Cô bé bán khoai lang 17 năm trước lập kỳ tích đỗ 3 trường Đại học, giờ ra sao?

Gần đây, bức ảnh đăng trên một fanpage với dòng chữ "5 năm trước có 1 cô bé bán khoai đỗ 3 trường đại học, 5 năm sau cô bé cầm bằng cử nhân về nhà bán khoai tiếp." đã tạo ra rất nhiều tranh luận.

Từ lâu nay, câu chuyện vào đại học hay không; tốt nghiệp đại học có mang lại những cơ hội việc làm tốt... luôn là những chủ đề thảo luận không dứt. Nhiều người đã tỏ ra khá hoang mang vì không biết con đường Đại học có phải là một lựa chọn đúng đắn cho tương lai. Một số khác lại vin vào đó để tự an ủi mình bằng những ảo tưởng vẽ ra để cảm thấy dễ chịu hơn khi mình là kẻ thất bại... 

Tuy nhiên, đối với nhiều người thuộc thế hệ 8x, dù bức ảnh không nói rõ tên cô bé bán khoai, nhưng đều khiến họ dễ dàng liên tưởng đến câu chuyện cổ tích có thật về cô gái Trần Bình Gấm 17 năm về trước (năm 1998) - một cô bé đen nhẻm ngày ngày vẫn mưu sinh bằng việc bán vé số, khoai lang trên đường phố Sài Gòn nhưng đã làm nên kỳ tích khi cùng lúc thi đỗ vào 3 trường Đại học (ĐH Y dược, Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM và khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên). Vế đầu trong nội dung bức ảnh đã đúng. Nhưng vế sau thì lại sai sự thật hoàn toàn. Miệt mài 6 năm đèn sách trong trường ĐH Y, chị Gấm đã hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ. Và hiện tại chị đang làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP. HCM)

11774533_10206124025276350_1402342937_n-83b35

Có thể chỉ là một trò đùa của cư dân mạng nhưng sức ảnh hưởng của nó đến xã hội quả thực không còn là chuyện đùa nữa. Không chỉ là xuyên tạc một câu chuyện có thật, nó còn đã truyền đi một thông điệp xấu và gây tâm lí bi quan tiêu cực về câu chuyện học đại học.  

Nhưng cũng chính những dòng chữ kia đã thôi thúc chúng tôi tìm lại chị Gấm, để nghe lại câu chuyện kỳ tích của chị và nghe chị kể thêm về những nỗ lực bước từ trường đại học ra đời, để trở thành một bác sĩ giỏi. Vì chúng tôi biết rằng, một câu chuyện có thật sẽ có giá trị hơn nhiều tấm ảnh xuyên tạc kia, sẽ giúp truyền đi những thông điệp đẹp đẽ và tích cực hơn nhiều lần...

Sau khi lục tìm các bài báo cũ và tìm đến địa chỉ nhà trong con hẻm nhỏ ở đường Trần Văn Đang, quận 3, chúng tôi cũng đã gặp và thuyết phục được chị chia sẻ về mình. Khi biết mạng xã hội đang râm ran về câu chuyện cô bé bán khoai, bác sĩ Trần Bình Gấm cho biết: "Có thể họ nhầm lẫn, cũng có thể là một trò đùa. Tôi không buồn vì chuyện đó". Trò chuyện với chị, về quãng thời gian suốt từ thời thơ ấu cho đến bây giờ, chúng tôi hiểu rằng, không phải tấm bằng đại học nào cũng có giá trị, nhất là những tấm bằng đầu vào và đầu ra đều tầm tầm như nhau. Nhưng một con người đủ mạnh mẽ giỏi giang có thể làm nên kỳ tích thì sẽ luôn làm nên chuyện trong bất kỳ hoàn cảnh nào và người đó xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ.

Câu chuyện cô bé bán khoai đậu 3 trường Đại học

Bình Gấm sinh năm 1980. Thời ấy, trong con hẻm Trần Văn Đang (Quận 3, TP. HCM) không ai là không biết đến một cô bé gầy nhom, đen nhẻm bán khoai, vé số nhưng luôn nở nụ cười rất sáng. Ít ai biết trong một cơ thể nhỏ xíu mà nhiều người nói vui là "gió thổi cũng ngã" ấy lại có một nghị lực phi thường. 

Mỗi ngày 6 tiếng, Gấm đi bán vé số hoặc khoai lang, khi cô về đến nhà cũng là lúc nửa đêm, vất vả là thế nhưng số tiền kiếm được chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Trên vỉa hè của con đường nắng gắt, người ta đã quen với việc một con bé đi bán thì thôi, ngồi xuống nghỉ ngơi là mang sách ra đọc. Có người thương tình mua giúp, khen Gấm hiếu học, có người thì dè biểu kêu Gấm nên nghỉ học vì trước sau gì cũng sẽ bỏ ngang vì không tiền.
                                           hinh-a9a24
  Cô bé bán khoai Trần Bình Gấm ngày xưa.
Mặc ai nói gì thì nói, Gấm vẫn lặng lẽ vừa là lao động quan trọng trong nhà, vừa cố gắng đến trường, bạn bè biết có người cảm thông, kẻ lại kỳ thị, nhưng Gấm luôn tự nhủ phải học để vượt lên số phận. Năm 1998 có lẽ là mùa hè khó quên của cô gái nghèo Trần Bình Gấm vì cô đã viết nên một câu chuyện cổ tích về cuộc đời mình. Gấm đã trở thành niềm tự hào của cả gia đình, tên Gấm "phủ sóng" cả con hẻm nghèo vì những người biết đến Gấm luôn lấy cô làm tấm gương cho con của mình.

"Nhắc đến cô ấy thì ai trong con hẻm này cũng nể phục. Nhà nghèo nhưng Gấm hiếu học lắm, lúc đó con hẻm này toàn người mưu sinh, ai cũng cho con biết mặt chữ rồi giữ ở nhà làm chân lao động. Thế nên, có lúc thấy nó cực quá tôi khuyên ở nhà phụ gia đình chứ đi học rồi cũng không tới đâu, nó chỉ cười. Nhưng khi tôi nghe Gấm đậu vào 3 trường đại học, tôi rất hãnh diện vì được là người cùng xóm với nó", một cụ ông hàng xóm của Gấm (trước đây chạy xe ôm) cho biết.

Bình Gấm vé số, khoai lang đã trở thành bác sĩ

Trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời, cô gái bán khoai, bán vé số đen nhẻm ngày nào giờ đã trở thành một vị bác sĩ chuyên khoa I, khoa Lão học Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP. HCM). Thế nhưng khi biết được những người dùng mạng xã hội chế ảnh, cho rằng cô trở về nhà bán khoai chứ không phải là bác sĩ thì cô vẫn tươi cười cho rằng người ta chỉ đùa chứ không có ác ý. 

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Trần Bình Gấm - nay là bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết: "Từ năm 2008, tôi đã được nhận vào khoa Lão học của Bệnh viện Nhân dân Gia Định và đến nay tôi vẫn làm ở đó. Tháng 9 này tôi sẽ tiếp tục học lên bác sĩ chuyên khoa 2 để hoàn thiện nghiệp vụ của mình. Về bức ảnh trên mạng, có thể họ chế ảnh để trêu đùa, hoặc họ muốn cảnh tỉnh những người có bằng cấp nhưng không có việc làm. Tôi không thấy buồn về việc đó".

