Gặp chàng trai 'Thư gửi nỗi buồn' đốn tin dân mạng

Khiêm tốn nhận mình chưa đủ sức để đi theo con đường sáng tác dòng tranh nghệ thuật nhưng Thăng Fly luôn coi việc vẽ truyện tranh như một sự gửi gắm cảm xúc nhiều hơn là chú trọng xây dựng kịch bản đơn thuần.

Mong xóa nhòa định kiến "nhí nhố" của thể loại truyện tranh

Mới chỉ hơn 20 tuổi lại là một họa sỹ tự do nhưng Bùi Đình Thăng (Thăng Fly) đã từng âm thầm "đốn tim" cư dân mạng qua hàng loạt bộ truyện tranh như: "Thư gửi nỗi buồn", "Hiện thực về xứ Huế mộng mơ"... và gần đây nhất là tác phẩm "Ông", "Cuộc đời Công Vinh".

Hầu như những người chưa từng biết tới Thăng Fly nếu gặp cậu đều bất ngờ với vẻ bề ngoài thư sinh, có phần rụt rè như con gái, khác hẳn với những định kiến về dân mỹ thuật luôn gắn liền với sự "bụi phủi". Thăng sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức nhà nước, không ai theo nghệ thuật. Cũng như nhiều các bạn cùng trang lứa, Thăng vô cùng say mê những bộ truyện Nhật Bản xuất bản ở Việt Nam những năm 90 như Doreamon, dragonball... rồi âm thầm học theo từng nét vẽ.


Một góc tái hiện lại trong bộ truyện tranh: "Hiện thực về xứ Huế mộng mơ"

Thế hệ trẻ các họa sỹ vẽ truyện tranh ở Việt Nam, Thăng không phải gương mặt nổi bật nhất. Không có lợi thế sinh ra trong một gia đình nòi nghệ thuật như chàng họa sỹ "sát thủ đầu mưng mủ" Nguyễn Thành Phong nhưng điều đáng nói ở chàng trai xứ Nghệ này là sự học hỏi tiếp thu rất nghiêm túc từ những bậc đàn anh. Thăng không phủ nhận Thành Phong như một người anh cả, chỉ bảo cậu rất tận tình, thân thiện. Ngoài ra Thăng còn học được nhiều điều từ anh Alex của nhóm B.R.O. - một cây bút sáng tác truyện tranh được nhiều người biết đến. Thăng học các bậc đàn anh vừa bằng kiến thức kèm theo đó là cả một lòng ngưỡng mộ.

Ở Thành Phong, Thăng tâm đắc với cách tạo nhân vật rất rõ đặc điểm nhận dạng của người Việt Nam. Cậu nói: "Ngoài ra nét vẽ phóng khoáng, tỉ lệ người và các góc quay mẫu mực cũng như nội dung ý nghĩa mà câu chuyện chuyển tải mang đậm hơi thở cuộc sống Việt Nam".

Thăng cũng khá thật thà khi tâm sự về thời điểm "quăng" mình trên những nét vẽ đầu tiên: "Hình như mọi người đều trải qua giai đoạn này khi mà thẩm mỹ đã biết cái gì hay, cái gì đẹp, nhưng để làm được như thế thì còn rất xa và phải học rất nhiều, không thể nóng vội được".

Đối với Thăng, cậu muốn góp phần xóa nhòa quan niệm "vui nhộn", "nhí nhố"... chỉ thích hợp với con nít của một số người. Cậu hiểu một điều để có được bộ truyện tranh lấy được cảm tình của cả những người lớn tuổi xem tranh Thăng, bất kỳ ai cũng đều có chung cảm nhận một ý tứ thâm trầm, sâu sắc đằng sau những nét vẽ phóng khoáng đó.


Chân dung họa sỹ Thăng Fly

Không ngại vay mượn ý tưởng

Trong bộ tranh "Thư gửi nỗi buồn" nhiều người yêu thích tranh Thăng cho rằng thành công của bộ tranh ở chỗ ý tứ chuyển tải nhằm vào tâm lý rất phổ biến trong giới trẻ là sự nhanh chóng rơi vào tâm lý chán nản, thất vọng với những diễn biến xung quanh không theo ý mình mong muốn để rồi kết lại là hàng loạt những khung hình vui nhộn. T

hăng luôn cố thổi vào đó thông điệp sống tích cực của mình: "Đừng vội chán đời hay thất vọng, vì như vậy bạn chẳng có gì để mất cả. Hãy làm những gì bạn thích, theo đuổi những gì mình đam mê...".

Đôi khi tranh Thăng lại là sự chiêm nghiệm về những góc khuất cuộc sống có phần già dặn hơn so với tuổi của mình. Điều này thể hiện rất rõ ở bộ tranh "Hiện thực về xứ Huế mộng mơ".

Thăng cho biết, cậu không ngại sự vay mượn ý tưởng và với cậu phương pháp chuyển tải ý tưởng như thế nào mới là điều quan trọng. Trong bộ tranh từng có thời gian gây sốt này, Thăng thật thà cho biết mình dựa trên nguyên mẫu bài viết: "Hiện thực về xứ mộng mơ" của tác giả Đoàn Công Lê Huy - anh Chánh Văn quen thuộc trên tờ báo Hoa Học Trò được Thăng Fly đã minh họa lại bằng bộ tranh với những nét vẽ tinh tế. Thăng chú trọng đi sâu vào lý giải những món ăn cay, nóng đặc trưng của cố đô để người xem vẫn thấy được thấp thoáng đâu đây, đằng sau vẻ đẹp mộng mơ kia là những khó khăn của con người quê nghèo.

Điểm tích cực trong tranh Thăng ở chỗ cậu "ôn nghèo kể khổ" để mọi người hiểu rằng cái đẹp không chỉ đơn thuần như những gì từng tiếp thu trong sách báo mà cái đẹp luôn tỏa sáng từ trong khốn khó để thêm yêu cảnh đẹp quê hương đất nước mình hơn. Bất ngờ hơn mặc dù không gây sốt như bộ tranh "Sự thật về xứ Huế mộng mơ" nhưng kỷ niệm về vùng đất này lại được Thăng đong đầy trong những nét vẽ gửi gắm trong bộ tranh "Trước bến Văn Lâu".

Thăng kể: "Hồi em còn bé bố đi Huế mua về cho em một quyển sách "Giai thoại lịch sử về các vị vua triều Nguyễn". Đó cũng là món quà duy nhất bố tặng em đến giờ, em rất thích. Sau đó lớn lên tình cờ em đọc lại những câu thơ về vua Duy Tân, một lần nữa em lại cảm thấy "nổi gai ốc" vì ý tứ rất hay của bài thơ và vì bản lĩnh, tình cảm của vị vua nhỏ tuổi:

"Trước bến Văn Lâu

Ai ngồi ai câu

Ai sầu ai thảm

Ai thương ai cảm

Ai nhớ ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non...". Thế rồi bộ tranh ra đời chở nặng nỗi buồn mang mác của chàng họa sỹ tài hoa.

Thăng luôn quan niệm: "Liên tục làm mới ý tưởng trong tranh là một cách gián tiếp làm mới những cảm xúc trong mình". Dường như người hâm mộ cảm thấy vô cùng thú vị khi bắt gặp một Thăng Fly khá "thời sự" khi khắc họa lại cuộc đời của chàng cầu thủ Công Vinh. Xem tranh Thăng, không ít người cho rằng cậu thực dụng, chạy theo thời đại, vẽ theo trào lưu để tăng thu nhập nhưng ít ai biết rằng bộ tranh này cậu vẽ chỉ nhằm mục đích thể hiện tình cảm của một fan hâm mộ tiền đạo xứ Nghệ Công Vinh.

Thăng tâm sự: "Bộ tranh này em hoàn thiện trong 3 ngày dành tặng riêng cho thần tượng của mình bởi em  là một cổ động viên trung thành của đội Sông Lam Nghệ An và vô cùng  ấn tượng với phong độ của Công Vinh. Có lần em tình cờ đọc một bài báo viết về anh Vinh và vô cùng khâm phục những người xuất thân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên được vị trí cao trong xã hội bằng đam mê của mình như vậy. Sự nỗ lực và tấm gương của anh ấy tác động mạnh mẽ đến các bạn trẻ có ước mơ "đổi đời", bằng đam mê và luyện tập không ngừng".

Mặc dù được độc giả hào hứng đón nhận và nhiều người biết đến nhưng chàng họa sỹ trẻ tuổi này vẫn còn đang phải đối mặt với không ít khó khăn bởi sự ghi nhận vẫn chỉ giậm chân trên... mạng bởi chưa có nguồn kinh phí để xuất bản. Tuy nhiên trong tim chàng họa sỹ tài hoa vẫn cháy bỏng niềm lạc quan. Cậu hài hước nói: "So với những người khác mình vẫn còn may mắn. Bữa ăn có thịt có cá cũng như truyện mình vẽ có độc giả,  mình còn có thời gian để luyện tập, còn có bạn bè, có nhiều người rất là tốt, sẵn sàng chỉ bảo, góp ý".

Ngẫm lại một câu  nói mà Thăng vô cùng tâm đắc và rất thích của một nghệ sỹ Underground: "Cuộc đời này như một tấm gương. Nếu bạn biết đối diện với nó, bạn biết mỉm cười với nó. Thì nó sẽ mỉm cười lại với bạn", Thăng lại lao vào sáng tác để từng bước khẳng định mình.

Theo Người Đưa Tin

Tin tức mới nhất