10 bộ phim hay nhất trong sự nghiệp Colin Firth

Mới trở lại sắm vai anh chàng Darcy đạo mạo nhưng vẫn đầy quyến rũ trong “Bridget Jones’s Baby”, Colin Firth lại cho thấy tại sao mình là quý ngài được yêu quý bậc nhất tại Anh.


Another Country (1984): Khi sắm vai Hamlet trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường Kịch nghệ, Colin Firth lập tức lọt vào mắt xanh của nhà biên kịch Julian Mitchell và được mời đóng vai cậu học sinh đồng tính có tên Guy Bennett trong vở Another Country. Tuy nhiên, khi bộ phim chuyển thể được khởi quay năm 1984, Firth lại vào vai Tommy Judd - nhân vật bạn thân của Guy Bennett. Đây chính là vai diễn điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp tài tử xứ sở sương mù. Ảnh: Fox.


Pride & Prejudice (1995)
: Sau 10 năm lăn lộn, Colin Firth chỉ thực sự khẳng định được tên tuổi kể từ Pride & Prejudice (Kiêu hãnh & định kiến), loạt phim truyền hình chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của Jane Austen. Trong phim, anh sắm vai nhà quý tộc lạnh lùng Darcy, và cảnh tài tử bước lên từ dưới hồ với bộ áo trắng ướt đẫm bó sát, giúp khoe thân hình “cực chuẩn”, đến nay là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất của lịch sử truyền hình Anh quốc. Sau này, người ta dựng một bức tượng khổ lớn nhằm tái hiện phân đoạn tại chính khu hồ mà cảnh quay được thực hiện. Ảnh: BBC1.


Bridget Jones’s Diary (2001)
: Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết bán chạy của nhà văn Helen Fielding, Bridget Jones’s Diary là tác phẩm tình cảm lãng mạn về chuyện tình yêu của một "gái ế". Thông điệp tình yêu trong phim được thể hiện qua những chi tiết hài hước sâu cay.Nhờ vẻ đẹp trầm lắng và lối diễn xuất phóng khoáng, Colin Firth hoàn toàn không lép vế trước Hugh Grant khi vào vai Darcy - một trong hai chàng trai muốn chiếm trọn trái tim của “tiểu thư Jones”. Bộ phim có thêm hai phần nữa là Bridge Jones: The Edge of Reasons (2004) cùng Bridget Jones’s Baby (2016) mới ra mắt. Ảnh: Universal.


Girl with a Pearl Earring (2003)
: Đây là bộ phim nhẹ nhàng, có phần lặng lẽ với bối cảnh chính là thành phố Delft, Hà Lan vào thế kỷ XVII. Không có cốt truyện quá kịch tính, Girl with a Pearl Earring là chuỗi cảm xúc được đan cài tinh tế với sự tham gia của Colin Firth và ngôi sao trẻ khi ấy là Scarlett Johansson. Phim kể lại câu chuyện giữa họa sĩ Johannes Vermeer và cô hầu gái trong nhà, người sau này trở thành người mẫu cho bức họa nổi tiếng của ông. Ảnh: Lionsgate.
 

Love Actually (2003)
: Với thông điệp “Tình yêu thực sự luôn ở quanh ta”, bộ phim tình cảm lãng mạn của đạo diễn Richard Curtis đã làm thổn thức biết bao trái tim của những người đang yêu. Lấy bối cảnh là thủ đô London cổ kính, Love Actually tập trung khắc họa mối quan hệ của tám cặp đôi trong một xã hội thu nhỏ. Đó là sự đan xen của nhiều mảnh đời với những câu chuyện tình khác nhau. Trong đó, Colin Firth vào vai Jamie - người tình cờ phải lòng Aurélia và quyết định đến với cô gái Bồ Đào Nha bất chấp bất đồng về mặt ngôn ngữ. Ảnh: Universal.


Mamma Mia! (2008)
: Đạo diễn Phyllida Lloyd chuyển thể vở nhạc kịch cùng tên lên màn ảnh, mang đến cho người xem tác phẩm ca vũ nhạc đầy màu sắc trên nền là những bản hit của ban nhạc ABBA. Dù chỉ sắm vai phụ trong phim, Colin Firth vẫn khiến người hâm mộ anh ngây ngất khi trực tiếp thể hiện bốn ca khúc Our Last Summer, Voulez-Vous, Take a Chance on Me và Waterloo cùng với dàn bạn diễn đình đám bao gồm Meryl Streep, Pierce Brosnan, Amanda Seyfried... Ảnh: Universal.


A Single Man (2009):
Trong lần đầu tiên ngồi ghế đạo diễn, nhà thiết kế thời trang Tom Ford gây ngạc nhiên lớn khi trình làng tuyệt phẩm A Single Man. Lấy bối cảnh thập niên 1960, tác phẩm giàu tính nghệ thuật là câu chuyện cảm xúc, xen lẫn giữa hiện tại và ký ức, xoay quanh nhân vật chính do Colin Firth thể hiện. Đó là một vị giáo sư đồng tính, đang phải vật lộn với nỗi cô đơn khi người bạn đời của mình đột ngột qua đời. A Single Man cũng là bộ phim giúp Colin Firth lần đầu tiên nhận đề cử Oscar trong sự nghiệp tại hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Ảnh: The Weinstein Company.


The King’s Speech (2010)
: Đúng một năm sau A Single Man, Colin Firth được Viện hàn lâm nước Mỹ vinh danh bằng tượng vàng tại hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc với A King’s Speech. Trong phim, tài tử thể hiện thuyết phục những tâm tư của vua George VI, người mắc tật nói lắp và không thể phát biểu trước đám đông. Nhân vật hiện lên với đầy đủ cảm xúc, từ sợ hãi, giận dữ, chán chường, rồi quyết tâm vượt qua khiếm khuyết cá nhân để có thể xốc dậy tinh thần nước Anh khi Thế chiến thứ II nổ ra. Ảnh: The Weinstein Company.


Tinker Tailor Soldier Spy (2011)
: Không giống như nhiều bộ phim khác mang đề tài điệp viên, tác phẩm dựa trên nguyên tác văn học của John le Carré tương đối thâm trầm, lột tả trần trụi thế giới tình báo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh với hoạt động chủ yếu chỉ là nghe lén. Tuy nhiên, Tinker Tailor Soldier Spy vẫn sở hữu nét hấp dẫn riêng biệt nhờ phần trình diễn xuất sắc của hàng loạt ngôi sao hàng đầu nước Anh. Bên cạnh Colin Firth, phim có sự tham gia của Gary Oldman, Tom Hardy, Benedict Cumberbatch, John Hurt, Toby Jones và Mark Strong. Ảnh: Focus Features.


Kingsman: The Secret Service (2014)
: Sau bốn thập kỷ lăn lộn với nghiệp diễn xuất, đây mới là lần đầu tiên Colin Firth tham gia một dự án hành động thuần túy. Đạo diễn Matthew Vaughn cho thấy mình rất sáng suốt khi Colin Firth tỏ ra thuyết phục trong vai Harry Hart, “sư phụ” của nhân vật Eggsy. Chàng điệp viên mang mật danh Galahad trong tổ chức Kingsman được yêu mến tới nỗi người hâm mộ thỉnh cầu Vaughn cho Colin Firth trở lại trong Kingsman 2, bất chấp việc nhân vật của anh đã bị khai tử trên màn bạc. Theo kế hoạch, Galahad chắc chắn sẽ có màn tái xuất trong Kingsman: A Golden Circle (2017). Ảnh: Fox.


 Theo Zing


Tin tức mới nhất