Khung hình phạt nào cho những người giúp đỡ 2 tử tù bỏ trốn khỏi trại giam T16?

Nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi của một số người liên quan đến việc tiếp sức cho 2 tử tù Thọ "Sứt" và Nguyễn Văn Tình trốn chạy, những cá nhân này sẽ bị xử lý hình sự.

Theo tài liệu của CQĐT, đêm ngày 10/9, Thọ và Tình được nhà chức trách phát hiện trốn khỏi trại tạm giam T16 Bộ Công an. Sau khi trốn khỏi trại giam, 2 tử tù đã đến nhà ông Tuân (anh họ Tình) mượn xe máy. Khi mọi người hỏi vì sao được về, Tình đáp được Nhà nước thả.

Di chuyển cùng nhau một quãng đường, 2 đối tượng này quyết định tách nhau, mỗi người một hướng. Về phía Tình, sau khi tìm về nhà, y được gia đình tiếp tế cho 20 triệu. Có tiền trong tay, Tình mua điện thoại và các sim điện thoại để tiện liên lạc.

Khung hình phạt nào cho những người giúp đỡ 2 tử tù bỏ trốn khỏi trại giam T16?-1
Đối tượng tại cơ quan công an

Thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thị M. (mẹ Tình) cho biết: “Khoảng 4h sáng 11/9, Tình về nhà gọi cửa. Nhìn thấy Tình trở về, người thân ai cũng sững sờ, vừa mừng vừa sợ. Tôi hỏi tại sao con về thì được thì Tình đáp: Con muốn sống, con không muốn bị tử hình nên đã trốn trại. Dứt lời, Tình chạy lên phòng lấy vài bộ quần áo rồi đi luôn. Cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con chỉ khoảng 10 phút”.

Sau nhiều ngày vượt ngục, nhà chức trách tiếp nhận thông tin đối tượng Tình xuất hiện tại địa bàn tỉnh Hòa Bình, hiện di chuyển về hướng biên giới (tỉnh Sơn La).

Trước tình huống cấp bách, Bộ Công an khẩn trương triển khai lực lượng phối hợp cùng CA tỉnh Hòa Bình, CA tỉnh Sơn La “giăng lưới” nhằm tóm gọn đối tượng.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tới 1h45 ngày 17/9, cơ quan chức năng đã bắt giữ được Nguyễn Văn Tình tại một lán trông nương (thuộc địa phận xã Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình).

Trong khi đó, về phần Thọ, ra khỏi trại giam, y lập tức đi tìm chị L. (người tình) để tâm sự. Sau khi đòi được nợ ở một số nơi, y nhờ chị L. mua giúp điện thoại cùng nhiều sim rác nhằm chuẩn bị cho cuộc trốn chạy.

Tuy nhiên chưa thực hiện được ý đồ của mình, y đã bị cơ quan chức năng khống chế và bắt giữ vào chiều tối ngày 16/9 tại quê nhà Hải Dương.

Liên quan đến câu chuyện những người giúp 2 tử tù chạy trốn sẽ bị xử lý thế nào? PV báo Gia đình và Xã hội đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Theo luật sư Cường, đối với những cá nhân có hành vi giúp đỡ hai tử tù bỏ trốn khỏi trại giam T16 Bộ Công an có thể sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, xử lý những người liên đới ở mức độ nào còn phải phụ thuộc vào việc CQĐT làm rõ các tình tiết buộc tội về hành vi trốn chạy của Thọ và Tình.

Cụ thể, đối với trường hợp của chị L., nếu chị này biết Thọ đang trong quá trình trốn khỏi nơi giam giữ mà vẫn cố tình che giấu, giúp đỡ đối tượng thực hiện hành vi, vi phạm pháp luật thì CQĐT có thể khép chị L. có hành vi che giấu tội phạm hoặc hành vi không tố giác tội phạm.

Cụ thể, Điều 313, Bộ luật hình sự (Tội che giấu tội phạm) và Điều 314, Bộ luật hình sự (Tội không tố giác tội phạm) quy định người che giấu hoặc người không tố giác tội phạm chỉ bị xử lý hình sự nếu người phạm tội bị xử lý theo Khoản 2, Điều 311, Bộ luật hình sự (Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử).

Vì vậy, nếu Lê Văn Thọ bị cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội theo Khoản 1, Điều 311, Bộ luật hình sự thì bạn gái của Thọ không phạm tội. Nếu Thọ bị buộc tội vào khoản 2, Điều 311, Bộ luật hình sự thì bạn gái của Thọ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.

Nhưng để có thể xử lý được L. về tội danh trên, cơ quan chức năng cần phải chứng minh được những việc làm của cô này tiếp sức cho Thọ “Sứt” trong quá trình trốn chạy.

Đối với tài xế taxi chở Thọ “Sứt”, tại cơ quan điều tra người này khai nhận mình không biết Thọ là tử tù đang chạy trốn. Nếu các cơ quan chức năng xác định được lời khai này là đúng thì tài xế taxi này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến Thọ.

Trong trường hợp của tử tù Nguyễn Văn Tình thì mẹ của Tình dù không tố giác Tình vẫn được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2, Điều 314 Bộ luật hình sự.

Trường hợp ông Tuân (anh họ của Tình), sẽ có 2 tình huống xảy ra. Thứ nhất, ông Tuân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như ông thực sự không biết Tình trốn trại hoặc Tình chỉ bị xử lý theo Khoản 1, Điều 311 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được hành vi của ông Tuân, chị L. và bà M. không thỏa mãn dấu hiệu tội phạm về Tội che dấu tội phạm và Tội không tố giác tội phạm theo Điều 313 và 314 Bộ luật hình sự thì cũng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 167/2013.

Theo đó, mức phạt đối với người vi phạm là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng về hành vi "cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức".
 

Theo Gia đình & Xã hội


tử tù trốn trại

Tin tức mới nhất