Lãnh đạo huyện Sa Pa lên tiếng vụ bắt vợ đang học lớp 9 ngay trung tâm thị trấn

Chánh văn phòng UBND huyện Sa Pa nêu rõ, việc bắt vợ là một nét truyền thống nhưng diễn ra với cháu gái đang học lớp 9, không tự nguyện là không đúng.



Lãnh đạo huyện Sa Pa lên tiếng vụ bắt vợ đang học lớp 9 ngay trung tâm thị trấn

Ảnh nhà văn Ngọc Hân.

 

Không phù hợp với bối cảnh hiện nay

Sự việc em gái Hạ Thị V. học lớp 9, trường THCS Sa Pả (huyện Sa Pa, Lào Cai) van khóc, lăn lộn dưới đất vì không đồng ý khi bị một gia đình bắt vợ cho con trai vào chiều 5/2 tại trung tâm thị trấn Sa Pa đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Ngay sau khi nhận được thông tin do báo Trí Thức Trẻ cung cấp, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa Vũ Hùng Dũng đã giao cho Văn phòng UBND huyện tiến hành xác minh và báo cáo.

Chiều 7/2, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Trí, Chánh văn phòng UBND huyện Sa Pa cho biết, qua kiểm tra, xác minh, báo cáo của ngành giáo dục địa phương thì sự việc em V. đang học lớp 9B trường THCS Sa Pả bị bắt vợ vào chiều 5/2 là đúng.

"Chúng tôi đã báo cáo Chủ tịch UBND huyện để có chỉ đạo các ngành liên quan như giáo dục cùng các địa phương để tuyên truyền, cố gắng tối đa hạn chế thấp nhất những vụ việc như thế này tái diễn.

Còn đối với cháu V. đã trở lại sinh hoạt, đi học bình thường, không có vấn đề gì cả", ông Trí nói.
 

Lãnh đạo huyện Sa Pa lên tiếng vụ bắt vợ đang học lớp 9 ngay trung tâm thị trấn - Ảnh 1.

Ảnh nhà văn Ngọc Hân.

 

Theo ông Trí, tục bắt vợ là một nét văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc trên địa bàn và hiện nay, địa phương cũng đang cho biểu diễn lại nội dung này.

"Ở đây nếu nói hủ tục bắt vợ cũng không phải vì nó là nét truyền thống từ lâu đời nay, tuy nhiên, nó cũng không phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang tái biểu diễn lại nội dung này nhưng với người thành niên, tự nguyện đến với nhau, còn ở đây lại diễn ra với các cháu độ tuổi vị thành niên, không mang tính chất tự nguyện là không đúng.

Địa phương cũng đã xây dựng các hương ước, quy ước quy định rõ về vấn đề này và sẽ tiếp tục tuyên truyền xuống các thôn, bản để vận động nhân dân thực hiện", ông Trí nêu rõ.

Về việc xử lý những người có hành vi bắt vợ đối với cháu gái mới đang học lớp 9, theo ông Trí, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng xuống làm việc cụ thể để xác định rõ tính chất sự việc.

"Khi đó, căn cứ theo quy định của pháp luật thì sẽ có những biện pháp để giáo dục và xử lý những hành vi này", ông Trí nhấn mạnh.

Trước đó, đại diện Công an huyện Sa Pa cũng xác nhận và cho biết, do một số người khi đó có uống rượu nên đã gây ra việc này.

Về hướng xử lý, theo Công an huyện Sa Pa, vì chưa có các chế tài cụ thể quy định của pháp luật nên sẽ cần phải xem xét cụ thể hành vi.

Bắt vợ vì... thách cưới quá cao

Còn theo nhà văn Tống Ngọc Hân, người đã có nhiều năm sinh sống và chứng kiến không ít việc bắt vợ lý giải, tục kéo vợ có nét nhân văn, đó là tìm đến sự công bằng cho những chàng trai Mông, Dao... nghèo có thể lấy được vợ mà không phải sa vào cái cảnh sính lễ nặng nề.

Bởi, thực tế, để cưới được một cô vợ, thì có khi chàng trai bị thách cưới từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Nhà văn cũng kể lại câu chuyện về 5 năm trước chính tại nhà chị có cô nhân viên người Dao tên Phàn Mùa Ph. đến xin làm. Sau khi làm được ba tháng, cô xin về lấy chồng, tuy nhiên, một tuần sau, lại lên xin làm.

"Tôi hỏi lấy chồng thế nào? Cô ấy nói nhà kia chê đắt không lấy. Tôi hỏi thêm là bao nhiêu mà đắt thì cô ấy nói, bố mẹ em đòi có 40 đồng bạc thôi. Khi tôi hỏi bao nhiêu một đồng thì cô ấy trả lời , có hơn triệu một tí thôi mà và bạn cô ấy, có người xinh thì 70 - 80 đồng...", chị Hân kể.

Theo chị Hân, chính thách cưới con giá ngất ngưởng với cái lý con tôi đẻ, con tôi nuôi lớn, đòi bao nhiêu là quyền tôi, đã khiến nhà nào muốn lấy được vợ cho con thì gắng thu vén vay mượn để lấy rồi sau trả nợ và có đám, lấy nhau lên ông bà rồi mới trả hết nợ vay khi cưới.

"Những gia đình có tiền thì chịu thách cưới còn các anh mồ côi, nghèo muốn lấy vợ thì bất công quá và tục kéo vợ sinh ra.

Ra chợ chọn cô nào chưa có nơi có chốn, đồng cảnh ngộ, có thể thông cảm với mình, tăm tia trước đã, rồi về nhờ bố mẹ, anh chị em bạn bè đi bắt. Cho lên ngựa, phóng tít mù, hoặc xe máy đưa về.

Mà chỉ bắt cô nhỏ tuổi thôi vì nạn tảo hôn quét qua, các cô đủ tuổi thì cũng cõng con cả rồi, còn sót cô nào cũng đã nhận sính lễ nhà người ta và bắt bé càng dễ thuyết phục.

Nếu người ta không ưng thì bỏ về. Nhiều trường hợp, gia đình và chính quyền đến được thì con mình đã dại dột, bùi tai và gạo thổi thành cơm và phải cho lấy, tiền lễ lạt chỉ chút ít qua loa.

Hoặc yêu nhau say lắm rồi nhưng bố mẹ vợ chê nghèo chưa gả cho thì cũng tổ chức kéo để có lý do vô hiệu hóa cái khoản tiền cưới to đùng kia và thế là được vợ...", nhà văn chia sẻ.

Cũng theo chị Hân, tục kéo vợ vốn được sinh ra như bản đính chính cho tục lệ thách cưới nên nếu hô hào bỏ tục kéo vợ nhưng vẫn giữ cái tục thách cưới bán con thì sẽ khó bỏ được.

"Theo tôi chúng ta cần tuyên truyền để bỏ tục thách cưới đi thì cái tục kéo vợ kia cũng biến mất và cái nạn tảo hôn cũng đỡ nhức nhối...

Còn khi bố mẹ tính chuyện bán con qua tục thách cưới thì tiền bố mẹ tiêu, cay đắng bất hạnh một đời con phải chịu", nhà văn Tống Ngọc Hân bày tỏ.

 

Theo Trí thức trẻ


bắt vợ ở sapa nữ sinh lớp 9 bị bắt về làm vợ giữa đường bắt vợ tin tin hot Sa Pa tin tức

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao