Vì sao Nhã Phương bị khán giả ghét trong “Tuổi thanh xuân”?

Hay khóc, ngô nghê, phá hoại hay thiếu quyết đoán là những lý do mà nhiều khán giả “Tuổi thanh xuân” đã vạch ra để “ném đá” Nhã Phương.

Phim truyền hình hợp tác Việt – Hàn Tuổi thanh xuân sẽ kết thúc phát sóng trong tuần này. Những tình tiết rối rắm quanh mối quan hệ tay ba của Khánh (Hồng Đăng), Linh (Nhã Phương) và Junsu (Kang Tae Oh) tiếp tục là đề tài bàn tán sôi nổi của khán giả màn ảnh nhỏ. Nhiều người bày tỏ sự cảm thông cho tình cảnh khó khăn của Linh khi phải lựa chọn 1 trong 2 người đàn ông hoàn hảo về mọi mặt. Song cũng có không ít người tỏ ra chán nản và “ghét ra mặt” nhân vật nữ chính có tính cách khá hiền lành này. Cùng điểm lại những nguyên nhân đã khiến cho nhân vật Linh trở thành tâm điểm cho khán giả “ném đá” những ngày qua.

Ngô nghê và phá hoại

Nhân vật Linh của Nhã Phương đúng kiểu nữ chính ngô nghê và phá hoại thường thấy trong các phim truyền hình thần tượng. Linh không quá xinh đẹp, không quá tài giỏi và cũng không có sức hút hơn người. Trong nửa phần đầu của Tuổi thanh xuân, Linh đơn giả chỉ là một cô gái Việt Nam bình thường, tính cách ương bướng và nhìn cuộc sống bằng lăng kính của một tiểu thư được bố mẹ yêu thương, chiều chuộng.

Ảnh khán giả Tuổi thanh xuân ghét nhã phương 2

Thời gian Linh ở Hàn Quốc và tá túc tại nhà Junsu, bao chuyện dở khóc dở cười cô nàng vướng phải đều do sự hậu đậu và ngô nghê gây ra. Từ tình huống lấy lộn vali ở sân bay, tụt quần Junsu trong buổi biểu diễn, gặp tai nạn ở thư viện hay bị bỏ lại trong chuyến đi chơi công viên với lớp. Tất cả đều chứng minh cho thực tế, Linh chỉ biết dựa dẫm và gây tai họa cho người khác. Xem cách nhân vật Linh gây chuyện rồi lại may mắn thoát hiểm nhờ Khánh, Junsu hay cô giáo Mai (Kim Tuyến) giúp đỡ mà nhiều khán giả không tránh được sự tức tối. Một cách khách quan, Nhã Phương diễn tả sự ngô nghê của nhân vật Linh không tồi. Tuy nhiên, kịch bản phim “hơi lố” ở một số đoạn đã đẩy nhân vật Linh đến chỗ bị khán giả chán ghét!

Ảnh khán giả Tuổi thanh xuân ghét nhã phương 7

Thiếu quyết đoán

Nếu như nửa đầu phim, Linh khiến khán giả phát bực vì sự ngu ngơ thì nửa sau bộ phim, cô nàng lại khiến khán giả lắc đầu ngán ngẩm vì sự thiếu quyết đoán và nhu nhược. Linh yêu Junsu nhưng không dám đến với anh vì cảm thấy có lỗi với Khánh và không dám chống lại sự sắp đặt của bố mẹ. Bởi lý do đó, Linh có cách hành xử không phù hợp khi liên tục làm cho Khánh lẫn Junsu đau khổ. Khi công khai hẹn hò với Khánh, Linh vẫn lao đến nhà chăm sóc Junsu lúc nửa đêm. Khi quay lại hẹn hò với Junsu, Linh cũng không thẳng thắn giải quyết mọi chuyện với Khánh. Cô nàng cứ vị nể người này, cảm thấy khó xử với người kia mà làm cho tất cả những người xung quanh đều đau khổ.

