Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá 'thành phố kỳ lạ' nhất Thổ Nhĩ Kỳ

Khi đến Istanbul, Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte từng thốt lên rằng: "Nếu thế giới này là một đất nước, Istanbul sẽ là thủ đô".

Được xem như là ngã tư của các nền văn minh thế giới, Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên cả hai châu lục Á và Âu.

Istanbul từng là thủ đô của nhiều đế chế hùng mạnh như La Mã, Byzantine và Ottoman. Ngày nay, đây là thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ với dân số hơn 15 triệu người.

Dù không phải thủ đô chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Istanbul vẫn được coi là "thủ đô lịch sử", một trung tâm văn hóa, kinh tế, tài chính quan trọng nhất của đất nước.

Anh Nguyễn Đức Hùng (du khách đến từ Hà Nội) mới đây đã có chuyến du lịch khám phá Thổ Nhĩ Kỳ. Du khách này đã chia sẻ những điều thú vị và bất ngờ về Istanbul  - thành phố được mệnh danh là "kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ".

Nhà thờ Hồi giáo Hagia Sophia

Có hơn 3000 nhà thờ Hồi giáo lớn nhỏ, cũ và mới ở Istanbul. Tuy nhiên, nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng nhất là Hagia Sophia nằm ở khu Sừng Vàng. Được hoàn thành vào năm 537 và trong hơn 1 ngàn năm liên tiếp đây là nhà thờ Thiên Chúa giáo lớn nhất thế giới.

Từ giữa thế kỷ 15, đế chế Ottoman thay thế đế chế Byzantine, nhà thờ Hagia Sophia được biến đổi thành nhà thờ Hồi Giáo sau khi xây thêm 4 ngọn tháp.

Một điều đặc biệt là các tranh thánh của đạo Thiên Chúa trong nhà thờ từ xa xưa không bị xóa bỏ mà vẫn giữ nguyên. Đây là nhà thờ duy nhất trên thế giới cả người theo đạo Hồi và đạo Thiên Chúa đều có thể vào cầu nguyện.

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-1
Mặt sau của nhà thờ Hagia Sophia (Ảnh: Đức Hùng).

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-2
Tranh thánh trên mái vòm của Hagia Sophia vẫn được giữ nguyên dù được chuyển từ nhà thờ Thiên Chúa giáo sang nhà thờ Hồi giáo (Ảnh: Đức Hùng).

Với kiến trúc khác hẳn các ngôi nhà thờ khác ở Tây Âu, Hagia Sophia là một biểu tượng cho kiến trúc Byzantine nhờ vào mái vòm cao rộng không có các cột đỡ, các cánh cửa gạch hình vòng cung và màu sắc riêng biệt.

Công trình xây dựng nhà thờ được đánh giá là đã thay đổi lịch sử của ngành kiến trúc thế giới. Các nhà thờ Hồi giáo của đế chế Ottoman sau này đều mô phỏng kiến trúc của nhà thờ Hagia Sophia.

Thánh đường Xanh

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-3
Bên trong sân của Thánh đường Xanh (Ảnh: Đức Hùng).

Được xây dựng năm 1609, đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn và đẹp nhất thế giới.

Nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed là tên chính thức nhưng gạch ốp tường, nội thất và các cửa sổ mầu xanh của nó khiến người ta gọi nó là Thánh đường Xanh.

Thánh đường chính được xây dựng theo kiểu xếp tầng giật cấp hướng lên với hệ thống mái vòm và bán vòm. Mỗi mái gồm ba vòm thấp, trên cùng là một vòm lớn bao quanh với đường kính 23,5m và đỉnh cao nhất là 43m.

Người ta đã sử dụng hơn 20.000 viên đá lát bằng gốm với họa tiết là thiết kế của hơn 50 loại hoa tulip khác nhau để trang trí nội thất của thánh đường.

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-4
Mái vòm của Thánh đường Xanh. Có tất cả 260 cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên cho thánh đường (Ảnh: Đức Hùng).

Kiến trúc Thánh đường Xanh là một tuyệt tác đỉnh cao với sự kết hợp hài hòa đến hoàn hảo của phong cách kiến trúc nhà thờ Hồi giáo triều đại Ottoman và phong cách kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa giáo thời Byzantine.

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-5
Tác giả chụp ảnh trước Hagia Sophia.

Hagia Sophia và Thánh đường Xanh là hai địa danh quan trọng nhất của Instanbul, hàng năm thu hút hơn chục triệu khách du lịch.

Du khách không mất tiền mua vé vào tham quan nhưng phải để giầy ở bên ngoài và phụ nữ phải có khăn trùm đầu (có thể mượn và trả ở cửa ra) do đây là nơi thờ tự, người dân vẫn hàng ngày vào cầu nguyện.

Cung điện Topkapı

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-6
Cổng vào một trong 4 khu của cung điện Topkapi rộng lớn (Ảnh: Đức Hùng).

Nằm gần với quần thể Thánh đường Xanh và Hagia Sophia là Cung điện Topkapı, nơi làm việc và ở của các vị vua (Sultan) Ottoman trong khoảng 400 năm (1465-1856) trong triều đại kéo dài 624 năm của họ.

Cung điện rất rộng, được xem như một thành phố thu nhỏ của triều đình. Bên trong đó có rất nhiều những khu vực như nhà thờ Hồi giáo, nhà bếp, bệnh viện, tiệm làm bánh, cơ sở đúc tiền, nơi làm việc và khu vui chơi tiêu khiển… Cuộc sống hoàng gia hơn 500 năm về trước như hiện ra trước mắt tôi.

Sau khi Đế quốc Ottoman sụp đổ, năm 1924, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã biến cung điện thành viện bảo tàng lưu giữ những di tích còn sót lại của một triều đại.

Các bộ sưu tập vũ khí, trang sức, tranh và các chiến lợi phẩm từ các cuộc thập tự chinh của các vị vua Ottoman hiện đang được trưng bày tại đây. Để xem được hết thành phố thu nhỏ này bạn cần ít nhất một ngày.

Chợ Grand Bazar

Từ khi thành lập ở giữa trung tâm Istanbul cổ năm 1461, khu chợ đóng một vị trí quan trọng trong buôn bán thông thương giữa châu Á và châu Âu.

Có tất cả 61 con đường và hơn 3000 quầy hàng bán các đồ quần áo, trang sức, nội thất, thảm, đồ gốm sứ, bánh kẹo và tất cả do đàn ông đứng buôn bán. Năm 2022, khoảng 40 triệu khách du lịch và người dân đã ghé thăm ngôi chợ còn được coi là trung tâm thương mại đầu tiên của thế giới này.

Ngày nay, Grand Bazaar được mở rộng, không chỉ giới hạn dưới những mái vòm của khu chợ cũ mà còn lan ra cả những con phố lân cận.

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-7
Tất cả công việc buôn bán ở khu chợ đều do đàn ông đảm nhiệm (Ảnh: Đức Hùng).

Sau khi lượn quanh khu chợ, mua vài hộp kẹo dẻo làm quà lưu niệm, du khách có thể ngồi nhâm nhi ly cà phê và nói chuyện với chủ quán trong chợ để cảm nhận rõ hơn hơi thở cuộc sống năng động của Istanbul, xưa và nay.

Du khách khi mua bán bất kỳ đồ gì ở đây phải mặc cả và đó cũng được coi là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách khi đến thăm chợ.

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-8
Một khu chợ cổ khác có tên Spice Bazar (chợ Gia vị) có quy mô nhỏ hơn nằm cách Grand Bazar vài con phố cũng là một điểm hút khách du lịch. Spice Bazar được xây dựng năm 1660 và là điểm dừng cuối cùng của con đường tơ lụa huyền thoại (đi qua Trung Quốc, Ba Tư - Iran ngày nay, Ấn Độ, Ai Cập) (Ảnh: Đức Hùng).

Cầu Galata

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-9
Vào những ngày cuối tuần, cây cầu Galata thu hút hàng trăm người dân địa phương đến câu cá từ sáng đến tối như một thú vui (Ảnh: Đức Hùng).

Sau khi tham quan Istanbul cổ, tôi đi bộ qua cây cầu Galata sang bên khu Istanbul mới, nơi được nhiều người nước ngoài, những người không theo đạo Hồi sinh sống và làm việc. Các nhà hàng, khách sạn và quán cà phê nổi tiếng nhất Istanbul cũng nằm ở khu vực này.

Du khách nước ngoài đến đây thường dành thời gian lang thang ở những con phố và ngõ nhỏ xung quanh khu vực Tháp Galata. Khi được xây dựng vào năm 1348, Tháp Galata là công trình cao nhất ở Istanbul với 9 tầng tháp cao 67m.

Sau này công trình được người Ottoman sử dụng làm tháp quan sát để phát hiện hỏa hoạn. Từ ngọn tháp này có thể quan sát được eo biển Bosphorus và khu Istanbul cổ.

Khách Việt ngỡ ngàng sau 48h khám phá thành phố kỳ lạ nhất Thổ Nhĩ Kỳ-10
Khách du lịch thích tản bộ trên các con phố nhỏ quanh khu vực Tháp Galata (Ảnh: Đức Hùng).

Gần Tháp Galata là con phố mua sắm Ist­iklal (tiếng Việt có nghĩa là Độc lập) của quận Taksim. Con phố dài 1,5km bắt đầu từ khu vực gần Tháp Galata tới quảng trường Taksim luôn tấp nập từ sáng đến tối.

Bạn sẽ bắt gặp các con tầu điện cổ có tuổi đời hàng trăm năm vẫn chạy qua con phố với căn nhà được xây dựng từ thời Đế chế Ottoman. Các nhà thờ thiên Chúa giáo cũng như Hồi giáo và ngôi trường cấp 2 mang tên Galatasaray thành lập năm 1481, ngôi trường cấp 2 lâu đời nhất Thổ Nhĩ Kỳ, cũng nằm trên phố này.

Đi lại ở Istanbul

Istanbul là một trong 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Đường phố Istanbul hẹp, tắc đường từ sáng đến tối và tất cả các ngày trong tuần nên cách tốt nhất để đi tham quan các điểm du lịch chính trong thành phố là đi bộ và tàu điện nổi (có đường riêng).

Thời gian tốt nhất để đi du lịch Istanbul là từ tháng 4 đến tháng 11 khi thời tiết mát mẻ.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/du-lich/khach-viet-ngo-ngang-sau-48h-kham-pha-thanh-pho-ky-la-nhat-tho-nhi-ky-20230816163700820.htm

Du lịch

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao