Thú chơi “siêu” dị, “siêu” nguy hiểm: Nuôi rắn trong nhà

Dù đã có không ít vụ việc chết người do bị trăn, rắn gây ra nhưng hiện thú chơi nuôi trăn, rắn làm cảnh đang được nhiều người ưa chuộng.

Thú chơi siêu dị

Trăn, rắn là loài bò sát rất nguy hiểm bởi, chúng có thể tấn công hoặc giết chết người bằng thứ nọc độc đáng sợ.


Theo những người chơi, rắn với bản năng săn mồi cùng nọc độc nguy hiểm nên ít người nuôi. Trăn là loài được ưa chuộng hơn bởi chúng không có nọc độc. Tuy nhiên, với kích thước khổng lồ, một vài loài chăn rất nguy hiểm với trẻ nhỏ, vật nuôi trong gia đình. Những vết cắn do trăn gây ra cũng có khả năng nhiễm trùng cao.

Ở Việt Nam,năm 2007, một chú trăn nuôi nặng trên 40kg đã cuốn chết chủ nhân của nó ở Kiên Giang hay từng có trường hợp trăn được nuôi làm vật cưng đã “tiêu hóa” một chú chó của khổ chủ. Ở Mỹ, một con trăn cảnh Myanmar đã từng cuốn chết một em bé 2 tuổi gây hoang mang dư luận.

Đó là những minh chứng cho thấy, nguy hiểm luôn rình rập những người nuôi trăn, rắn làm cảnh. Thường chỉ những người nuôi chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm họ mới dám chơi nhưng trong “cơn sốt” hiện nay, rất nhiều người không chuyên cũng tham gia.

Với nhiều người, nuôi trăn, rắn cảnh không chỉ là thú vui mà đó còn là con vật phong thủy có thể giải hạn. Vì thế, một số bạn trẻ đã đổ xô đi “săn” loại hàng nóng này vừa để thỏa trí đam mê, vừa mong gặt hái được thành công, may mắn trong cuộc sống.

Nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng để sở hữu một chú trăn hoặc rắn về để nuôi trong nhà. Mức giá phụ thuộc vào độ quý hiếm và độ “độc” của chúng.

Rao bán tràn làn trên mạng xã hội

Trong khi các ngành chức năng đang ra sức bảo vệ loài bò sát quý hiếm này thì việc nhiều người săn tìm, mua bán trăn, rắn làm cảnh đã tạo nên sự nguy hiểm cho chính mình và cho cả cộng đồng.


Nếu như trước đây, việc mua bán có phần diễn ra lén lút, cả người mua lẫn kẻ bán đều phải ẩn mình, khó khăn khi gặp nhau để thương lượng hay giao hàng thì giờ việc buôn bán xảy ra công khai, rầm rộ trên các trang mạng xã hội.

Nhiều nhóm lập ra nhằm rao bán, trao đổi và buôn bán các loài trăn, rắn. Hàng trăm topic xuất hiện trong đó với hình ảnh những con trăn, rắn cùng những cuộc ngã giá. Tất cả những thông tin về “thú cưng”, địa chỉ và số điện thoại của người bán đều được công khai trên mạng.

Bà Hà Thị Tuyết Nga - Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp cho biết, trăn, rắn vốn là những loài động vật hoang dã và nguy hiểm, nếu không nắm rõ được đặc tính và kĩ thuật nuôi, tai họa chết người có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý việc nuôi và buôn bán trăn, rắn gặp nhiều khó khăn, bởi có loài được phép nuôi, có loài không.

“Những loài được phép nuôi thì người dân có thể công khai giao bán trên mạng được còn đối với những loài không được phép nuôi thì cần xác minh xem nó thuộc loài nào, mức độ quý hiếm đến đâu để có thể đưa ra hình thức xử lý theo pháp luật”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, Chính phủ quy định: “Nghiêm cấm chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB (hổ, voi, voọc, báo, bò tót…) và sản phẩm từ chúng vì mục đích thương mại” và “Hạn chế chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB (khỉ, chồn, kỳ đà, kỳ đà vân, kỳ đà hoa, rắn, rùa…)  và sản phẩm từ chúng vì mục đích thương mại”.

Vi phạm đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tùy theo mức độ, giá trị tang vật sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỉ đồng đối với tổ chức hoặc xử lý hình sự lên tới 7 năm tù giam.


 Theo Dân Việt


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao