Từ clip anh không đòi quà đến tốc váy giữa đường

Những ngày qua, clip cô gái trẻ thản nhiên tốc váy giữa đường đã gây bão trong cộng đồng mạng.

Trước đó không lâu, cộng đồng mạng cũng ồn ào với những trào lưu như cởi đồ nhái clip Anh không đòi quà hay ăn mặc sexy khoe thân trong bếp giống Angela Phương Trinh... Tất cả đang gióng lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp trầm trọng trong đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Trong đoạn clip gây xôn xao cộng đồng mạng mới nhất dài 18 giây, cô gái điệu đà mặc áo đen bó sát và chiếc váy trắng xòe, được bạn chở đi bằng xe máy giữa đêm muộn. Dù đang đi trên đường và có khá nhiều xe phía sau, nhưng cô nàng vẫn thản nhiên tốc váy nhiều lần, để lộ cả nội y mà không chút e ngại.

Ngay sau khi clip này được đăng tải, có nhiều ý kiến trái chiều về hành động phản cảm này. Hàng loạt những bình luận có phần bức xúc, châm chọc... đã xuất hiện. Người thì đoán nhân vật say xỉn hoặc ngáo đá mới có những hành động như vậy. Người khác lại cho đây là một sản phẩm của những chàng trai chuyển giới - xuất hiện khá nhiều ở Kiên Giang - Rạch Giá, không phải là của một thiếu nữ.


Hình ảnh phản cảm này được cắt từ clip lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Nhưng dù có nhiều ý kiến và suy đoán khác nhau về thân phận của nhân vật chính trong clip, thì hành động tốc váy giữa đường của cô là thiếu ý thức và không thể chấp nhận. Nó là biểu hiện của lối sống lệch lạc, suy đồi đạo đức của một bộ phận lớp trẻ trong xã hội hiện nay.

Muốn thành những hot boy, hot girl, nhiều bạn trẻ không ngần ngại khoe thân, tạo scandal để nổi tiếng. Không ít bạn trẻ đua theo bà Tưng, Angela Phương Trinh thi nhau cởi đồ rồi tung lên mạng, làm những chuyện trái với văn hóa, thuần phong mỹ tục. Điều đáng buồn, nó lại đang trở thành trào lưu trong một bộ phận giới trẻ.

Những tháng vừa qua, clip Anh không đòi quà của Karik và OnlyC đã tạo nên một cơn sốt vượt ra ngoài biên giới của âm nhạc. Từ khi xuất hiện, nó đã tạo nên một làn sóng các bạn trẻ trên khắp cả nước đua nhau chế lại thành các phiên bản khác nhau và đưa lên mạng, thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận trên khắp các diễn đàn. Hiện tượng anh không đòi quà đã phản ánh khá trung thực về mối quan tâm, nhận thức của giới trẻ hiện nay.

Bên cạnh đó, nạn bạo lực học đường, bạn bè đánh nhau (cả nam lẫn nữ), thầy trò đánh nhau đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề lối sống và đạo đức của một bộ phận giới trẻ.

Khi được hỏi về trách nhiệm của nhà trường đến đâu trong việc uốn nắn, rèn luyện nhân cách học sinh, trang bị cho các em những gì để làm hành trang bước vào đời, hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận: “Đó là trách nhiệm thuộc về nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường thường chú trọng tới nền nếp kỷ cương với những nội quy, những bài học giáo huấn, không chú ý đến hành vi ứng xử thực tế.

Chương trình sách giáo khoa quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách cho học sinh. Cộng với phía gia đình chưa sát sao phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con cái. Do vậy, các em thiếu những kỹ năng sống khi bước vào đời”.


Ảnh từ clip Anh không đòi quà phiên bản Thái Nguyên.

Theo NGƯT-TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc một bộ phận giới trẻ hiện nay đang chạy theo những trào lưu khoe thân, cởi đồ hay nạn bạo lực đang gia tăng trong giới trẻ là một hiện tượng không ai mong muốn xảy ra, là một sự việc đáng buồn trong khi chúng ta đang tích cực lo đổi mới giáo dục. Thế nhưng, không chỉ vì một vết bẩn mà đánh giá cả một bức tranh.

Cách nhìn nhận đánh giá đó không bao giờ đúng, chỉ là phiến diện. Có nhiều bạn trẻ vẫn là những tấm gương sáng về tài năng và nghị lực phi thường trong cuộc sống. Điều quan trọng là nhà trường, gia đình cần định hướng, trang bị cho các em những kỹ năng sống để các em biết cách chọn lọc thông tin tốt, xấu trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.

Theo Lao Động

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao