ĐIỂM NHÌN: Câu chuyện niềm tin từ Điều ước thứ 7

Niềm tin là một khái niệm trừu tượng nhưng không khó lí giải.

Niềm tin thường phụ thuộc vào lời nói hay hình ảnh của những người hay tổ chức uy tín trong xã hội họ đang sống. Nó được xây dựng dựa trên nền tảng những hoạt động thực tế, bền bỉ, nỗ lực trong một quá trình dài của họ.

Trong nước mắt và tiếng nấc nghẹn ngào, câu hỏi về hiện thực và tương lai của những đứa trẻ đang rơi vào ma tuý và mại dâm của cô bé 12 tuổi Glyzelle Palomar, từng rơi vào cảnh vô gia cư đã khiến buổi lễ thánh của giáo hoàng Francis hôm 18/1 tại Philippines thay đổi hẳn kịch bản. Giáo hoàng, thay vì đọc bài diễn văn soạn sẵn đã phát biểu trực tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha mẹ đẻ trước 30.000 người có mặt tại buổi lễ.


Vợ chồng hát rong trong Điều ước thứ 7

Ông nhấn mạnh mọi người cần phải lắng nghe lời kêu cứu của những người bị khốn cùng. Lòng trắc ẩn hời hợt và bố thí là chưa đủ và kêu gọi mọi người cần phải quan tâm lo lắng thật sự cho người nghèo, ông khẳng định trong diễn văn của mình. Sự chân thành của vị đứng đầu Giáo hội khiến hàng triệu người xúc động và mang lại niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng chục triệu người sống dưới mức nghèo khổ của quốc gia Đông Nam Á này.

Hàng triệu nạn nhân người Philippines của cơn bão Haiyan xảy ra vào tháng 11 năm 2013 vẫn đang tự vật lộn trong đói khát để tồn tại bất chấp những lời kêu gọi giúp đỡ các tổ chức nhân đạo quốc tế. Chính phủ Philippines cũng đang nỗ lực ngăn chặn nạn tham nhũng và trục lợi từ hoạt động cứu trợ quốc tế vốn là nguyên nhân làm suy giảm niềm tin từ các nhà tài trợ.

Niềm tin là một khái niệm trừu tượng nhưng không khó lí giải. Niềm tin thường phụ thuộc vào lời nói hay hình ảnh của những người hay tổ chức uy tín trong xã hội họ đang sống. Nó được xây dựng dựa trên nền tảng những hoạt động thực tế, bền bỉ, nỗ lực trong một quá trình dài của họ.

Niềm tin là điều cần thiết để xã hội chung tay cứu giúp những thân phận khốn cùng. Những người nghèo khó càng cần điều đó để họ có thể chịu đựng được những khó khăn của cuộc sống, vượt lên và hướng tới một tương lai tươi sáng.

Có một thực tế, mặc dù không phải tất cả nhưng khi cuộc sống càng tốt lên, con người càng có nhu cầu giúp đỡ những thân phận kém may mắn hơn mình. Làm từ thiện trở thành một xu hướng tốt đẹp, tuy nhiên, rất khó để những tấm lòng nhân ái trong xã hội trực tiếp gặp được những mảnh đời khốn khổ.

Nắm bắt điều này, một số cơ quan truyền thông nhanh chóng trở thành các cầu nối. Những câu chuyện, những hình ảnh chân thực của các cơ quan truyền thông uy tín luôn mang đến xúc động cho bạn đọc, người xem. Qua đó, nhiều mảnh đời đã được giúp đỡ để thoát nghèo, vượt qua được khó khăn.

Tuy nhiên, khi một số cơ quan truyền thông thay vì mục tiêu ban đầu là thông qua những câu chuyện chân thực để tạo niềm tin cho xã hội và giải quyết gốc rễ của vấn đề thì họ lại đi tìm những lát cắt dối trá đơn lẻ xoáy vào lòng trắc ẩn với mục đích thu hút sự quan tâm của xã hội.



Lấy nước mắt của độc giả trở thành mục tiêu cuối cùng, đó luôn là việc dễ dàng của cơ quan truyền thông hơn việc dấn thân tìm hiểu sâu xa căn nguyên của sự việc.Thời gian gần đây, riêng VTV, một cơ quan truyền thông lớn nhất nước đã xảy ra liên tiếp những sai sót, tuy không nghiêm trọng nhưng đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với cơ quan này.

Cách đây chưa lâu, VTV phát một phóng sự về một ngư dân mất tích trên biển trong cơn bão trở về khiến nhiều người xúc động, đến khi người dân trong làng lên tiếng mới biết đó là một sự lừa dối, để không phải trả lại tiền do những nhà hảo tâm, người ngư dân này đã bịa ra một câu chuyện hoang đường cảm động và VTV hoàn toàn không kiểm chứng dân làng, những người xung quanh, đã vội vàng cho phát phóng sự ly kì này.

Cũng trong một chương trình phát trên VTV, nhân vật là một cô gái tự nhận mang hoàn cảnh éo le, vướng vào một mối tình ngang trái và một thân một mình nuôi đứa con bị bệnh tim bẩm sinh. Để tồn tại và có tiền chữa bệnh cho con, cô gái tên Lượm phải kiếm tiền bằng nghề bán thân, buôn ma túy... Câu chuyện cũng đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Mọi chuyện vỡ lở khi những người thân của nhân vật lên tiếng. Hoá ra ê kíp sản xuất chỉ dựa vào những lời phét lác của nhân vật để sản xuất chương trình mà không hề kiểm chứng. Cô gái có một cuộc sống bình thường như bao người phụ nữ làng quê khác.

Quay trở lại chuyện tình cảm động của một chàng trai với cô gái khiếm thị lên sóng VTV trong chương trình Điều ước thứ 7 khiến cả triệu người xem rơi nước mắt gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Ai là người đã lừa dối có lẽ không còn quan trọng. Ê kíp sản xuất đã nhận ra sai lầm và chân thành công khai xin lỗi khán giả, tổng đạo diễn và cộng sự phải chịu án kỉ luật, đó là cái giá họ phải trả. Nhưng rõ ràng, hàng triệu khán giả đã bị lừa dối.

Rồi đây, khi cơn giận dữ của xã hội vì bị lừa dối qua đi, ê kíp sản xuất chương trình này trở lại làm việc như những ê kíp mắc sai lầm trước đây. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường, có chăng, chỉ niềm tin ngày càng mai một.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:Hệ lụy lớn nhất là có thể đánh mất niềm tin nơi công chúng:

“Cá nhân tôi cho rằng sự cố vừa qua của “Điều ước thứ 7” có thể coi như một tai nạn nghề nghiệp của những người thực hiện. Và đã là “tai nạn nghề nghiệp” thì bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể gặp phải khi bất cẩn. Có điều, riêng trong lĩnh vực truyền thông, mà nhất là truyền hình, đặc biệt lại còn là sóng truyền hình quốc gia thì sự lan tỏa lại càng nhanh. Nên nhớ, cái tốt lan tỏa nhanh thế nào thì cái xấu cũng lan tỏa nhanh không kém, nếu không muốn nói là còn nhanh hơn, và gây ra những hệ lụy đáng ngại. Trong đó, đáng kể nhất là hệ lụy: Đánh mất niềm tin nơi công chúng, điều mà lẽ ra truyền thông cần đánh thức, nhất là một chương trình đáng xem như “Điều ước thứ 7”.(Theo Lao động)

Theo VietNamNet

Tin tức mới nhất