Dị tật buồng trứng: Nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nữ

Dị tật buồng trứng ảnh hưởng trực tiếp đến thiên chức làm mẹ, thậm chí có thể "cướp" mất khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Buồng trứng là một bộ phận quan trọng không chỉ thực hiện chức năng nuôi dưỡng tế bào trứng mà còn sản xuất hormone sinh dục điều khiển hoạt động tình dục và sinh sản ở phụ nữ. Các dị tật buồng trứng có thể gặp là buồng trứng bị suy thoái sớm hoặc tắc ống dẫn trứng...

Buồng trứng “nghỉ hưu” sớm

Kết hôn 2 năm, vợ chồng chị Tâm 27 tuổi, giáo viên một trường THCS ở Thanh Hóa rất sốt ruột, mong ngóng có em bé. Mỗi lần chậm kinh trong lòng chị phấp phỏng hy vọng nhưng kết quả thì vẫn không có gì.

Ngày mới cưới, chị luôn tâm niệm vợ chồng còn trẻ tập lo sự nghiệp ổn định, còn chuyện con cái cứ để tự nhiên, trời cho lúc nào biết lúc đó. Dù vợ chồng chị không sử dụng biến pháp tránh thai nào nhưng vẫn chưa thấy “tin vui”.

Thời gian gần đây, chu kỳ kinh nguyệt của chị còn có những biểu hiện bất thường, tháng có, tháng không, thậm chí mấy tháng mới có một lần khiến vợ chồng chị vô cùng lo lắng. Đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân, chị mới biết mình chỉ có một buồng trứng, nhưng buồng trứng này có những dấu hiệu suy thoái sớm dẫn đến hiếm muộn, cần có sự can thiệp kịp thời để tránh vô sinh.

Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa sản Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Thái Hà, chị cho biết, buồng trứng là bộ phận quan trọng không chỉ thực hiện chức năng nuôi dưỡng tế bào trứng mà còn sản xuất hormone sinh dục điều khiển hoạt động tình dục và hoạt động sinh sản ở phụ nữ. Những dị dạng ở buồng trứng hoàn toàn có thể gây hiếm muộn, vô sinh như không có buồng trứng, có một bên, buồng trứng bị suy thoái sớm…

Hiện nay, có rất nhiều phụ nữ trẻ hiếm muộn, vô sinh do buồng trứng ngưng hoạt động sớm hay còn gọi là mãn kinh sớm. Trường hợp bệnh nhân trên đây, khả năng có con vô cùng khó bởi buồng trứng ngưng hoạt động sẽ không có sự rụng trứng dẫn đến mất cân bằng nội tiết, ảnh hưởng đến cơ chế thụ thai và vô sinh nữ.


Dị tật buồng trứng ảnh hưởng trực tiếp đến thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.

Dị tật ống dẫn trứng

Vòi trứng là cơ quan nối giữa các buồng trứng với tử cung, nơi noãn gặp, kết hợp với tinh trùng tạo thành hợp tử và phát triển những bước đầu tiên. Nếu ống dẫn trứng bị tắc, chit hẹp có thể dẫn đên chửa ngoài tử cung, vô sinh.

Với trường hợp của chị Vân ở Hà Tĩnh, lấy chồng khi tuổi đời mười tám đôi mươi. Sau khi sinh cô con gái đầu lòng, chị mải mê tập trung lo ổn định kinh tế trước khi sinh cháu thứ 2. Xa gia đình đi lập nghiệp, mọi chi phí sinh hoạt trang trải cuộc sống đều dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi của hai vợ chồng. Muốn đi làm để phụ giúp chồng, chị cai sữa cho con sớm và gửi ông bà ngoại chăm sóc.

Hai vợ chồng kế hoạch bằng phương pháp xuất tinh ngoài nhưng chị vẫn có thai ngoài ý muốn. Quyết định đến một phòng khám nhỏ phá thai, sau khi bỏ thai, chị bị đau bụng kéo dài, kèm theo sốt, đến bệnh viện bác sĩ cho biết bị sót nhau thai phải xử lý lại.

Bảy năm sau, khi có ít vốn liếng, vợ chồng tính về quê làm ăn tiện chăm sóc con cái. Lúc này, vợ chồng Vân mới tính chuyện sinh con để nhà "có chị có em". Vậy nhưng, "thả" cả nửa năm nhưng anh chị vẫn chưa đạt được mong muốn.

Sốt ruột, chị đến chuyên khoa sản khám tư vấn, bác sĩ kết luận ống dẫn trứng chị bị tắc dẫn đến việc khó thụ thai do tình trùng không thể gặp trứng thụ tinh.

Bác sĩ Dung cho biết, bệnh lý ở vòi trứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh nữ, chiếm tỉ lệ 25 -35%. Tổn thương ở vòi trứng có thể là tạm thời nhưng cũng có khi là vĩnh viễn không hồi phục. Những trường hợp như bệnh nhân trên không hiếm, mấy năm gần đây tỉ lệ vô sinh nữ do tắc ống dẫn trứng ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân chính là do sau khi phá thai bị viêm nhiễm, từ đó để lại những tổn thương ống dẫn trứng, gây tắc hoặc gây dị tật ống dẫn trứng. Viêm nhiễm phụ khoa, viêm vùng chậu mãn có thể dẫn đến hẹp ống dẫn trứng, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mất khả năng sinh sản. Dính vùng chậu do buồng trứng và ống dẫn trứng dính nhau hoặc ống dẫn trứng và các tổ chức khác dính vào với nhau.

Ngoài vấn đề tắc, dính ống dẫn trưng hoặc ống dẫn trứng bị chít hẹp, vòi trứng còn có thể xuất hiện những dị tật bẩm sinh như không có vòi trứng, loa vòi trứng…  Bình thường mỗi buồng trứng chỉ có một vòi trứng, mỗi vòi trứng chỉ có một loa nhưng có một số trường hợp bất thường có thể có hoa vòi trứng một bên buồng trứng hoặc hai loa trứng ở mội vòi trứng.

Để phòng tránh dị tật ở buồng trứng và ống dẫn trứng, chị em nên tham khảo những biện pháp sau đây:

- Nên dùng những thực phẩm giàu lượng Phytoestrogen như đậu nành, ngũ cốc, lúa mì, đậu đỏ, đậu đen… để bổ sung lượng estrogen cần thiết.

- Nên dùng những loại sữa giàu lượng canxi phòng chống suy giảm chức năng buồng trứng do bệnh loãng xương.

- Giảm lượng muối, rượu và cà phê phòng tránh loãng xương, không nên hút thuốc lá, tránh khói thuốc.

- Tăng cường tập thể dục như yoga, chạy bộ, bơi… tránh những căng thẳng về thể chất, tinh thần, đây cũng là phương pháp quan trọng nuôi dưỡng buồng trứng và tăng mật độ xương.

- Bổ sung lượng vitamin E cần thiết. Theo chứng minh vitamin E không chỉ phòng chống lão mà còn tăng cường chức năng buồng trứng.

- Giữ vệ sinh "vùng kín" cẩn thận để tránh mắc các bệnh viêm nhiễm.

Trong trường hợp bệnh là bẩm sinh, chị em nên đến các cơ sở sản khoa có uy tín để được tư vấn về cách thức chữa trị hoặc biện pháp có thể thay thế.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất