Trò đùa tai hại của những bạn trẻ sốc nổi

Nhiều trò đùa của những bạn trẻ tưởng chừng như vô hại nhưng đã để lại những hậu quả nặng nề.

Chế ảnh

Chế ảnh hiện nay là một trong những trào lưu được cộng đồng mạng quan tâm nhất. Với sự phát triển của các trào lưu chế ảnh như rage comic, doraemon chế…. nội dung chế ảnh ngày càng được cộng đồng mạng làm phong phú và đa dạng thêm. Tuy nhiên dường như những câu chuyện hài hước, hay những câu nói “xuất thần” không còn được ưa chuộng để chế ảnh như trước nữa mà thay vào đó, cộng đồng mạng bắt đầu tìm kiếm thêm những nhân vật ngoài đời thực để làm nội dung cho những “tác phẩm” của mình.

Chắc hẳn nhiều bạn vẫn không thể quên được Phồng Tôm – một trong những nhân vật vẫn được cư dân mạng gọi là "thánh phồng”. Nhân vật này trên thực tế được dân mạng “biến tấu” ra từ bức ảnh của Phạm Minh Phú khi còn bị tạm giữ ở cơ quan công an vì tội trộm tài sản.

Ban đầu chỉ là những bức ảnh chế “cho vui” và bản thân Phú cũng nghĩ như vậy. Nhưng trên thực nó ngày càng ảnh hưởng xấu tới chính bản thân và gia đình Phú.


Ảnh của Phú bị đem ra "chế biến" với đủ thể loại

Trong bài viết mới nhất về Phồng Tôm thời gian gần đây, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phú và được biết do bị chế ảnh quá nhiều nên cuộc sống của Phú bị ảnh hưởng nặng nề, công việc kinh doanh thất bại, ra đường bị soi mói và đàm tiếu, xin việc cũng không ai dám nhận. Phú mong cộng đồng mạng dừng việc chế ảnh để được bình yên với cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo toan trước mắt. Đây là một trong những ví dụ điển hình về tác hại to lớn của trào lưu chế ảnh “quá trớn” của cộng đồng mạng.

Cũng phải nhắc đến một ví dụ đau xót nữa về tác động của việc chế ảnh đến đời sống xã hội. Đầu tháng 7 vừa qua nữ sinh (tên N.T.T.L) của trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội đã uống thuốc cỏ tự tử vì bị bạn cùng lớp chế ảnh rồi up lên facebook. Sự việc này sẽ không có gì quá to tát nếu như bạn nam kia không ghép ảnh của nữ sinh này vào một tấm ảnh cô gái mặc áo cổ rộng. Bạn bè trên facebook đã không những không thông cảm với L còn vào trêu và “đá đểu” cô bạn này. Bức xúc vì nghĩ mình bị “xúc phạm”, nữ sinh này đã uống thuốc diệt cỏ quên sinh gây ra sự bàng hoàng cho nhà trường và gia đình.


Di thư của nữ sinh tự tử vì bị ghép ảnh lộ ngực (Ảnh: Người lao động)

Một hành động tưởng chừng như vô hại nhưng đã lấy đi một mạng người, khiến cha mẹ L vô cùng đau đớn. Chua xót hơn, sự việc này lại xảy ra đúng vào thời điểm L chuẩn bị thi đại học. Ngưỡng cửa cuộc đời L chuẩn bị mở ra thì liền bị đóng sập vĩnh viễn chỉ bởi một trò đùa của bạn bè.

Nói gì thì nói, chế ảnh vẫn là một trào lưu khá thu hút của cộng đồng mạng. Tuy vậy những “họa sĩ” mạng cũng nên lưu ý về những hậu quả sẽ xảy nếu như đi quá đà. Đôi khi chỉ vì những bức ảnh vui mà sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bao người, thậm chí là cướp đi mạng sống như trường hợp của bạn L tại Thạch Thất, Hà Nội kia.

