'Jurassic World: Fallen Kingdom': Còn quá nhiều điều tiếc nuối đằng sau một tượng đài điện ảnh

Ra mắt tại Việt Nam đầu tháng 6, phần 2 "Jurassic World" được nhiều nhà phê bình đánh giá cao hơn phần 1, nhưng tác phẩm thực chất vẫn khiến không ít người xem lắc đầu thất vọng.

4 năm sau thảm họa Công viên kỷ Jura, rất nhiều khủng long vẫn còn sống sót và tồn tại trên hòn đảo nhỏ nằm trơ trọi giữa biển cả mênh mông.Thế nhưng, tính mạng của chúng lại một lần nữa bị đe dọa bởi ngọn núi lửa phun trào, trực chờ nhấn chìm mọi thứ bất cứ lúc nào.

Sự trở lại chóng vánh của “cặp đôi nhạt nhẽo” Owen - Claire tới công viên khủng long

Jurassic World: Fallen Kingdom có cách mở đầu khá hợp lý khi để nhóm nhân vật chính trở về Isla Nublar với nhiệm vụ giải cứu loài khủng long khỏi mối họa tuyệt chủng. Lần này, dưới sự ủy thác của gia đình Lockwood - nhà tài phiệt với khối tài sản khổng lồ và ước muốn tái sinh một thế giới riêng dành cho loài khủng long, Claire (Bryce Dallas Howard) lần nữa tới tìm Owen (Chris Pratt) để nhờ anh giúp đỡ.

Cuộc gặp gỡ có chút “chán đời” nơi quán rượu khiến người hâm mộ không khỏi thắc mắc: Rốt cuộc thì cặp đôi tưởng “tình bể bình” ấy đã làm cái quái gì trong suốt 4 năm qua?

Và thế là, dẫu ban đầu không nguyện ý, Owen vẫn có mặt tại chiếc máy bay nơi đoàn thám hiểm của Claire lên đường tới hòn đảo Isla Nublar. Bỏ qua mối quan hệ lỏng lẻo của các nhân vật xuất hiện trong chuyến đi: một cô nàng quản lý công viên mất chức, một cô nữ bác sĩ cá tính, một anh chàng hacker nhút nhát, một gã huấn luyện khủng long và nhóm thợ săn máu lạnh, hành trình trở về với Công viên kỷ Jura của nhóm người cũng không đặc sắc như người xem mong đợi.

Nếu như phần 1 của Jurassic World hạ gục người xem bởi những cảnh quay hùng vĩ, mãn nhãn, trên một hòn đảo với thiết bị kỹ thuật hiện đại, những sinh vật khổng lồ từ xa xưa cùng chung sống, vui chơi và chịu sự điều khiển của con người thì ở phần 2 lại không phải vậy.

Tất cả còn lại sau sự cố cách đó 4 năm chỉ là một tòa nhà đổ nát, hoang phế, những sinh vật to lớn hoặc tự do đi lại, hoặc ẩn nấp khắp nơi theo bản năng sẵn có. Thế nhưng, sự tồn tại thuần tự nhiên ấy một lần nữa bị con người phá bỏ một cách quá dễ dàng.

Không phải cuộc rượt đuổi, cắn xé gay cấn từ những con khủng long, cũng chẳng có nhiều trận chiến đáng sợ giữa loài sinh vật khổng lồ thông minh, khát máu với con người, dường như trùm phản diện lúc này chỉ có lũ người đi săn và dòng nham thạch nóng bỏng. Chẳng hiểu tại sao những con khủng long bạo chúa to xác, hoang dã với hàm răng sắc nhọn lại dễ dàng bị con người khống chế, cẩu lên ô tô để mang ra khỏi hòn đảo.

Và lẽ dĩ nhiên, bởi núi lửa phun trào nên đừng nói đến chuyện cả nhóm sẽ qua đêm ở Isla Nublar để truy tìm các loài sinh vật quý hiếm, bởi lẽ hòn đảo đã sớm bị nhấn chìm chỉ trong một nốt nhạc.

Phát triển kịch bản có phần hụt hẫng và không mấy mới lạ

Thực chất, khán giả chỉ được trở về với Công viên khủng long trong khoảng thời gian ngắn ngủi chưa tới nửa tiếng đầu phim. Không gian ở phần còn lại thì liên tục bị bó hẹp. Đầu tiên là con tàu chật chội chứa toàn khủng long, những chiếc lồng sắt giam giữ loài khát máu đến quay đầu cũng khó khăn tới căn hầm trong dinh thự nhà Lockwood - điểm đến cuối cùng trước khi mỗi con được rao bán như một món hàng.

Nếu như ở phần trước, khán giả run bắn khi chứng kiến khiếp sợ mang tên chú khủng long bạch tạng Indominus - cỗ máy giết người cực kỳ to lớn và khát máu hay sự nổi dậy của bất kỳ sinh vật ăn thịt nào thì trong phần này, tất cả có vẻ im lặng và hiền lành hơn khi …bị giam giữ bởi thuốc mê và những chiếc lồng sắt.

Không còn là lý thuyết suông, đàn khủng long được đưa đến đây để phục vụ cho việc mua bán đấu giá, trở thành thú cưng cho những đại gia giàu có, quyền lực.

Những sinh vật khổng lồ của ngày hôm nay đều là sản phẩm của quá trình tái sinh và nuôi dưỡng nhân tạo, phục vụ cho mục đích riêng của con người - Đó chính là hướng phát triển rõ ràng ở kịch bản Jurassic World: Fallen Kingdom, cũng là cách để hợp lý hóa việc con người bỏ ra tâm sức lai tạo những loài khủng long mới ngày càng nguy hiểm.

Tuy nhiên, điều này dường như đã xuất hiện đầy dãy trong các bộ phim về siêu quái vật, đột biến gen công chiếu ở những năm gần đây, chẳng còn đủ sức cuốn hút, hấp dẫn khán giả.

Mặt khác, việc chúa tể bị nhốt trong lồng, chịu cảnh cầm tù, mua đi bán lại như một món hàng chẳng những không đem đến tâm lý hào hứng, thỏa mãn mà ngược lại, nó mang lại cho khán giả cảm giác… “mông lung như một trò đùa”. Loài khủng long oai vệ và to lớn - những sinh vật khát máu bất khả chiến bại, không bao giờ biết lùi bước trong quá khứ đâu rồi?

Không gian thu nhỏ, còn đâu những cảnh quay hoành tráng, mãn nhãn?

Chưa hết hụt hẫng vì hòn đảo nguyên sinh Isla Nublar bị nhấn chìm ngay đoạn đầu phim, người xem lại “á khẩu” khi biết rằng tất cả cảnh quay còn lại của Jurassic World: Fallen Kingdom đều gói gọn trong dinh thực nhà Lockwood.

Mà suy cho cùng, cảnh đàn khủng long cùng con người đua nhau chạy trốn khỏi dòng nham thạch nóng bỏng và tiếng thét của con vật ăn cỏ khổng lồ Apatosaurus trước khi chìm xuống đáy biển cũng chính là cảnh tượng bi tráng nhất, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả.

Sau đó thì sao? Toàn bộ lũ khủng long được “cất gọn” trong tầng hầm nhà Lockwood để chuẩn bị đem ra trưng bày và đấu giá. Trong những chiếc lồng giam chật hẹp chẳng thể ngẩng cao đầu, loài sinh vật nguy hiểm bậc nhất lại trở nên nhỏ bé, vô hại một cách đáng thương.

Sản phẩm đáng sợ nhất do tiến sĩ Henry Wu tạo ra - con khủng long Indoraptor dường như cũng có phần khá nhỏ. Hội tụ nhiều khả năng của một loài thú săn mồi thông minh và máu lạnh, nhưng “đất diễn” của Indoraptor lại không nhiều, các cảnh quay hầu hết thực hiện ở trời tối, trong nhà hoặc… trên mái nhà, khó lòng toát lên kỹ xảo hoành tráng, đẹp mắt như phần phim trước.

Nhiều tình tiết vô lý đến không tưởng

Toàn bộ dàn nhân vật chính đều được nữ thần may mắn bảo hộ - đó hẳn là điều mà vô số khán giả phải thừa nhận khi thưởng thức Jurassic World: Fallen Kingdom. Đạo diễn J. A. Bayona tiếp tục cho nhân vật “đi từ may mắn này đến may mắn khác”, thậm chí còn hào phóng trao “bàn tay vàng” cho nhiều người hơn hẳn ở phần 1. Thế nên, việc nhân vật cứ thoát nạn an toàn không chút sứt mẻ từ đầu đến cuối bộ phim khiến khán giả ngạc nhiên đến khó chịu.

Xem phim, khán giả sẽ phải “mắt chữ A, miệng chữ O” vì nhân vật quá mức may mắn, thậm chí may mắn đến vô lý. Mọi khó khăn, thử thách đều được giải quyết một cách dễ dàng đến không tưởng, tạo cảm giác phải chăng đoàn phim đang muốn đùa giỡn người xem.

Có khá nhiều tình tiết vô lý xuất hiện trong bộ phim, ví dụ như làm thế nào để lượng thợ săn ít ỏi có thể bắt được ngần ấy khủng long trong một thời gian ngắn, làm sao để đưa những sinh vật khổng lồ đang ngủ say ấy lên xe, khóa lại và vận chuyển đi dễ dàng? Trên hết, làm sao người ta có thể mang lũ khủng long vượt qua mọi sự kiểm tra để nhét hết xuống tầng hầm trong dinh thực nhà Lockwood?

Bên cạnh đó, cảnh rượt đuổi giữa trời tối của nhóm người Owen với con khủng long lai tạo Indorapter cũng không thực sự làm hài lòng khán giả. Đặc biệt, ở cuối phim, vì muốn tạo ra một kết thúc mở mà đạo diễn đã để nhân vật làm ra một chuyện khá bất ngờ.

Cái kết tưởng chừng mang tính nhân văn nhưng thực chất không hề giải quyết được vấn đề, thậm chí biến lũ khủng long sống sót thành mầm tai họa. Rốt cuộc, hàng loạt dấu hỏi đặt ra trong đầu người xem, tạo cảm giác “chẳng đâu vào đâu”, không đủ thỏa mãn.

Đối với không ít khán giả, Jurassic World: Fallen Kingdom không thật sự xuất sắc, thậm chí chẳng thể tạo được một vài điểm nhấn về kỹ xảo, không gian như phần 1 đã làm được. Tuy nhiên, nhìn bằng con mắt dễ dàng hơn, đây cũng được xem là tác phẩm thú vị để thư giãn cùng với gia đình, bạn bè.

Còn việc có nên kéo dài loạt phim công viên khủng long theo hướng đi hiện tại hay không, đây ắt hẳn còn là câu hỏi đối với đoàn phim, chưa thể có ngay lời giải đáp.


Theo SaoStar


Jurassic World phim chiếu rạp

Tin tức mới nhất