Ảnh khán giả Tuổi thanh xuân ghét nhã phương 4

Chính vì sự thiếu quyết đoán này đã dẫn đến một rắc rối to hơn, đó là chuyện ba mẹ Linh hiểu lầm cô yêu Khánh nên đã ép kết hôn trong thời gian sớm nhất có thể. Đối diện với gia đình, Linh không lên tiếng giải thích hay bảo vệ tình yêu của mình. Cô chỉ im lặng vâng lời rồi lặng lẽ khóc thầm. Bản tính nhu nhược của Linh chính là mấu chốt vấn đề làm cho mối tình tay ba này kéo dài trong nước mắt và đau khổ.

Ảnh khán giả Tuổi thanh xuân ghét nhã phương 5

Lúc nào cũng trề môi và trố mắt

Một điều trùng hợp là khi xem tất cả các tập phim Tuổi thanh xuân đã phát sóng, khán giả có thể dễ dàng nhận ra một biểu cảm được lặp đi lặp lại của Linh đó là trố mắt và trề môi. Khi vui Linh trố mắt và trề môi, khi ngạc nhiên Linh trố mắt và trề môi, khi khóc Linh cũng trố mắt và trề môi. Biểu cảm đó cứ xuất hiện dồn dập trong các cảnh phim khiến người xem khó lòng không khó chịu.

Ảnh khán giả Tuổi thanh xuân ghét nhã phương 8

Ảnh khán giả Tuổi thanh xuân ghét nhã phương 9

Đó là chưa kể đến tần suất khóc lóc của Linh quá nhiều. Ở nửa sau của phim, Linh gần như khóc trong tất cả các tập. Nếu không nức nở, nghẹn ngào thì cũng là rấm rức và tức tưởi. Sự yếu đuối của Linh khiến sức hút của nhân vật này giảm đi rất nhiều trong mắt khán giả. Tất nhiên, ở những tình huống mà Linh gặp phải, sẽ khó lòng yêu cầu cô luôn tươi cười bình thản đối diện. Song, có nhiều cách giải quyết vấn đề hiệu quả hơn là khóc lóc. Nếu nhân vật Linh có thêm một chút mạnh mẽ thì chắc hẳn sẽ được lòng khán giả hơn.

Ảnh khán giả Tuổi thanh xuân ghét nhã phương 1

Lồng tiếng gượng gạo

Phần lồng tiếng cho các nhân vật là thất bại lớn nhất của Tuổi thanh xuân cho đến thời điểm này. Và hiển nhiên, nhân vật Linh do Nhã Phương thể hiện cũng không phải trường hợp ngoại lệ. So với giọng thật của Nhã Phương ngoài đời thực, giọng Nhã Phương trong Tuổi thanh xuân gượng gạo và kém sức hút hơn hẳn. 

Ảnh khán giả Tuổi thanh xuân ghét nhã phương 6

Một số đoạn thoại, lồng tiếng không khớp khiến khán giả cảm thấy biểu cảm của nhân vật Linh bị lố. Đặc biệt, các cảnh khóc cười, khẩu hình nhân vật một kiểu mà tiếng phát ra lại một kiểu. Tuy Huyền Lizzie – người lồng tiếng cho Nhã Phương từng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình lồng tiếng cho nhân vật Linh rằng: “Giọng Sài Gòn thường nói rất nhanh vì thế để nói cho khớp miệng với Nhã Phương, Huyền đã phải cố gắng rất nhiều. Hơn nữa, các bạn nói giọng Nam thường hay nhấn nhá ở cuối câu. Đây cũng là việc Huyền phải học khi lồng tiếng để khẩu hình được khớp”. Song nhiều khán giả vẫn tỏ ra không mấy hài lòng vì chính sự lệch pha này đã làm cho nhân vật trở nên thiếu tự nhiên.

Ảnh khán giả Tuổi thanh xuân ghét nhã phương 3

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất