"Dì ghẻ" Ngô Thanh Vân lý giải biểu cảm vô hồn của "Tấm ngã cây" Hạ Vi

Ngô Thanh Vân - nhà sản xuất kiêm đạo diễn bộ phim ồn ào nhất hiện nay: "Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể" - lần đầu trả lời phỏng vấn về dư luận quanh phim và "cuộc chiến" với CGV.

Việc CGV từ chối chiếu Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đồng nghĩa mất đi 40% số rạp, trong khi đó kinh phí của Tấm Cám lên đến 20 tỷ, chị có tự tin về doanh thu của phim?

Vân nhận được tin vui từ các rạp hiện nay đã kín chỗ ở nhiều suất và khán giả đã đặt vé, xếp hàng mua vé ở nhiều cụm rạp chiếu Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể. Với vai trò nhà sản xuất và đạo diễn, đây là một niềm vui và động lực lớn cho Vân và ekip rất nhiều, cảm giác nhẹ lòng hơn vì biết sự ủng hộ và yêu mến của khán giả với phim. Có khán giả xem trên 2 lần. Từ sâu trong đáy lòng Vân trân trọng và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến khán giả khắp nơi đã ủng hộ phim.

Về doanh thu, quá sớm để nói, tuy nhiên nếu tín hiệu vui này còn tiếp tục thì ekip vẫn còn thấy hi vọng và mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Dì ghẻ Ngô Thanh Vân lý giải biểu cảm vô hồn của Tấm ngã cây Hạ Vi - Ảnh 1.

Sau vụ lùm xùm của Tấm Cám, chị có nghĩ chúng ta nên có những cơ chế, luật lệ chặt chẽ hơn để bảo vệ phim Việt ngay trên sân nhà?

Đứng ở vai trò nhà sản xuất phim thì Vân hiểu nhiều hạn chế, khó khăn trong việc sản xuất phim. Tuy nhiên nhiều nhà sản xuất phim Việt vẫn có niềm đam mê sản xuất phim vì biết khán giả Việt không quay lưng với phim Việt. Nhưng số lượng phim Việt chiếu trên thị trường Việt còn hạn chế so với phim nước ngoài được nhập về Việt Nam. Điều đó rất đáng tiếc.

Vân nghĩ mình nên có cơ chế tạo điều kiện rộng mở cho phim Việt có cơ hội phát triển hơn tại thì trường trong nước, đặc biệt khâu phát hành. Vì sản phẩm tốt mà không được chiếu rộng rãi cho công chúng thì thiệt thòi không chỉ nhà sản xuất mà cả khán giả không được xem sản phẩm dành cho mình trên đất nước mình. Điều đó thật vô lý.

Tấm Cám có đoạn kết gây sốc khi làm đúng theo phiên bản gốc. Chị có sợ kết thúc như vậy sẽ bị chỉ trích là không mang thông điệp hướng thiện? Vì dù hai mẹ con Cám có ác nhưng hành động làm mắm thì quá tàn nhẫn và có lẽ chỉ phù hợp với văn hóa thời phong kiến.


Cảnh cuối Vân vẫn làm bỏ ngõ, tùy vào trí tưởng tượng và hình dung của khán giả sẽ hiểu nó là như thế nào. Nhà sản xuất và team biên kịch đã suy nghĩ và đắn đo nhiều về cảnh bonus thêm này, thể hiện 1 cách khéo nhất có thể. Có khán giả lại thấy như vậy bình thường và còn nhẹ quá so với thực tế trong truyện, có khán giả lại thấy cái kết đó là sốc.

Khi làm phim này Vân nghe nhiều phản hồi của khán giả trông chờ vào việc ekip thực hiện khác với cái kết của câu chuyện. Tuy nhiên Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể là câu chuyện lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám, giữ lại cái hồn của truyện là điều nên làm nhưng thể hiện khéo nhất một số trường đoạn có thể phù hợp điện ảnh.

Dì ghẻ Ngô Thanh Vân lý giải biểu cảm vô hồn của Tấm ngã cây Hạ Vi - Ảnh 2.

Tấm Cám được đánh giá cao về mặt kỹ xảo nhưng phân đoạn hai quái vật đánh nhau còn hơi giả. Chị có nghĩ đây là điểm yếu của phim?

Vân cũng có chia sẻ với các anh chị báo chí và khán giả thật lòng những hạn chế trong phim mà bản thân Vân cũng thấy được trong sản phẩm đầu tay mà mình làm đạo diễn. Trong dự định muốn làm rất nhiều và làm hơn thế nữa, tuy nhiên con số 20 tỷ trong việc sản xuất phim thần thoại giả tưởng không đủ để mình có thể làm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên kỹ xảo do Cyclo Animation đã làm rất tốt và Vân rất tự hào về việc ekip người Việt mình có thể tạo ra kỹ xảo rất đẹp và khán giả có thể thấy điện ảnh Việt có thể dùng kỹ xảo trong phim như các phim nước ngoài.

Đây là sự mạo hiểm của Vân, Vân muốn làm mặc dù biết có hạn chế nhiều. Tuy nhiên nếu mình cứ sợ mãi vì những sự hạn chế về kinh phí, mãi mãi chúng ta không đi xa hơn được, không đổi mới được thể loại điện ảnh ra rạp cho khán giả xem. Làm đi rồi biết chúng ta có thể làm được tốt và tốt hơn như thế nào, để các sản phẩm sau có thể phát triển hơn nữa từ cái mốc này.

Cảnh Tấm bị Dì ghẻ chặt cây cau, ngã chết, biểu cảm vô hồn của Hạ Vi đang bị chê và chế trên mạng. Chị có giải thích ngắn gọn trên fanpage của mình rằng "đó là nét mặt cam chịu". Vậy phải chăng chị hài lòng với diễn xuất - đang bị chê nhiều - của Hạ Vi?

Phân đoạn đó thể hiện trạng thái bất lực, cam chịu, khi Tấm hiểu được điều gì đang xảy ra với mình, rằng mình sắp bị giết hại bởi chính tay của mẹ và em gái mình, và phải lìa xa người mình yêu. Cảm xúc phức tạp đó có thể khó với một diễn viên trẻ lần đầu đóng phim như Hạ Vi. Trước giờ khán giả đọc truyện thì chỉ kể Dì ghẻ chặt cau, Tấm chết, nhưng ở ngôn ngữ điện ảnh thì phải thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc của Dì ghẻ lẫn Cám khi phải làm điều này, và Tấm khi ở trên cây cau, ngã xuống chết đi đã hiểu vì sao mình chết. Cảm xúc liên kết cho những chuỗi hành động và cảm xúc về sau của cả 3 nhân vật.

Theo Tri Thức Trẻ


Tin tức mới nhất