'Cô Ba Sài Gòn': Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn

"Cô Ba Sài Gòn" thực sự đã mang lại cho khán giả vô vàn cung bậc xúc cảm mới mẻ qua những nét truyền thống và các giá trị giàu tính nhân văn.

Đã từ lâu, tà áo dài được xem là nét văn hóa truyền thống cũng như vẻ đẹp đặc trưng của người con gái Việt. Song, thế hệ trẻ dường như đã quên đi cội nguồn khi chỉ chú trọng những bộ Âu phục thời trang và chỉ chọn áo dài khi bị bắt buộc.

Với Cô Ba Sài Gòn, Ngô Thanh Vân đã làm sống lại tình yêu của người xem với những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc.


Trailer phim.

Lấy bối cảnh hòn ngọc viễn đông xưa, vào những năm cuối thập niên 60, chuyện phim xoay quanh hiệu may áo dài Thanh Nữ nức tiếng khắp Sài thành truyền từ đời này sang đời khác. Thế nhưng, người được kì vọng là truyền nhân cho hiệu may - "Cô Ba Sài Gòn" Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc), lại không trân trọng và thậm chí còn căm ghét áo dài.

Một lần vô tình, cô nàng bị cuốn tới năm 2017 và gặp phải phiên bản "già" của mình - An Khánh (Hồng Vân). Từ đây, những xung đột, mâu thuẫn giữa hai thế hệ già - trẻ, giữa sự chuyển giao của truyền thống - hiện đại, và cả những khoảnh khắc bi lẫn hài xảy ra tại ngôi nhà ấy lần lượt được tái hiện một cách đầy chân thật trên màn ảnh. 

Cô Ba Sài Gòn: Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn-1 
Ninh Dương Lan Ngọc vào vai chính Như Ý - con gái rượu của bà chủ hiệu may Thanh Mai (Ngô Thanh Vân).

Có thể thấy rằng nội dung của tác phẩm điện ảnh này không quá đặc biệt, và những nét cao trào cũng chưa đến mức thực sự kịch tính vì đa số các diễn biến được sắp xếp trong một mối liên hệ thông thường, dễ đoán biết.

Bên cạnh đó, đoạn đầu phim với khá nhiều phân cảnh gián tiếp quảng cáo cho những thương hiệu khác nhau phần nào cũng sẽ làm phiền lòng một vài khán giả khó tính.

Tuy vậy, xét về tổng thể, những chi tiết ấy vẫn không làm ảnh hưởng nhiều đến thành công của bộ phim cũng như diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên. Xúc cảm mà Cô Ba Sài Gòn mang lại vẫn rất trọn vẹn, vừa đủ cho người xem thấm thía những giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống thường nhật.

Cô Ba Sài Gòn: Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn-2
Hình ảnh Sài Gòn những năm thập niên 60 được tái hiện một cách rõ nét.

Giá trị mà mọi người sẽ có xu hướng nghĩ đến đầu tiên khi nhắc tới “cuốn phim nhựa màu” Cô Ba Sài Gòn hẳn sẽ là giá trị truyền thống giàu bản sắc dân tộc.

Những thước phim tái hiện lại Sài Gòn cổ xưa bên cạnh các cô thanh nữ duyên dáng khoác lên mình những bộ cánh thanh lịch xúng xính khắp phố phường; tái hiện một nhà may hoành tráng ở thời đại thập niên 60;.... tất cả sẽ khiến chúng ta bất chợt ngẩn ngơ.

Thế rồi người xem bỗng nhận ra những nét cổ điển mà ta vốn cho là xưa cũ, tưởng chừng như đã bị lãng quên tự bao giờ thực sự mới đẹp và đáng trân quý biết bao. 

Cô Ba Sài Gòn: Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn-3 
Ngay khi được “nhá hàng” với tấm poster đầu tiên, "Cô Ba Sài Gòn" đã thu hút sự chú ý từ dư luận với phong cách cổ điển, trang trọng đẹp nức lòng.

Một giá trị nhân văn khác, cũng quan trọng và ý nghĩa không kém mà Cô Ba Sài Gòn nhắn nhủ đến chúng ta là giá trị tình cảm gia đình. Việc người trẻ muốn khẳng định bản thân, từ đó xảy ra những xung đột không đáng có với người lớn trong gia đình đã trở thành một điều khá phổ biến hiện nay.

"Cô Ba" Như Ý cũng không phải một ngoại lệ. Theo dõi xuyên suốt bộ phim, nhiều bạn trẻ sẽ bất chợt nhận ra trong thái độ và những hành động của cô nàng, đâu đó phảng phất bóng dáng chính bản thân mình với hình ảnh một người con non dại, chưa suy nghĩ, hành xử thấu đáo đúng mực.

