Tổ ấm hạnh phúc của ái nữ dòng họ Nguyễn Lân

Người ta vẫn thường nói đằng sau thành công của một người là một hậu phương vững chắc. Điều đó cũng hoàn toàn đúng với PGS Nguyễn Ngọc LưuLy.

Ngoài nỗ lực không ngừng của bản thân, LưuLy là người phụ nữ may mắn khi có người bạn đời biết chia sẻ. Tổ ấm nhỏ của họ luôn được sưởi ấm bởi những hành động yêu thương, bất ngờ... và sự vun vén hướng đến một tương lai tốt đẹp cho gia đình, cho các con.

Bạn được định hướng sẽ theo học ngoại ngữ tiếng Pháp hay chỉ đơn giản ngoại ngữ từ bà và nói như cái gen để truyền cho bạn?

 
Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Thực ra, em nghĩ cái gì cũng phải học vào chứ nó không có cái gen để học tiếng Pháp hay học bất cứ thứ gì đó. Có thể ở trong môi trường mình được tiếp xúc với cái gì đó hơn, mình sẽ có điều kiện để phát triển lĩnh vực đó nhiều hơn một chút.

Thời cấp hai, cấp ba, em học tiếng Pháp -  có thể  đúng là theo định hướng của gia đình một cách tự nhiên.

Lưu Ly này, bạn có áp lực gì không khi được sinh ra trong một gia đình có rất nhiều người nổi tiếng?

Nổi tiếng à? (cười). Ly nghĩ rằng áp lực thì không, có lẽ đó sẽ là những động lực để mình cố gắng hơn trong cuộc sống.

Và đối với Ly, những anh chị em trong gia đình là những người thân thuộc nhất nên Ly không bao giờ có cảm giác là Ly đang đối mặt với ai cả. Thực ra, đó sẽ là một tập thể để cùng nhau chia sẻ những thành công nho nhỏ hay những bước tiến.

Có ý kiến cho rằng bạn được sinh ra trong gia đình có đầy đủ về vật chất và tinh thần. Điều đó vô hình chung là cho con đường sự nghiệp của bạn dễ dàng hơn. Bạn nói sao về điều này?

Ly cũng nghĩ là mình là người rất may mắn.

May mắn đầu tiên là được sinh ra trong gia đình bố mẹ rất yêu thương con cái, vun vén và chăm lo cho bước đường, quá trình nuôi dạy con.

Sau đó lại may mắn lấy được người chồng, người bạn từ thuở niên thiếu, học với nhau từ cấp 1 những năm đầu tiên của tiểu học; lại có một con trai một con gái thì đúng thật Ly không mong gì hơn.

Trong môi trường sư phạm, công việc Ly cũng thấy mình may mắn khi được tiếp xúc với sinh viên hàng ngày, mỗi học kỳ và năm này qua năm khác. Khi tiếp xúc với sinh viên, Ly thấy  luôn luôn cần phải đổi mới trong phương pháp, kiến thức giảng dạy để sao cho phù hợp với cuộc sống luôn luôn biến động.

Và Ly cũng nghĩ rằng mình là người rất tôn trọng những giá trị mà mình đang có trong cuộc sống. Mình nâng niu nó và mình dám làm những cái mới.

Bạn biết không, người ta vẫn nói "bằng tuổi nằm duỗi mà ăn". Tôi thấy bạn và chồng bạn cùng tuổi đúng không? Và hai người biết nhau từ khi còn nhỏ xíu. Hãy kể những câu chuyện về tình yêu

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly, tổ ấm hạnh phúc của PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly
Gia đình hạnh phúc của PGS Lưu Ly.


Nhà em là 3 con gà, đầu tiên là bố gà mẹ gà, hai bạn cùng sinh năm 1981 là bạn Ly và bạn Minh. Đến con trai đầu lòng của em cũng gà. Thế là ba con gà trong sân.

Mải mê công việc rồi chăm chút cho bé lớn rồi cả cho gia đình lớn, gia đình nhỏ cho sự nghiệp của mình, đến 7 năm sau khi sinh bạn đầu lòng em mới sinh thêm một cô con gái.

Em thấy cực kỳ hài lòng với sự lựa chọn của mình để chăm lo cho bé Thảo được tốt.

Hình như bạn và chồng bạn yêu nhau rất lâu, biết nhau từ khi còn nhỏ.

Yêu nhau thì không lâu, chỉ có 2 năm là cưới. Còn trước đó xưng “mày – tao”. Và đến một ngày nào đó thì bạn Ly gọi bạn Minh là “anh”.

Có câu chuyện rất buồn cười là sau một tuần xưng anh thì em bảo "Bây giờ chuyển lại là mày tao thì nghe nó sượng tai ra sao ấy nhờ?", thì Minh nhà em nói “Mày cứ thử một lúc rồi nó quen”. Lúc đó, mình thấy sượng tai lắm rồi. Đổi đi thì được chứ đổi lại thì cảm giác là không được nữa.

Hai năm yêu, 11 năm gắn bó. Điều gì ở ông xã bạn thấy đáng yêu nhất và còn điều gì bạn vẫn muốn anh ấy sẽ thay đổi?

Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Thường Ly nghĩ mình may mắn khi lấy người bằng tuổi, bằng tuổi thì có những gì cần tâm sự nhất thì có thể nói chuyện với nhau chứ không phải đưa ra chương trình rồi mình mới dám nói.

Em cũng nghĩ ngay cả trong những kế hoạch công việc, mình cũng hay chia sẻ. Vì chia sẻ nên được hiểu và cảm thông rất nhiều. Và đó là cái được của lấy người cùng tuổi và em rất trân trọng điều đó.

Dưới con mắt của em, ông xã là người có tài, chơi đàn piano giỏi, đánh trống được, đánh đàn ghi ta và hát rất hay.

Có hôm kỉ niệm 10 năm ngày cưới ông xã đã bí mật làm một MV quay hình và hát bài “Cảm ơn tình yêu tôi”, rất trân trọng và em thấy đấy là một món quà có giá trị tinh thần vô cùng to lớn.

Em rất bất ngờ khi nhận được clip đó. Em thấy đó là phút giây vô cùng giá trị trong cuộc sống.

Có những năm ở trong cuộc sống có những khoảng cách xa hơn.

Em sang Pháp học, ông xã vào công tác trong TPHCM 3 năm em cũng thấy đấy chuyện bình thường.

Mọi người thì nhìn mình với còn mắt đầy cảm thông, thậm chí thương hại. Nhưng em và con trai sống ở riêng, đến năm cuối lại thêm bụng bầu trong khi đó chồng công tác ở TP.HCM.

Thực sự nói từ trong ra em thấy đó là bình thường.  Và sau năm đó em được phong hàm PGS.

Phải nói tôi rất ghen tỵ với bạn vì bạn đang là một người phụ nữ rất hạnh phúc. Tôi được biết ngoài công việc giảng dạy, bạn vừa mở một cửa hàng chung với những người bạn để kinh doanh, rất bận rộn. Vậy thì bạn làm sao công bằng giữa nhiều việc như thế với cuộc sống gia đình mình?

Em nghĩ trong cuộc sống có những giai đoạn và mình có những trọng tâm, ưu tiên khác nhau.

Ví dụ, con cái đến tuổi đi học cấp 2 chuyển cấp mình sẽ lo cho con cái nhiều hơn. Giai đoạn nào mà chồng cần sự hỗ trợ ủng hộ của mình mình lại phải có những cái chọn lựa phù hợp. Có giai đoạn nước rút, deadline phải hoàn thành, giáo án phải giảng ngay, đề tài phải nghiệm thu,…hay mình đứng ra tổ chức sự kiện cho khoa, cho trường thì phải có mũi nhọn dồn sức cho chuyện đó.

Còn những chuyện nhỏ hơn, trong gia đình em thích kéo con cái vào cuộc. Mình sẽ không một mình loay hoay, con thì chơi game, mẹ thì lau nhà. Khi trong nhà không có mối liên hệ, giao tiếp thì em nghĩ sẽ xa nhau hơn.

Trong khi đó với sự rủ rỉ chia sẻ, bố mẹ đóng vai trò khích lệ động viên, mình sẽ chấp nhận một vài sự vụng về khi cháu tham gia công việc nọ, công việc kia trong gia đình. Nhưng có vụng về mãi được đâu.

Ví dụ con trai em so với nhiều bạn cùng lứa có thể bé chưa biết làm việc này việc kia, nhưng em đánh giá rất cao việc sáng bé tự để chuông đồng hồ, ngủ dậy, bé tự chuẩn bị bữa ăn sáng nho nhỏ cho mình rồi xuống nhà bắt xe tuyến và đi đến trường.

Hay với bé 3 tuổi, bé có thể tự đánh răng, rửa mặt, thỉnh thoảng mẹ kiểm tra xem công việc diễn biến đó ra sao rồi. Nhưng cứ để bé tự thôi, bé đi vệ sinh hay có những gì khó thì mẹ có thể theo hoặc thỉnh thoảng bé làm nũng, mẹ hộ một tí. Thì thôi, hôm đó mẹ sẽ hộ. Mẹ sẽ ôm một cái và bảo ngày mai thì cố gắng làm việc đó một mình nhé. Dần dần mẹ cứ giúp xong mẹ lại nói thì đến một lúc nào bạn sẽ nghĩ đấy là việc của bạn.

Vậy trong việc dạy con, bạn có định hướng nào cho các cháu từ khi còn bé không?

Em nghĩ có những việc mình mong nhưng không làm được. Ví dụ bây giờ em mong mình cao thêm 20cm chắc chắn điều đó không thể xảy ra. Cũng như vậy thì cha mẹ sinh con, trời sinh tính.

Bạn thích học vẽ mà mẹ thích học nhạc, bạn đi theo lớp học nhạc của mẹ dắt vào sẽ không vui được bằng khi bạn ấy đang thích vẽ và bạn ấy học vẽ đúng theo năng lực sở trường bạn ý.

Em nghĩ mình chỉ đóng vai trò theo dõi, quan sát con xem năng lực sở trường của con phát huy ở chỗ nào. Và lúc phát hiện ra điều gì đó, dù là nhỏ bé mình cố gắng chọn được môi trường tốt để bé có thể phát huy được năng lực đó.

Cảm ơn Lưu Ly rất nhiều bởi vì những chia sẻ những câu chuyện liên quan đến gia đình bạn, đời sống của bạn. Chúc bạn càng ngày càng xinh đẹp. Tôi thấy bạn rất xinh đẹp và dễ thương. Không ngờ buổi trò chuyện ngày hôm nay rất gần gũi. Chúc cho sự nghiệp trồng người của bạn càng ngày càng tốt để một ngày gần đây không phải là PGS mà sẽ là GS trẻ nhất VN. Và tôi sẽ gặp lại bạn để chúng ta có buổi trò chuyện thú vị hơn nữa. Cảm ơn bạn rất nhiều!

Em cảm ơn chị Hà Sơn và cảm ơn quý vị đã rất trân trọng, nâng niu theo dõi chương trình!

Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất