Đòi xuất khẩu tro cốt người Việt Nam để chế kim cương

Trước đề nghị lạ, chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh, Cục Hải quan TP HCM đành báo cáo để Tổng cục Hải quan “biết, có ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể”.

Cục Hải quan TP HCM đang không biết xử trí như thế nào khi một doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn các thủ tục về hải quan để xuất khẩu tro hỏa táng của người quá cố và nhập khẩu mặt hàng kim cương nhân tạo được làm từ tro hỏa táng của người quá cố đó.

Công ty đứng tên kinh doanh dịch vụ này là một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong văn bản gửi đến Cục Hải quan TP HCM, doanh nghiệp đề cập “dự định kinh doanh mặt hàng kim cương nhân tạo được tổng hợp từ  tro cốt hỏa táng người quá cố”.

Theo quy trình mà công ty này đề xuất, công ty sẽ nhận tro hỏa táng từ khách hàng có yêu cầu, sau đó gửi tro qua công ty mẹ tại Thụy Sĩ để tổng hợp thành kim cương nhân tạo. Viên kim cương làm từ tro hỏa táng mang thương hiệu doanh nghiệp, sau đó được vận chuyển về Việt Nam để giao cho khách hàng.

Nhiều viên kim cương nhân tạo thực chất chỉ là đá tổng hợp bị “thổi giá”.
 Ảnh minh họa

Trước đề nghị lạ, chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh, Cục Hải quan TP HCM đành  báo cáo để Tổng cục Hải quan “biết, có ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể”.

Theo một số nguồn tin, việc tổng hợp kim cương nhân tạo từ tro hỏa táng của người quá cố đã được công ty mẹ của doanh nghiệp này triển khai tại Thụy Sĩ từ năm 2004.

Cơ sở khoa học được mô tả là do tro cốt và kim cương cùng là hai dạng của carbon. Kim cương được tạo thành từ những khoáng vật có chứa carbon dưới nhiệt độ và áp suất rất cao. Vì thế, người ta có thể chế tạo kim cương bằng cách đưa carbon tự nhiên vào môi trường có áp suất và nhiệt độ cực cao.

Trong cơ thể người có 20% là carbon. Lượng tro carbon thu được khi thiêu xác sẽ được làm sạch rồi đưa vào phòng thí nghiệm để tinh chế. Trong điều kiện áp suất 80.000 atmosphere và nhiệt độ 3.000 độ C tro carbon kết dính vào nhau và tạo ra chất graphite. Chất này được đưa vào một máy ép để ép lại thành các viên kim cương thô. Cuối cùng chúng được mài và tạo hình theo yêu cầu của gia đình. Màu sắc của các viên kim cương nhân tạo được tổng hợp từ tro hỏa táng của người quá cố tùy thuộc vào các chất hóa học có trong cơ thể người quá cố.

Chi phí cho việc tổng hợp kim cương nhân tạo này không được tiết lộ công khai nhưng theo các nguồn tin thì mức khởi điểm từ 5.000 Euro.

Một số tài liệu chưa được kiểm chứng, chủ tịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lạ này từng là chuyên gia công nghệ thông tin. Ông tìm thấy cơ hội kinh doanh kim cương nhân tạo sau khi gặp một nhà hóa học Nga, người đã giải thích về cách chế tạo kim cương từ carbon trong phòng thí nghiệm. Thị trường đầu tiên mà ông hướng đến là Nhật Bản, nơi mà việc hỏa táng người chết khá phổ biến vì thiếu đất.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giá thành của kim cương nhân tạo rất cao, do việc tạo ra môi trường giống như tự nhiên để cho ra đời kim cương nhân tạo vô cùng tốn kém và đắt hơn cả kim cương thiên nhiên nên thị trường trang sức thế giới rất hiếm khi dùng kim cương nhân tạo.

Những kim cương nhân tạo được quảng cáo rầm rộ trên thị trường, thực chất hầu hết chỉ là đá tổng hợp, thường là đá Zirconia (đá CZ) hay Moissanit, được bàn tay con người xử lý để vươn đến độ lấp lánh, độ trong, cứng và đẹp mắt gần như kim cương thật hay kim cương nhân tạo, song kém rất xa về độ bền. Giá của đá Zirconia thấp hơn viên kim cương cùng loại khoảng 1.000 – 2.000 lần và giá của Mossanit thấp hơn kim cương tự nhiên 15 - 20 lần, nhưng thường được quảng cáo sai lầm là kim cương nhân tạo để "thổi giá" cao lên.

Theo Pháp luật Việt Nam

Tin tức mới nhất