Ba chàng trai, cô gái phi thường ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ở ĐBSCL có những chàng trai, cô gái nghị lực phi thường, vượt lên hoàn cảnh một cách đáng khâm phục.

Thiết kế quảng cáo

Cô gái Võ Trúc Duyên, 23 tuổi, ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường An Lạc (Ninh Kiều, Cần Thơ), bị liệt nằm một chỗ từ nhỏ nhưng trở thành người thiết kế quảng cáo, logo, banner trên máy tính.

Trúc Duyên đang thiết kế quảng cáo

Chị Nguyễn Thị Trang Thùy, 49 tuổi, mẹ của Duyên, kể lúc Duyên một tuổi được đứa cháu ẵm đi chơi, vấp té quăng xuống đất làm Duyên bại não. Từ đó, hai chân Duyên cong queo, hai tay co quắp không thể duỗi thẳng, chỉ có ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải cử động yếu ớt, 8 ngón còn lại liệt hoàn toàn. Duyên không đứng ngồi được, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt nhờ người thân giúp đỡ.

Nhà ở gần trường, lên 6 tuổi, thấy bạn bè cắp sách đến trường, Duyên xin cha mẹ đi học. Bà Thùy nhớ lại, thương con nên gõ cửa nhiều trường nhưng trường nào cũng từ chối. Người thân liền dạy cho Duyên biết chữ. “Có lúc em rất tuyệt vọng, không muốn sống nhưng nghĩ đến mọi người yêu thương nên cố gắng”, Trúc Duyên tâm sự.

Năm 2007, Duyên bắt đầu tiếp cận máy vi tính, mày mò tự học hơn năm thì sử dụng thành thạo. Cô nảy ý định kiếm tiềm bằng cách mở trang web bán hàng trên mạng.

Được gia đình ủng hộ, năm 2010 Duyên cùng bạn Nguyễn Hữu Thắng là sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ mở trang Trucduyen.net bán quần áo, phụ kiện, đồ trang sức. Duyên lo quảng cáo, thiết kế, nhận đặt hàng, còn Thắng đi giao hàng.

Mỗi sản phẩm lãi khoảng 40.000 đồng. Thắng tốt nghiệp ra trường đi làm, Duyên chuyển sang thiết kế quảng cáo, logo, banner, tờ rơi, poster, đồng phục, khách hàng chủ yếu là sinh viên. Duyên cho biết, thường vào đầu tháng 3 đến tháng 5 hay đầu năm học sinh viên đến nhà đặt hàng, “mỗi tháng mình kiếm được gần 3 triệu đồng”.

Làm giàu

Lê Văn Giai bên ao nuôi cá thát lát.

Anh Lê Văn Giai sinh năm 1983, trong gia đình nghèo, đông con ở ấp 3, xã Long Trị (Long Mỹ, Hậu Giang), từ nhỏ chân tay co quắp không đứng được. Ông Lê Văn Đặng, 52 tuổi, cha của Giai kể, lên 6 tuổi, thấy bạn bè đến trường, Giai xin cha mẹ được đi học. “Sau nhiều đêm suy nghĩ, vợ chồng tôi quyết cõng Giai đến trường cách xa 3 cây số”, ông Đặng nói.

Suốt thời gian học ở trường tiểu học Long Trị 3, Giai là học sinh giỏi. Lên cấp 2, phải ra trường THCS Long Trị cách nhà 6 cây số, hằng ngày phải có người chèo ghe chở Giai đi về. Học được nửa năm lớp 6, thấy gia đình cực khổ quá, Giai nghỉ học, “tôi tự nhủ, không học ở trường lớp thì học ở trường đời”.

Giai ở nhà phụ việc cùng gia đình. Năm 13 tuổi, ra đồng chăn vịt cùng cha. Giai bò trên các bờ ruộng trông coi vịt, chiều lùa vịt về nhốt. Một đêm nằm giữa đồng, Giai thấy, nuôi vịt không thể giàu, phải tìm nghề khác mới mong thay đổi số phận.

Năm 2003, Giai bò đi xem ông Hai Yên nuôi cá thát lát cườm. Đầu năm 2007, Giai mượn tiền bạn bè đào ao rộng 1.000 m2 trên đất cha mẹ cho, thả 2.000 con cá thát lát. Vụ đầu, Giai thu được gần 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 60 triệu. Năm 2008, Giai đào thêm một ao nữa, nuôi 5.000 con cá thát lát.

Giai cho biết: “Tôi đầu tư 5 kg thức ăn thu được 1 kg cá thịt trong vòng sáu tháng. Với giá cá thát lát bán ra 65.000 - 70.000 đồng/kg, tôi lãi hơn nửa”. Thức ăn được đại lý giao tận nhà. Hằng ngày, Giai lo bằm thức ăn, trộn thuốc cho cá mau lớn, chống bệnh tật, theo dõi tăng trưởng. Đến khi thu hoạch, thương lái đến bắt cá chở đi.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhạy bén trong kinh doanh, Giai chủ động bán cá khi được giá để đầu tư cho vụ tiếp. Mỗi năm, trừ chi phí Giai lãi gần 100 triệu đồng. Giai còn giúp đỡ bà con quanh vùng về kỹ thuật nuôi cá thát lát và người dân trong vùng gọi anh là “thầy Giai trị bệnh cá thát lát”. Ông Nguyễn Việt Triều, cán bộ khuyến nông xã Long Trị, khâm phục Giai vì trị bệnh cho cá thát lát rất hiệu quả.

Một nỗi buồn day dứt Giai hiện nay là “sống một mình”. Anh tâm sự: “Sống một mình đôi lúc cũng buồn, cũng mong có người bạn đời để tâm sự, nhưng tôi khuyết tật nên chẳng cô gái nào dám ưng”.

Trò giỏi

Trần Trí Thức, học lớp 6A1, trường THCS Kế Sách ở thị trấn Kế Sách (Kế Sách, Sóc Trăng), ngồi trước máy tính, sử dụng chuột lanh lẹ bằng bàn tay không có ngón. Thức kể: “Ban đầu khó lắm ạ, nhưng con ráng tập, dần dần mới quen. Trong lớp, con ghi bài kịp như các bạn. Với con, khó nhất là các môn như thêu, may vá, nhảy dây, phải ráng dữ lắm mới làm được”.



Cha của Thức là anh Trí chia sẻ: “Nhiều bữa thấy con cầm kim bằng hai cùi tay, rớt lên rớt xuống, mồ hôi chảy đầm đìa thì thương lắm, muốn làm giùm nhưng lại thôi vì biết con đang tập, đang muốn tự lập”. Thức sinh năm 2001. Khi chào đời, Thức không có ngón tay nào.

Lên ba tuổi, Thức được cha mẹ gửi vào trường Mầm non Họa Mi của thị trấn Kế Sách. Những ngày học ở đây, Thức đã khiến các cô giáo ngạc nhiên bởi sự thông minh. Trong sinh hoạt hằng ngày, Thức tự làm mọi việc như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Anh Trí kể: “Nhiều bữa đi đón con, tôi được các cô giáo mời ở lại để cùng xem tài viết chữ, vẽ tranh của con. Thật sung sướng khi thấy con mình làm được những điều như thế”.

Thầy Lý Tuấn, Phó hiệu trưởng trường THCS Kế Sách, kể thêm, Thức học giỏi tất cả môn. Điểm bình quân của Thức luôn từ 9 trở lên, Thức nằm trong 10 học sinh giỏi nhất trường, từ tiểu học cho đến lớp 6 hiện nay. Năm học này, điểm bình quân của Thức là 9,5. “Thức ngoan, hiền và quyết liệt trong học tập. Chúng tôi từng đề nghị cho Thức miễn một số môn cần sự khéo tay nhưng Thức xin được học. Thức từng đoạt giải Ba cấp huyện cuộc thi tiếng Anh qua Internet. Trường chúng tôi rất tự hào về Thức”, thầy Lý Tuấn tâm sự.

Cuộc sống của gia đình anh Trí khá vất vả, vợ dạy ở trường mầm non, còn anh chạy xe ôm. Sau khi sinh Thức, thấy con như vậy, anh chị quyết định chưa sinh thêm con để tập trung chăm sóc Thức.

 Theo Tiền Phong

Tin tức mới nhất