Nói xấu trên facebook

Facebook là nơi để mọi người giao lưu, liên lạc với nhau, nhưng nhiều teen đã biến đây thành công cụ để “làm màu”, “lấy le”. Thậm chí, nhiều facebooker còn dùng tài khoản cá nhân của mình để nói xấu, sỉ vả các bạn cùng trang lứa. Quy mô hơn, nhiều người còn lập hẳn những page chuyên đi bôi xấu, hạ nhục... người khác.




Những page anti như thế này rất dễ đẩy nhân vật chính vào chỗ nghĩ quẩn

Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ trào lưu lập page anti trước kia mà chúng tôi đã từng đề cập. Đây là trào lưu đang nở rộ thời gian qua, mang lại nhiều hệ lụy xấu. Đồng ý rằng có những bạn lối sống chưa tốt, chưa chuẩn mực nhưng việc lập page anti để bôi xấu, chế ảnh, bịa chuyện rồi hạ nhục người đó là một việc không nên, thậm chí vi phạm pháp luật. Độ lan tỏa của facebook ngày càng rộng rãi, nên nếu tâm lý không vững vàng, những bạn bị lập page anti dễ nghĩ quẩn mà chán nản, tự tử, bỏ học...

Mới đây, dư luận xã hội rúng động bởi vụ một nữ sinh Đà Nẵng uống thuốc ngủ an thần để tự tử vì bị nói xấu trên page “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành”. Tuy vậy may mắn là gia đình đã kịp phát hiện và đưa bạn nữ sinh này đi cấp cứu. Vụ việc dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho trào lưu lập page anti, nói xấu nhau trên facebook. Ở lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý chưa ổn đỉnh, các bạn trẻ rất dễ nghĩ quẩn. Chính vì thế những page anti, nói xấu như thế này sẽ trở thành mối hiểm họa khôn lường nếu không ngăn chặn kịp thời.

Sự việc tạm thời lắng xuống khi những admin của page anti này bị cơ quan công an xử lí. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những bạn teen trót dùng facebook để bôi xấu người khác. Hãy nhớ rằng, hành động trên thế giới ảo của bạn sẽ ảnh hưởng đến chính bạn ngoài đời thực.

Dùng điện thoại để khủng bố

Điện thoại ngày càng trở thành một phương tiện liên lạc không thể thiếu và nhiều teen bây giờ đã được bố mẹ trang bị cho những chiếc điện thoại đắt tiền ngay từ lớp 6, lớp 7. Thời gian vừa qua, truyền thông trong nước cũng liên tục đề cập đến một vụ việc gây xôn xao dư luận. Đó là việc ngày 31/7, công an thành phố Cần Thơ đã phạt cảnh cáo Lê Phạm Hướng Dương, SN 1992 vì hành vi gọi gần 500 cuộc đến trung tâm 113 để quấy rối, thóa mạ lực lượng chức năng trong 5 ngày. Bên cạnh đó, Dương còn dùng nhiều thuê bao khác nhau để gọi đến quấy rối các đường dây nóng 114, 115. Hành vi này khiến các đường dây nóng tại Cần Thơ luôn trong trạng thái bận, làm cơ quan chức năng không thể xử lí được các vụ việc nóng trên địa bàn.


Tin nhắn ma khủng bố khiến người nhận rợn tóc gáy

Tuy đây là vụ việc đầu tiên bị xử lí khi quấy rối các số điện thoại công cộng song tình trạng “khủng số” các đường dây nóng đã diễn ra trên địa bàn cả nước từ lâu. Có không ít trường hợp gọi đến đường dây nóng trên chỉ để... trêu hoặc “gọi cho vui”. Đáng trách hơn còn có trường hợp gọi đến đường dây 114 và báo cháy giả, khiến cả đội cảnh sát PCCC lên đường nhưng đến địa chỉ được báo mới phát hiện ra đây chỉ là một cú gọi không chính xác.

Ngoài ra nhiều teen còn rất thiếu ý thức trong việc dùng diện thoại khi gọi đến các tổng đài tư vấn của các nhà mạng chi để… trêu tư vấn viên. Chưa hết, nhiều teen còn lợi dụng điện thoại trở thành công cụ để khủng bố lẫn nhau. Từ các hình thức như nháy máy, gọi điện lúc nửa đêm hay nhắn tin tục tĩu… tất cả đều là những hành động vô cùng thiếu văn hóa. Lí do của các hành động này đôi khi chỉ là vì "rảnh rỗi sinh nông nổi", nhưng nó đã vô tình làm tác động đến cuộc sống và sinh hoạt của nhiều người.

Trêu đùa trên khuyết điểm của người khác

Chắc chắn cộng đồng mạng Việt Nam không còn lạ gì câu chuyện về “hot girl Thắm Tây” lan truyền trên mạng xã hội hơn 4 năm qua.

Năm 2008, trên các diễn đàn Việt Nam bắt đầu xuất hiện những bức ảnh chụp lại khoảnh khắc đùa nghịch của một teen girl. Một hình ảnh hết sức bình thường nhưng chỉ vì cô gái này có ngoại hình không ưa nhìn nên đã bị dân mạng bỡn cợt, trêu đùa và gắn cho mác “Hot girl Thắm Tây”, cùng nhiều biệt danh khác như “gái chảnh Hà thành”, “dân chơi Phú Thọ”….




Thắm Tây (Ngọc Anh) ngoài đời thực

Ban đầu chỉ là những topic nhỏ lẻ trên các diễn đàn, rồi hiện tượng Thắm Tây bùng nổ. Hàng trăm topic mọc lên trên các diễn đàn để bàn về mỉa mai, bỡn cợt cô nàng này. Sự việc này sẽ không có gì nếu như cô bạn kia không có chút khiếm khuyết về nhan sắc. Nhưng cộng động mạng lại vin vào cái cớ đó để lôi cô bạn này ra làm trò đùa suốt 4 năm trời. Sự thật cô bạn này tên Ngọc Anh và không hề có nickname nào là Thắm Tây như cư dân mạng gán gép.

Giữa năm 2012, Ngọc Anh đã lên mạng và viết một bức tâm thư gửi cộng đồng mạng: “Tôi biết tôi thô kệch, không ưa nhìn nhưng tôi mộc mạc, chân chất. Điều đó là sai ư? Tôi xấu nhưng không phải là các bạn lại vô tư dùng ảnh chụp của tôi để làm trò đùa mua vui. Tôi chỉ là một học sinh bình thường thôi mà, tại sao mọi người lại đối xử với tôi như vậy? Những tiếng đồn xấu, thất thiệt và sai lệch hoàn toàn đã khiến cuộc sống của tôi dường như địa ngục... Hết cấp 3, rồi đến những năm đại học, tiếng tăm xấu xí ấy vẫn không thể phai mờ, cứ khi mỗi khi lên mạng là tôi lại nghĩ đến những bức hình của tôi được đăng tải tràn lan, lời tự an ủi là mọi chuyện rồi sẽ được mọi người quên đi nhưng không phải vậy. Tôi cũng đành cam chịu, dần dần quên đi như bản năng của một người đã chịu khổ quen rồi".

Ngoài trường hợp Thắm Tây có thể kể đến nhiều điển hình khác trở thành nạn nhân của cộng động mạng Việt Nam chỉ bởi họ có khiếm khuyết về nhan sắc. Tiêu biểu phải kể đến Happy Polla, một cô gái người Thái Lan và cô gái được dân mạng phong là “Hot girl Big C”. Đây đều là 2 trường hợp trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của những trò đùa ác.


Happy Polla và câu chuyện về sự vô cảm, thiếu í thức của cộng đồng mạng Việt


 Hot girl BigC là cái tên mà cộng đồng mạng gán cho cô gái Hải Phòng này.

Khuyết điểm của người này vô tình lại trở thành niềm vui của người khác, thật chua xót và mỉa mai. Những trò đùa này đã phần nào thể hiện trình độ văn hóa, sự bồng bột và vô cảm của một bộ phận các bạn trẻ.

Theo Báo Đất Việt

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao