Teen và áp lực thành… “sao”

Hiện tượng các bạn tuổi học trò teen ước mơ trở thành ca sĩ, người mẫu, diễn viên… không còn quá xa lạ. Thế nhưng, không ít bạn lại rơi vàocảnh phải theo đuổi ước mơ này từ tác động của bố mẹ.

Từ hôm nghỉ hè cách đây hơn hai tuần, mỗi lần được bố mẹ chở đến Trung thể thể dục thể thao quận Gò Vấp, TPHCM trên đường Nguyễn Văn Lượng để học nhảy khiêu vũ, cô học trò lớp 8 Lê Ngọc Huyền lại vùng vằng không muốn vào lớp. Thời gian đầu, bố mẹ còn nhẹ nhàng động viên, giờ họ chuyển sang thái độ kiên quyết, cứng rắn ép con gái học nhảy.

Khác với vẻ háo hức luyện tập của nhiều học viên khác, Huyền né tránh việc việc. Giờ học nhảy, Huyền thường “tách lẻ” ngồi nghe nhạc, nhắn tin hoặc đứng nhìn mọi người nhảy và chỉ mong cho hết giờ về.

Nhiều bạn trẻ chạy theo ước mơ thành “sao” do sự ép buộc từ gia đình (Ảnh minh họa).
Nhiều bạn trẻ chạy theo ước mơ thành “sao”
do sự ép buộc từ gia đình.

Huyền chia sẻ: "Em thích tính toán, nghiên cứu chứ không hề thích khiêu vũ và cũng không có năng khiếu, học nhiều mà chẳng đâu vào đâu. Vậy nhưng 4 năm nay, hè nào Huyền cũng phải đến lớp học nhảy vì bị bố bắt buộc.
 
Có thể vì hồi nhỏ em hay nhảy nhót diễn văn nghệ ở trường, quận nên đến giờ bố mẹ vẫn nghĩ em có khả năng này nên nhất quyết bắt em học khiêu vũ”.

Trước đây Huyền học ở một trung tâm đào tạo khiêu vũ có tiếng ở Q. Tân Bình, huấn luyện viên nói thẳng bố mẹ em không hợp với môn này. Bố Huyền tự ái, trách cô không biết nhìn… tài năng và chuyển em sang học nơi khác. Mỗi khi Huyền bày tỏ sự chán chường, không thích thú việc học này thì em lập tức bị bố mẹ la mắng, chê bai vì cho rằng “đầu tư như vậy mà học cũng không xong”.

Giọng hát nghêu ngao chỉ đạt ở mức cây “văn nghệ” của lớp nhưng nhiều năm nay, Đức Toàn, 14 tuổi, nhà ở đường Cô Giang (Q.1) đang theo học tại Trung tâm đào tạo ca sĩ đã phải đi theo mục tiêu của gia đình “Con phải thành ca sĩ nổi tiếng”.

Các cuộc thi hát trong độ tuổi, Toàn không bỏ cuộc nào. Mỗi lần Toàn thi thố, bố mẹ em lại rình rang đi theo để chuẩn bị cho con tốt nhất nhưng chưa một cơ may nào đến với cậu. Thấy vậy, bố mẹ đẩy mạnh việc học của Toàn, không tiếc tiền đầu tư để đầu tư vật chất cũng như mời thầy về nhà kèm cặp thêm.

Toàn cũng từng thích hát hò nhưng bắt đầu thấy sợ vì bố mẹ đặt mục tiêu cho em quá cao. Mỗi lần thầy nhận xét chưa tốt hay khi cậu chưa “ghi danh” ở các cuộc thử giọng, sự thất vọng của bố mẹ trở thành nỗi ám ảnh của Toàn.“Thế nhưng khi mình đề nghị tạm ngưng việc học nhạc, luyện thanh một thời gian thì bố mẹ nổi khùng, bảo cấm được nghỉ ngày nào”, Toàn cho hay.

Tất cả mọi hoạt động vui chơi, gặp gỡ bạn bè hay đi du lịch trong hè của Toàn đều bị gác sang một bên để tập trung cho việc thành ca sĩ nổi tiếng trước tuổi 18 nhưkỳ vọngcủa gia đình.

Nhiều bạn trẻ chạy theo ước mơ thành “sao” do sự ép buộc từ gia đình (Ảnh minh họa).
Theo đuổi ước mơ không đúng với khả năng thực,
 các bạn dễ gặp thất bại (Trong ảnh: Nữ sinh chờ đến
 lượt thi tại một cuộc thi tài năng, nhan sắc tuổi teen).

Từng học hát từ nhỏ để thành ca sĩ, khi không thấy khả thi, hai năm nay, Thùy Nhung, học sinh một trường THPT ở TPHCM chuyển qua… lớp học đào tạo người mẫu theo định hướng của mẹ. Người mẹ thường xuyên khoe, con gái mình có lợi thế chiều cao, không thành ca sĩ, thì cũng phải thành người mẫu hoặc diễn viên mới xứng.

Nhung suy nghĩ đơn giản, thích hướng đến các nghề “hot” vì đây là nghề dễ nổi tiếng, không quá cực nhọc mà thu nhập lại cao mà không phải đau đầu học hành quá nhiều. Và thực tế lâu nay, Nhung không chú tâm nhiều cho việc học mà đầu tư đến việc săn lùng các cuộc thi người mẫu tuổi teen hay tìm mọi cơ hội để được làm người mẫu ảnh.

Trao đổi về vấn đề này, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cho hay ông từng gặp không ít phụ huynh khi cho con học năng khiếu chỉ vì chạy theo hòa nhoáng bên ngoài mà không cân nhắc đến năng lực, đam mê của con. Con hát nghêu ngao được vài ba bài liền đầu tư, làm mọi cách ép buộc con đi học hát chỉ vì “nghe nói ca sĩ một đêm hát vài chục triệu”.

Có những người là nhạc sĩ chuyên nghiệp, muốn con theo nghệ thuật bắt con học nhạc, học hát. Có những em học đàn hát suốt 4 – 5 năm cuối cùng phải bỏ. Có trường hợp học đàn đến 8 năm, có thể chơi đàn được nhưng không thể phát triển thành nghề nghiệp vì thiếu năng khiếu lẫn đam mê. Điều này đồng nghĩa với việc các em mất đi những cơ hội phát triển đúng khả năng của mình.

Bố mẹ phải là người hiểu rõ về khả năng của con mình nhất. Năng khiếu không phải ai cũng có. Hoặc mỗi người có khả năng riêng, nhưng trước hết chính phụ huynh phải có định hướng đúng về việc trau dồi để phát triển năng khiếu cho con. Nhiều người  kỳ vọng cao quá, rồi lại ép con trẻ hoàn thành hoài bão của chính mình mà không hề theo sở thích của con. Khi trẻ làm không được, thì  cha mẹ thất vọng và đứa trẻ cũng sẽ thất vọng về bản thân. (Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến)


Theo Dân trí

Tin tức mới nhất