Cơn sốt phim "Sống chung với mẹ chồng"

Có một người bố vừa đáng giận vừa đáng thương trong 'Sống chung với mẹ chồng'

Bất cứ người bố nào cũng vậy, dù có cổ hủ và trách mắng con nhiều đến đâu, thì vẫn là những người thương yêu con mình nhất.



Nhắc đến Sống chung với mẹ chồng - bộ phim truyền hình đang nhận được nhiều quan tâm nhất hiện nay, là người ta lại nghĩ ngay đến cuộc chiến giữa mẹ chồng và nàng dâu với những khúc mắc khó có thể tháo bỏ. Suốt 30 tập phim, mối quan hệ ngày một căng thẳng giữa bà Phương và Vân là điều mà khán giả quan tâm và bàn luận sôi nổi nhất.

Tuy nhiên, có một nhân vật dù đất diễn không nhiều nhưng lại là một trong những nguyên nhân khiến Vân phải nhẫn nhịn sống cuộc đời tù túng. Và ông cũng là người đau khổ nhất khi phải chứng kiến cảnh con gái mình rơi nước mắt vì cuộc hôn nhân đổ vỡ. Đó chính là nhân vật ông Bằng của NSUT Công Lý.


Vốn quen thuộc với khán giả qua nhiều vai diễn hài hước, lần này, NSUT Công Lý lại đem đến một vai diễn khiến người xem vừa giận vừa thương.

Vốn là bộ đội phục viên, ông Bằng là người đôn hậu nhưng tính cách cũng rất nghiêm khắc, đặc biệt với con cái. Trong gia đình, ông cũng thể hiện rõ là một con người đàn ông gia trưởng khi luôn áp đặt và bắt vợ con phải nghe theo.

Kể từ khi Vân bước chân đi lấy chồng, ông luôn nhắc nhở con gái cố gắng theo nếp sống gia đình nhà chồng để không làm bố mẹ phải bẽ mặt. Những ngày đầu khi mới lấy Thanh, Vân cảm thấy tủi thân khi không quen với cuộc sống ở gia đình chồng và đặc biệt là tình cách của bà Phương. Cô đã gọi điện về khóc với bố mẹ và tâm sự rằng, mình nhớ những ngày tháng còn được ở trong vòng tay bao bọc của đấng sinh thành.

Nghe tiếng con gái nức nở, ông Bằng không khỏi xót xa nhưng vẫn cố tỏ ra là người nghiêm khắc. Thấy vợ bận lòng, ông cho rằng: "Về làm dâu nhà người ta thì phải xác định là khó khăn, vất vả. Như thế mới mong con mình trưởng thành được". Ông cũng bày tỏ khi thấy vợ sốt sắng, lo lắng cho con gái: "Đưa con gái về nhà chồng có phải là ra chiến trường đâu!".

Người ta có câu: "Mẹ yêu con bằng những cái ôm, cha yêu con bằng bờ vai vững chãi". Không giống như tình cảm ấm áp được thể hiện qua những lời nói, khuyên nhủ ngọt ngào của mẹ, tình yêu của người bố thường khiến con cái phải sợ bởi tính nghiêm khắc và kỷ luật. Thế nên với một người từng sống nhiều năm trong quân ngũ như ông Bằng, thì điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Khi nghe Vân giãi bày về những uất ức khi phải làm dâu nhà người, ông Bằng lại lần nữa cho thấy tình yêu dành cho con được giấu trong "một lớp áo" gai góc và xù xì: "Bố muốn con tự chiến đấu. Lấy chồng rồi, không phải động một tí là kêu khổ, rồi lại chạy về kể tội nhà chồng với nhà đẻ. Mà không phải cũng chỉ vì mỗi cái lý do như thế, mà vợ chồng đùng đùng đòi bỏ nhau!".

Hầu hết các khán giả của Sống chung với mẹ chồng đều phải công nhận rằng, nhân vật này đã khiến họ ức "nghẹn họng" khi ngăn cấm con gái không được ly hôn trong tập 25. Vốn là một người gia trưởng, coi trọng truyền thống, nên khi nghe tin Vân có ý muốn ly hôn, ông đã phản đối và thậm chí trách mắng con gái mình: "Nhà này không bao giờ dung túng cho một đứa con gái tự ý bỏ chồng".

Chỉ vì những lễ giáo gia phong cùng thói sĩ diện ở nông thôn, mà ông Bằng đã phần nào khiến con gái mình chịu nhiều đau khổ. Ở nhà chồng thì ngày nào cũng bị dằn hắt, đến khi về với bố mẹ đẻ cũng phải nghe những lời mắng mỏ. Bố mẹ chồng là người dưng nước lã đã đành, đằng này đến máu mủ ruột thịt cũng chẳng thông cảm và thấu hiểu cho cô.

Chỉ đến khi đứng ở ngoài cửa, lắng nghe câu chuyện giữa Vân với bà Bằng về những tổn thương do mẹ chồng gây ra mà bấy lâu cô đều giấu kín, ông mới phần nào hiểu thấu nỗi lòng con.

Người đàn ông sắt đá ấy đã lặng lẽ đi ra ngoài, ngồi cạnh chai rượu, suy ngẫm về những gì con gái mình nói với đôi mắt đỏ hoe: "Con còn trẻ lắm, con còn phải sống cuộc đời của mình chứ không chỉ của người khác. Cha mẹ đừng lo đến việc mất mặt với họ hàng, hàng xóm nữa, hãy nghĩ cho con đi. Con cũng xứng đáng được có cuộc sống hạnh phúc chứ".

Thật ra đối với ông Bằng, những lời dị nghị của hàng xóm chỉ là một phần, điều quan trọng nhất khiến ông không muốn Vân ly hôn đó là vì lo cho hạnh phúc của cô sau này. Sau khi ly hôn, phụ nữ luôn là những người chịu nhiều đau khổ nhất. Chẳng những mất đi tình yêu, họ còn phải đối mặt với những lời ong tiếng ve của xã hội và cũng chẳng dễ dàng gì để xây dựng hạnh phúc mới.

Với suy nghĩ đó, ông Bằng vẫn không thôi trăn trở về cuộc hôn nhân của con gái. Mang theo hy vọng "còn nước còn tát", ông lặn lội từ dưới quê lên thành phố để nói chuyện với ông bà thông gia. Thế nhưng chẳng những không thể giúp con gái mình hàn gắn cuộc hôn nhân đang đứng bên bờ vực đổ vỡ, ông lại phải cay đắng khi nhìn thấy con rể tay trong tay với tình mới. 

Chính vì thế ông đã thẳng thừng nói với Thanh: "Anh đừng gọi tôi là bố nữa, nghe ngượng lắm". Ấy vậy mà, đấy vẫn chưa phải điều chua xót nhất mà cậu con rể quý hóa dành cho ông. Khi nghe mẹ hỏi đang nói chuyện với ai, Thanh đã dửng dưng trả lời: "Người ta hỏi đường ý mà".

Khi cánh cửa nhà Thanh đóng lại cũng là lúc ông Bằng quay lưng bước đi. Ông đã khóc. Khóc vì từng cho rằng con gái mình sướng mà không biết hưởng khi lấy được người chồng vừa có học thức vừa có địa vị xã hội như Thanh.

Thế mà giờ đây cậu con rể có học thức ấy, chẳng những ngang nhiên qua lại với người phụ nữ khác, mà còn coi ông như người xa lạ, thẳng tay đóng sầm cửa lại, không buồn mời bố vợ vào nhà uống một cốc nước dù mỗi lần về quê, cả hai vợ chồng ông đều luôn coi anh ta như khách quý đến nhà.

Và cũng chỉ đến khi rơi vào tình huống đó, ông mới hiểu những cay đắng, tủi nhục mà bấy lâu qua con gái mình phải chịu đựng.


Cảnh phim gây xúc động với diễn xuất tuyệt vời của NSUT Công Lý.

Suy cho cùng, sự nghiêm khắc đến cổ hủ của ông Bằng cũng là xuất phát từ lòng thương con. Cũng như câu "Dĩ hòa vi quý", người đàn ông chân chất này chỉ nghĩ đơn giản rằng, không có gì hơn là gia đình êm ấm và hòa thuận. Chỉ vì muốn con mình có hạnh phúc, được gia đình chồng yêu thương, nên không những bắt con gái phải sống nhẫn nhịn, đến ngay cả bản thân ông cũng luôn tỏ ra nhún nhường trước thông gia.

Kết: 

Cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu cuối cùng cũng đã kết thúc. Hôn nhân giữa Vân và Thanh đã chẳng thể hàn gắn được. Nhiều người vẫn luôn thương xót cho Vân khi chứng kiến những ngày tháng làm dâu bị đọa đầy của cô mà quên mất rằng, vẫn còn có một người đau đớn hơn thế. Đó chính là người bố vốn bị ghét bởi tính gia trưởng, nhưng cũng lại là người thương yêu con gái mình nhất.

Trúc An
Theo Vietnamnet 

 


ý nghĩa ngày của cha Ngày của Cha phim sống chung với mẹ chồng Sống chung với mẹ chồng Phim truyền hình Công Lý

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Cơn sốt phim "Sống chung với mẹ chồng"