TVB sẽ trượt dốc và lụi tàn vào dĩ vãng như ATV?

- Tồn tại hơn bốn thập kỉ, từng là ông hoàng khắp châu Á vậy mà giờ đây lại chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Có bề dày lịch sử hơn nhiều so với các thị trường phim khác tại châu Á. TVB từng là ông hoàng của châu lục với thị phần phim truyền hình phủ sóng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sở hữu lực lượng hùng hậu với lò đào tạo diễn viên tài năng cùng sự tham gia của các hoa hậu trong các cuộc thi khiến dàn diễn viên TVB đủ cả phần tài và sắc.

Bên cạnh đó vốn quý giá nhất của TVB là các giám chế tài năng cùng biên kịch chắc tay với vốn sống phong phú và am hiểu nhiều lĩnh vực . Đó là tiền đề để tạo thành thương hiệu riêng cho TVB với các dòng phim chính như phim gia đình, trí-nghiệp… Vào thời hoàng kim của mình TVB đã sản xuất ra rất nhiều phim được xếp vào hàng kinh điển như Đại thời đại, Thần điêu đại hiệp, Nghĩa bất dung tình, Thử thách nghiệt ngã, Thâm cung nội chiến, Bằng chứng thép..




Là một đế chế làm phim thành công nhưng TVB lại không phải là nơi biết nắm giữ nhân tài. Sự đối đãi hà khắc với mức lương bèo bọt, tiến độ sản xuất phim gấp gáp khiến các nhất ca, nhất tỷ lần lượt rũ áo ra đi tìm cho mình những cơ hội mới. Những hoa đán, tiểu sinh khác được đẩy lên lấp chỗ trống tiền bối thì chưa đủ tầm. Khi xưa một diễn viên TVB từ khi đóng bộ phim đầu tiên đến khi leo lên được vai chính phải mất rất nhiều năm.

Ngay cả Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ hay Lâm Phong khi khởi đầu cũng từ những vai phụ mờ nhạt thậm chí là diễn viên quần chúng không lời thoại. Những Lương Liệt Duy, Lê Nặc Ý, Trịnh Tuấn Hoằng, Huỳnh Gia Lạc bao năm phấn đấu vẫn quẩn quanh với vai phụ. Vậy mà giờ đây sự dễ dãi trong khâu chọn diễn viên khiến những Câu Vân Tuệ, Trần Ân Vy được nhận những vai quan trọng dù kinh nghiệm diễn xuất gần như bằng 0.

Không chỉ các diễn viên mà các biên kịch cũng bất mãn, đồng loạt 12 biên kịch chắc tay “ một đi không trở lại” khiến nhân lực TVB thiếu trầm trọng. Sự non sơ của các tay viết trẻ với vốn sống ít ỏi khiến kịch bản vô lí, thiếu chiều sâu và tính thực tế mà đây lại chính là điểm mạnh từng làm lên tên tuổi cho hãng.



Cùng với sự đổ bộ của dòng phim thần tượng Đài Loan thì vị thế phim TVB bắt đầu lung lay. Sự tươi mới hấp dẫn giới trẻ, các phim chuyển thể từ comic dần chiếm cảm tình khán giả hơn. Rồi thi trường bên đại lục với sự bạo chi “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đã lôi kéo không ít diễn viên TVB cùng với các kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết hút khách và sự phổ biến của các drama Hàn Quốc khiến TVB đuối dần.



Để cứu lấy con tàu mắc cạn TVB đã mở hướng phát triển ra bên ngoài. TVBC – một chi nhánh liên doanh với các công ty bên thị trường đại lục để níu giữ những nhân tài muốn chuyển hướng sang thị trường nội địa như Xa Thi Mạn, Lâm Phong, Ngô Trác Hy..



Đồng thời mở lại bộ phận đĩa hát với người cầm trịch là Huỳnh Đạt Huy người làm nên tên tuổi Dương Thiên Hoa, Trần Dịch Tấn. Với tiêu chí “nước phù sa không để chạy ra ruộng ngoài” vừa giữ chân được “gà nhà” khỏi sự nhòm ngó của các công ty đĩa hát, vừa tiện đường giúp họ quảng bá hình ảnh mà lại dễ dàng sắp xếp các lịch trình công việc tránh sự xung đột giữa âm nhạc và phim ảnh của nghệ sĩ trực thuộc. Liệu sự thay đổi có thể giúp TVB trở mình.

Nhưng để lấy lại lòng tin của khán giả thì TVB phải làm nhiều cuộc cải cách mà có lẽ nên bắt đầu từ khâu nhân sự. Giữ lấy những nghệ sĩ tài năng, lăng xê những gương mặt tiềm năng và nên có một chế độ hậu đãi tốt hơn. Nếu không tự cứu lấy mình thì tương lai không xa có thể họ sẽ như chính đối thủ một thời ATV lụi tàn vào dĩ vãng.

Còi Sữa

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao