Cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều xứ Hà thành

Cô Phượng hàng Ngang, một trong tứ đại mỹ nhân đất Hà thành đầu thế kỷ 20, được mệnh danh là "nàng Kiều" của phố cổ bởi tuy tài sắc vẹn toàn nhưng đời cô lại lắm truân chuyên.

Hồng nhan bạc phận

Cô Phượng hàng Ngang tên thật là Vương Thị Phượng, là con gái cưng của thương gia buôn bán tơ lụa Vương Toàn Thắng.

Kế thừa nét đẹp của mẹ, cô Phượng sở hữu nhan sắc làm say đắm bao chàng trai thời đó. Nhiều thi sĩ từng phải thốt lên "Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình" khi được diện kiến dung nhan của cô. Không chỉ sở hữu nét đẹp hài hòa mà cô Phượng còn là người phụ nữ thông minh, sắc sảo và có con mắt thẩm mỹ cũng như gu thời trang đáng nể. Dù chỉ vận những bộ cánh đơn giản, nhưng ở cô luôn toát lên vẻ đẹp cao sang khiến nhiều công tử mê mệt.

Không biết có bao nhiêu đàn ông mong muốn được lấy cô Phượng làm vợ, nhưng biết thân biết phận không lọt được vào mắt xanh của cô, nên chỉ có thể nhìn ngắm người đẹp từ xa. Nhiều thanh niên hằng ngày vẫn đi làm đường vòng để qua phố hàng Ngang nhằm nhìn ngắm cô. Dường như cô Phượng đã trở thành biểu tượng sáng rực của con phố đó, để ai đi qua đây cũng phải ngước nhìn vào căn nhà của cô ít nhất một lần chỉ để chiêm ngưỡng nhan sắc của cô.
 


Cô Phượng hàng Ngang được mệnh danh "nàng Kiều" phố cổ của đất Hà thành xưa


Tuy tài sắc vẹn toàn và được nhiều đàn ông khao khát cưới làm vợ, nhưng số phận của cô Phượng hàng Ngang lại đi vào ngõ cụt khi được gả cho một công tử khét tiếng giàu có và ăn chơi ở phố hàng Đào. Chồng cô là A Đẩu, cháu ruột của một tư bản chuyên buôn bán lụa. Mặc dù sống trong nhung lụa và không phải động chân, động tay vào việc nhà, không phải lo miếng cơm manh áo hằng ngày, nhưng tinh thần của người đẹp nổi tiếng xứ Hà thành lại không được hạnh phúc.

Đối lập hoàn toàn với vẻ tao nhã của cô Phượng, chồng cô là một công tử chơi bời trác táng, ăn nói cục mịch và thô lỗ. Không những thế, A Đẩu còn không có chút tình cảm gì với vợ, chỉ coi cô là chiến tích để khoe với bạn bè.

Sau khi sinh hạ được con trai, cô Phượng càng được bố mẹ chồng chiều chuộng. Nhưng bản tính ăn chơi của chồng cô không thay đổi, thậm chí A Đẩu còn nhiều lần công khai ngoại tình trước mặt cô. Hôn nhân của cô Phượng ngày càng trở nên bi đát khiến tinh thần cô xuống dốc. Ánh mắt cô không còn ánh lên sức sống mà thay vào đó là một nỗi buồn xa xăm.

Bỏ chồng con, đi theo tiếng gọi của tình yêu

Người ta gọi cô Phượng hàng Ngang là "nàng Kiều" phố cổ bởi lẽ chuyện tình yêu của cô khá giống với Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nếu như nàng Kiều trong truyện được đại thi hào mô tả "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình"

khi đến bên Kim Trọng, thì cô Phượng lại dứt bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Trong lúc cuộc hôn nhân đang lún sâu vào vũng bùn đen tối, cô Phượng gặp được người đàn ông tài hoa đất Kinh Bắc, nhà báo Hoàng Tích Chu. Trái tim người đẹp xứ Hà thành lần đầu biết rung động trước phong thái nho nhã và lịch thiệp của nhà báo trẻ. Hai người phải lòng nhau và đã chạy trốn khỏi gia đình.

Năm 1927, Hà Nội chấn động trước tin cô Phượng hàng Ngang mất tích. Về sau, người ta mới biết cô đã bỏ nhà chạy theo người tình. Nhưng tiếng gọi trái tim không đưa lối cho nàng Kiều phố cổ tới cuộc sống sáng sủa hơn. Hoàng Tích Chu quyết định tạm gác tình yêu để sang Pháp theo đuổi sự nghiệp vì hoàn cảnh không cho phép ông đưa người tình theo. Chuyện hôn nhân của cô Phượng và nhà báo trẻ cũng không được sự ủng hộ của gia đình Hoàng Tích Chu. Ông Huyện, bố của Chu cho rằng gia đình cô Phượng không môn đăng hộ đối với gia đình ông, hơn nữa cô đã trải qua một đời chồng. Tình yêu của cặp trai tài gái sắc vấp phải nhiều khó khăn và họ đã không vượt qua được. Cuối cùng, gia đình ông Huyện khuyên cô Phượng nên quay trở về Hà thành, xin lỗi gia đình nhà chồng để trở về bên chồng con. Nhưng gia đình A Đẩu đã từ chối nhận lại người con dâu bỏ nhà theo trai này.

Từ đó, cuộc đời cô Phượng lưu lạc khắp chốn và tự buôn bán để nuôi sống bản thân. Sau nhiều năm sống nay đây mai đó, cô xin nương nhờ cửa Phật tại một ngôi chùa ở Hưng Yên. Tại ngôi chùa này, cô đã gặp người đàn ông cuối cùng của đời mình. Vì mê mẩn sắc đẹp của cô Phượng khi gặp cô trong lúc vãn cảnh tại chùa, ông Bách, Tham tán ở tòa Sứ đã xin lấy cô làm vợ lẽ. Vợ cả của ông Bách ban đầu tỏ ra quý mến cô, nhưng ngấm ngầm ghen ghét và hãm hại cô bằng độc dược khiến người đẹp hóa điên dại, lúc tỉnh lúc mơ. Vợ chồng ông Bách sau đó đã đuổi cô ra khỏi nhà, sai người đưa cô tới Hòa Bình, nhưng cô lại lưu lạc tới Gia Lâm và tìm về nhà bà hàng xóm cũ. Bà tuy nghèo nhưng đã nhận chăm nom cô, yêu thương cô Phượng như con đẻ. Khi bệnh của người đẹp ngày một nặng thêm, bà đã đưa cô tới nhà thương. Người đẹp phố cổ qua đời một tuần sau đó.

Cả cuộc đời cô Phượng có biết bao nhiêu gã trai si mê, nhưng rồi cuối cùng cô phải sống lưu lạc, cô đơn cho tới khi qua đời. Đám tang cô chỉ duy nhất có 1 người tình cũ rủ lòng thương, khắc một tấm bia đề: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng".

Câu chuyện về cô Phượng hàng Ngang cho đến nay vẫn được người Hà Nội nhắc tới. Không ít người trách cô Phượng là người mẹ tàn nhẫn, vì ham mê trai đẹp mà bỏ lại con mình. Nhưng cũng có nhiều người cảm thông và thương xót cho phận nữ tài hoa bạc mệnh, sống cuộc đời nhiều tai ương chỉ vì có sắc và có tài.
 

Boho
Theo Vietnamnet

Hà thành tứ đại mỹ nhân nàng Kiều cô Phượng hàng Ngang

Tin tức mới nhất