, đôi khi họ gây hại sau đó gặp chuyện và phải trả giá cho những điều họ gây ra. Bên cạnh đó, người dân đôi khi hạn chế về hiểu biết pháp luật cộng thêm suy nghĩ “tin đồn là sự thật”, tin vào tin đồn nên gây ra những hành động mất kiểm soát và gây hậu quả nghiêm trọng. 

N.L
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/giai-tri/showbizplus/chuyen-gia-tam-ly-san-sang-danh-nguoi-vi-nghi-ngo-bat-coc-chung-ta-dang-la-nan-nhan-cua-mang-xa-hoi-n-127689.html

bắt cóc trẻ em chuyên gia Mạng xã hội

Tin tức mới nhất