Cô Ba Sài Gòn: Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn-4
Người ta bắt gặp ở Như Ý phảng phất hình ảnh của chính bản thân.

Vì thế, thật không hề viễn vông khi cho rằng cuốn phim này sẽ phần nào thức tỉnh tính trưởng thành, trách nhiệm và kiềm hãm sự háo thắng, bướng bỉnh, cũng như cái tôi quá lớn ở giới trẻ ngày nay. 

Thêm một lý do nữa đã góp phần đáng kể làm nên thành công và thu hút sự ủng hộ từ đông đảo mọi người dành cho Cô Ba Sài Gòn chính là vì phim đã tôn vinh tà áo dài Việt Nam theo một cách vô cùng tinh tế và đầy trân trọng. 

Cô Ba Sài Gòn: Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn-5
Để cho ra đời một chiếc áo dài đẹp, người thợ may đã phải rất kì công và tỉ mẩn đến từng đường kim mũi chỉ.

Dường như, khoảnh khắc nhân vật chính trong phim thức tỉnh về nét đẹp của chiếc áo dài mà bấy lâu cô luôn muốn chối bỏ cũng chính là lúc cô giác ngộ được những giá trị cốt lõi xung quanh đời sống muôn màu.

Hãy treo tà áo dài bên cạnh những chiếc váy đầm tân thời trong tủ đồ của chúng ta, để ta luôn có thể suy nghĩ về việc khoác lên mình bộ quốc phục xinh đẹp này vào mỗi dịp trọng đại, đặc biệt là những ngày Tết nguyên đán sắp tới đây" là điều mà nhà sản xuất muốn gửi gắm khi cân nhắc cho phim ra rạp vào giai đoạn tháng 11 năm nay.

Cô Ba Sài Gòn: Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn-6
"Cô Ba Sài Gòn" là bộ phim tôn vinh tà áo dài Việt Nam theo một cách vô cùng tinh tế và đầy trân trọng.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến diễn xuất quá đỗi tuyệt vời của dàn diễn viên. Ninh Dương Lan Ngọc vẫn thế, vẫn làm nao lòng người mỗi khi xuất hiện. Không giống sự ganh ghét đến tàn độc của Cám, Như Ý là một gái chảnh chọe khi được bao bọc trong nhung lụa và sớm hưởng thành công.

Song, ẩn sau trong đó vẫn là nét đáng yêu, hồn nhiên của người con gái mới lớn. Cùng với đó là sự mạnh mẽ, chịu thương chịu khó của người con gái Việt.

Cô Ba Sài Gòn: Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn-7
Ninh Dương Lan Ngọc lại lần nữa chứng tỏ được khả năng diễn xuất.

Đối nghịch với Như Ý là phiên bản "lầy lội" An Khánh của Hồng Vân. Vẫn nét bướng bỉnh, những cử chỉ đáng yêu đó nhưng "Như Ý tương lai" lại bê tha và nát rượu. Khoảng cách 50 năm đã thay đổi chúng ta đến thế sao?

Bộ đôi già trẻ thường xuyên có những màn đấu khẩu và tung hứng cực kỳ hài hước. Thế nhưng, sâu trong đó là câu hỏi về sự trưởng thành trong mỗi con người.

Cô Ba Sài Gòn: Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn-8
Bộ đôi già - trẻ đã có màn tung hứng khá ăn ý.

Về phần Diễm My 9x, cô nàng cũng có một vai diễn bứt phá so với hình tượng hài trước đây. Nữ thiết kế Helen thành đạt, mạnh mẽ và quyền lực đã mang đến cho người xem cảm giác được sống trong một môi trường thời trang thực sự.

Cô nói về thời trang, thuyết trình về các xu hướng, thương hiệu một cách mạch lạc và đầy tâm huyết chứ không chung chung như các phim Việt trước đây.

Cô Ba Sài Gòn: Chẳng cần tình yêu nam nữ vẫn hút khách nhờ giá trị nhân văn-9
Diễm My 9x đã có màn "lột xác" thông qua vai Helen.

Các nhân vật nữ trong phim đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ta chẳng thấy bóng dáng một người "bạn trai" đứng sau thành công của họ. Thanh Mai một mình nuôi con và giữ vững truyền thống gia đình, Helen quyền lực khi trở thành nhà thiết kế số một thời nay, Như Ý tự đứng dậy mà không cần "trai" dìu bước.

Đây có lẽ cũng là một thông điệp nữ quyền mạnh mẽ không kém gì tình yêu áo dài mà Cô Ba Sài Gòn muốn đề cập.
 
Cô Ba Sài Gòn sẽ được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 10/11/2017.

Thủy Tiên
Theo Vietnamnet


Cô ba sài gòn phim chiếu rạp

Tin tức mới nhất