Đại tang 3 người trong gia đình nạn nhân sập cầu

Chiều muộn 26/2, linh cữu Vàng A Sinh mới được chôn cất bởi theo phong tục của địa phương, khi gia đình có đại tang 3 người, họ sẽ được mai táng lần lượt theo vai vế.

Chiều muộn ngày 26/2, trong gian nhà tang lễ của bản Chu Va 8, nơi tiễn đưa người cuối cùng bị tử vong do sập cầu treo, hàng chục người không còn nước mắt để khóc thương người xấu số. Bởi chỉ trong hai ngày qua, dân bản đã phải tiễn đưa gần chục thi thể về nơi chín suối.
 
Ngồi bên áo quan của nạn nhân Vàng A Sinh (SN 1994), 6 bà mế ngồi đọc những lời cầu nguyện tiễn đưa. Mế Lý Thị Ca, chị gái nạn nhân Vàng A Chư (SN 1982), cô ruột nạn nhân Vàng A Sinh liên tục dùng tay miết vào áo quan rồi gục khóc nấc thành tiếng. Ngồi kế bên có đầy đủ cô, dì, bác và các chị em của Sinh vừa khóc vừa thì thầm tiếng H’mông với người cháu đã khuất. Được một hồi, già Ca lại lịm đi bên chiếc quan tài của cháu trai.

Già Lý Thị Ca khóc ngất bên linh cữu người cháu
 Vàng A Sinh (SN 1994) mà già coi như con đẻ
.

Anh Vàng A Mai (SN 1986), anh trai nạn nhân Sinh, cho biết, vụ sập cầu treo cướp đi sinh mạng của 3 người trong nhà. Đó là Vàng A Chư (SN 1982), Vàng A Chía, Vàng A Sinh (SN 1994), trong đó hai nạn nhân Chía và Sinh là cháu ruột của Chư. Chư đã có vợ và 3 con nhỏ đều đi học, giờ chú mất để lại gánh nặng cho vợ và các em.

“Từ nhỏ cuộc sống của tôi và em Sinh đã thiếu thốn tình cảm của người mẹ. Hai anh em trong nhà thương yêu đùm bọc nhau và coi cô Ca như là mẹ đẻ – anh Mai kể.

Chôn muộn vì tục an táng của người H’mông

Ngày 25/2, gia đình đã tổ chức tang lễ và đưa chú Chư, anh Chía về với đất mẹ ngay bụi mai phía sau nhà. Còn Sinh chiều 26/2 mới được tổ chức chôn cất. Bởi trong nhà có đại tang 3 người, không thể chôn cùng một lúc mà phải an táng lần lượt theo vai vế trong dòng tộc. Sinh nhỏ tuổi nhất nên được an táng sau cùng.

Thi thể Vàng A Sinh được gia đình an táng ở vườn mai sau nhà,
sát với người anh Vàng A Chía và chú ruột Vàng A Chư.

Theo phong tục người H’mông, người đã khuất sẽ được giữ trong linh cữu ít nhất 2 ngày để tất cả bà con trong bản tới viếng có thể nhìn mặt lần cuối. Trong khoảnh khắc đó, ai tới thăm viếng đều mở nắp quan tài vuốt má hoặc sẽ có một cử chỉ thân mật với người mất để thể hiện nỗi đau xót của của mình.

Trước đây, theo tập tục nguyên bản của người H’mông, gia đình có tang sẽ chuẩn bị xôi nắm. “Mỗi khách tới viếng sẽ dùng nắm xôi đó chạm vào miệng người mất để họ về với đất sẽ không lo đói, thiếu cái ăn. Họ được chôn cất ngay phía sau nhà mình để tránh thú dữ đào bới xác và cũng là cách để được gần gũi với tổ tiên, cố nhân”. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, những phong tục đó đã hạn chế rất nhiều, bởi diện tích đất trong nhà không còn nhiều, hơn nữa văn hóa dưới xuôi đã du nhập khá nhiều, ông Hàng A Phảng, trưởng bản, cho biết.
 
Khoảnh khắc nhìn người xấu số thứ 8 vụ sập cầu treo
 Chu Va 6 theo phong tục người H'mông.

Trước lúc hạ huyệt Sinh ở vườn mai, cạnh bên Chư và Chía, một người thân tiến lại gần mở nắp áo quan để tất cả người thân, bà con trong bản gặp mặt lần cuối, đồng thời là thời điểm họ đặt túi chè khô cùng với vài bộ quần áo thổ cẩm vào trong.

Theo sự giải thích của ông trưởng bản, việc đặt vài bộ quần áo vào trong là để người đã khuất có đồ để sử dụng ở cõi âm, còn túi chè khô để hút mùi khi thi thể lâu ngày bị phân hủy. “Từ bao đời nay, khi chôn người đã mất thì bản H’Mông chúng tôi không có lễ thất tuần 49 ngày hay 100 ngày như dưới xuôi”.

Kết thúc tang lễ, tiếng khóc vẫn văng vẳng bên sườn dốc hướng ra bờ suối nơi có chiếc cầu treo bị sâp ngày 24/2 vừa qua. Ngoài đó, vẫn còn những người công nhân, dân quân đang căng mình giải khắc phục sự cố.

Theo Tri thức


Tin tức mới nhất