2-97161
Bác sĩ Trần Bình Gấm (đứng phía sau) và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: FBNV).
Bác sĩ Bình Gấm cho biết, lúc trước, ba chị đạp xích lô, mẹ bán hàng ngoài chợ, hai chị em đi bán vé số, không may ba bị bệnh nặng, cả nhà phải mượn tiền để chạy chữa, khi khánh kiệt cũng là lúc ba của chị ra đi. Từ ngày đó, cả nhà chị Gấm không lúc nào được yên khi bị chủ nợ đến cả ngày lẫn đêm, năm chị em và mẹ cũng phải dắt nhau chạy trốn. Nhà chị Gấm ai cũng vui mừng nhưng mỗi người một tâm trạng, không ai bảo ai nhưng nhìn nhau cũng hiểu được không biết lấy đâu ra tiền để chị có thể tiếp tục học tập trong thời gian tới. 

Thế nên lúc cô bé Bình Gấm đậu Đại học cũng là lúc gia đình gần như đi vào ngõ cụt. May mắn khi mọi người biết được hoàn cảnh của chị đã chung tay giúp đỡ để chị vượt qua khó khăn, bằng sự quyết tâm của bản thân, năm 2004 Gấm tốt nghiệp Đại Học Y Dược TP. HCM. Sau đó học thêm 3 năm về Nội trú lão, năm 2008, chị Trần Bình Gấm trở thành bác sĩ khoa Lão học tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP. HCM) đến nay.

Chọn làm việc tại khoa Lão học cũng bởi vì chị Gấm muốn được tận tay chăm sóc cho những người lớn tuổi. Vì theo chị, người già cho dù thời tuổi trẻ họ cơ cực hay vui sướng thì về già họ cũng cần những sự chăm sóc chu đáo để phần đời còn lại có được sự thanh thản, yêu thương. Vẫn biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc sống nhưng chị Gấm không ít lần bật khóc trước những sự ra đi của các cụ khi họ chưa yên lòng về đứa con, đứa cháu của mình. 

Chị Bình Gấm chia sẻ: "Những người lớn tuổi họ sẽ giống như một đứa trẻ, họ rất yếu đuối và cần được thấu hiểu, càng về già các cụ sẽ càng lo lắng nhiều hơn. Có những cụ vào đây khám và xem bác sĩ như con cháu mình, họ tâm sự nhiều về cuộc đời, về buồn vui mà họ có được, khi đang thân thiết với họ thì một ngày họ ra đi, nhiều lúc trong tôi có những sự mất mát. Nhưng đây chính là quy luật của sinh tử nên khi các cụ còn sống mình cần đối xử tử tế với họ, để họ ra đi được thanh thản".

1-97161
Nhờ sự phấn đấu không ngừng nghỉ, cô bé bán khoai Trần Bình Gấm ngày nào giờ đã thành bác sĩ và có cuộc sống ổn định

Hiện chị Gấm vẫn chưa lập gia đình nhưng cuộc sống đã ổn định hơn nhiều, điều khiến chị băn khoăn là chưa đủ điều kiện để giúp đỡ những người nghèo khổ quanh mình. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, bác sĩ Trần Bình Gấm cho biết: "Nhờ vào công việc hiện tại, tôi có thể giúp đỡ gia đình của mình rất nhiều, các em tôi giờ cũng đã tốt nghiệp Đại học, người làm giáo viên, người làm giám đốc, nên cuộc sống của tôi tạm gọi là ổn định. Tôi hài lòng về những gì tôi đang có, tuy nhiên kế hoạch mở phòng khám để chữa trị cho mọi người, trong đó sẽ có hai ngày là chữa trị miễn phí thì tôi chưa làm được, nhưng tôi sẽ cố gắng". 

Tạm biệt bác sĩ Trần Bình Gấm, chúng tôi nghĩ rằng người nghèo ở khu vực cô ở có quyền hy vọng về một phòng khám dành cho họ, vì chúng tôi tin tưởng vào nghị lực, là sự quyết tâm của một vị bác sĩ giàu ý chí và lòng kiên định, cũng như theo cô đó là một sự trả ơn cho những người đã giúp đỡ mình. thì một phòng khám dành cho người nghèo trong tương lai sẽ trở thành hiện thực.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất