Mẹ đơn thân dạy con xem bố như kẻ thù

"Tớ không có bố. Mẹ bảo bố chết rồi. Ông kia là kẻ thù của mẹ con tớ” – cô bé 5 tuổi có gương mặt thiên thần nói.

Cô bé núp trong góc phòng để tránh người đàn ông "kẻ thù" đứng ở cửa lớp chờ con. Mặc sự dỗ dành của cô giáo và tiếng gọi của người đàn ông, cô bé không chịu ra khỏi lớp.

Mẹ đơn thân dạy con xem bố như kẻ thù
Ảnh minh họa.

Bé Mai (nhân vật trong câu chuyện kể trên) là con của một người mẹ đơn thân. Cô bé là kết quả của một cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Khi Mai chưa tròn một tuổi, bố mẹ bé chia tay. Người phụ này từ đó có mối thù hận sâu sắc với chồng cũ.

Mai lớn lên trong nỗi cay hận, uất ức của mẹ. Mọi yêu thương, dỗ dành, chăm sóc Mai nhận được từ mẹ đều có lẫn những oán hờn, nghiệt ngã. Chưa kể những lúc mệt mỏi, bực dọc, người mẹ trẻ đều trút hết lên đầu đứa con gái nhỏ tội nghiệp, coi Mai như một “nghiệp chướng”.

Thường xuyên hứng chịu những cơn thịnh nộ vô cớ của mẹ, ngấm lời cay nghiệt, lâu dần, cô bé già trước tuổi. Em sớm nhận ra hình bóng một người đàn ông là kẻ thù của mẹ, và chính người đó khiến mẹ ghét bỏ Mai.

Mai có bố. Cô bé mơ hồ biết khi thi thoảng có người xuất hiện tự xưng là bố. Nhưng chưa bao giờ bé được cảm nhận được tình phụ tử. Bởi khi chồng cũ đến, mẹ cô bé nổi cơn thịnh nộ.

Mẹ Mai ngăn cản chồng tiếp xúc với con gái, bơm vào đầu óc non nớt của cô bé bỏng hình ảnh của một “ông ngáo ộp”, “kẻ bắt cóc trẻ em”, “người đàn ông xấu xa”, “kẻ thù”…

Thế nhưng, bé khát khao được một lần sà vào “người đàn ông kẻ thù” kia, như các bạn ôm chầm bố mỗi khi tan học. Các cô giáo cảm nhận được điều đó.

Nhiều lần, họ nói với người mẹ trẻ về nỗi lòng thầm kín của cô bé. Nhưng điều này vô tác dụng, vì với bà mẹ đơn thân này, nhiệm vụ của các cô chỉ là dạy dỗ, chăm sóc Mai khi ở trên lớp.

Trong giấy tờ, chỉ có cô là người thân duy nhất của bé Mai, cho bất kỳ người nào được tiếp xúc đưa đón, giáo viên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Trong dòng nhật ký trên Facebook, mẹ cô bé thanh minh. “Thành thật mà nói, tôi không dịu dàng với con gái. Nhưng đó là do hoàn cảnh xô đẩy. Tôi phải dạy con thành một đứa trẻ tự lập, cứng cỏi. Tôi phải dạy con biết đâu là kẻ thù của nó, ai đã là người đẩy nó vào cuộc sống éo le này.

Con đừng trách mẹ bởi những lời cay nghiệt. Con trai biển có chịu đớn đau ấp trong mình hạt cát, mới có ngày nhả ngọc cho đời. Những đớn đau của tuổi thơ hôm nay sẽ giúp con trưởng thành trong tương lai, con gái ạ!”.

Chia sẻ về câu chuyện của bé Mai, một chuyên gia tâm lý cho rằng:  Làm cha mẹ, không phải cứ thấy con mỗi ngày mỗi lớn, là tự bằng lòng với sức khỏe của con. Cũng không phải nộp mấy trăm nghìn cho con đi tham quan với lớp là tự bằng lòng rằng con mình cũng có đời sống tinh thần như ai.

Có những thứ vô hình nhưng thiếu nó thì không làm nên ý nghĩa đầy đủ của chữ bố mẹ. Đã là bố mẹ, nên biết cố gắng vì con.

Những hạt sạn mà mẹ cô bé gieo vào lòng con mình, không nên hy vọng có ngày “trai nhả ngọc”. Điều đó chỉ tạo ra vết sẹo trong tâm hồn cô bé. Một bé gái lớn lên với những nỗi buồn, uất hận chất chứa sẽ không bao giờ trở thành con người hạnh phúc.

Hình ảnh một “ông ngáo ộp”, “ông mìn” chỉ tồn tại rất ngắn trong quãng đời ngô nghê của tuổi thơ. Sau này, bé Mai sẽ sớm biết người đó thực sự là bố đẻ của mình. Bé sẽ căm ghét người sinh thành ra mình như đúng nguyện vọng của mẹ? Hay trả bố tình yêu thương đích thực và hối hận vì một tuổi thơ đã qua với những ký ức hãi hùng? Cả hai cảm xúc ấy đều không có lợi cho sự trưởng thành của một con người, nhất là với một người con gái.

Chuyên gia khuyên, các bà mẹ đơn thân nên cất nỗi đau của riêng mình vào đáy lòng, gắng gượng vừa làm người mẹ tốt, vừa xây dựng cho con hình ảnh một người bố trọn vẹn. Như vậy, mẹ mới bù đắp được phần nào những tổn thất tinh thần của con trẻ.

Theo Báo Pháp Luật Việt Nam

Tin tức mới nhất