Một nỗi ám ảnh về 'phòng hạnh phúc' trong trại giam

Đã có nhiều câu chuyện về "phòng hạnh phúc" trong trại giam và đa số đều miêu tả về niềm vui đoàn tụ giữa phạm nhân với người thân.

Talkshow Người giấu mặt lúc 21h30 ngày 28/2/2018 trên kênh ANTV vừa phát một câu chuyện đặc biệt. Nhân vật giấu mặt chia sẻ về nỗi thống khổ, bế tắc tới mức tưởng chừng không gỡ nổi, đành phải chấp nhận sống chung với nó trong suốt cuộc đời.

Đó là câu chuyện về "phòng hạnh phúc" mà nhân vật và vợ mình đã được hưởng đặc ân trong thời gian còn là một phạm nhân đang thụ án, nhưng hình ảnh đó lại được các báo sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt nhiều năm qua, khi mà nhân vật đã chấp hành thi hành án xong và trở về với gia đình, hòa nhập với xã hội.

"Phòng hạnh phúc" tại các trại giam là một chủ trương đầy tính nhân văn dành cho các phạm nhân đang thụ án tại các trại giam. "Phòng hạnh phúc" có thể hiểu như một phần thưởng dành cho những phạm nhân có nỗ lực cải tạo tốt.

Chính vì vậy, người được hưởng đặc quyền này có thể là một niềm tự hào vì không chỉ có khoảng thời gian và không gian riêng dành cho hai vợ chồng, mà còn khẳng định việc cải tạo tốt đã được các cán bộ giám thị nhìn nhận, và vì thế những đặc quyền từ chính sách khoan hồng của Nhà nước sẽ đến với họ. Ngày trở về gia đình, hòa nhập lại với xã hội ngày một gần hơn.

Một nỗi ám ảnh về phòng hạnh phúc trong trại giam-1
Dương Việt Thắng và hình ảnh của "phòng hạnh phúc" khi còn thụ án

Niềm hạnh phúc này đã từng đến với anh Dương Việt Thắng, quê ở Bắc Ninh trong thời gian anh đang thụ án tại trại giam Ngọc Lý đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Vốn người hiền lành, kiệm lời, lại là một thầy giáo dạy nhạc ở thành phố Bắc Ninh, trong một vài phút nông nổi vì muốn giúp bạn bè đòi món nợ đã quá lâu mà Thắng bỗng trở thành một người vi phạm pháp luật, phải trả giá cho hành động nông nổi ấy của mình bằng bản án tương xứng.

Từng là một nghệ sĩ, một thầy giáo dạy nhạc, Dương Việt Thắng khá sôi nổi với các hoạt động văn hóa văn nghệ tại trại giam được giám thị trại cũng như các phạm nhân đang thụ án ghi nhận, quý mến. Vợ anh cũng là một cô giáo dạy nhạc, vì thế, mỗi lần trại giam tập văn nghệ, chị cùng chồng dàn dựng các tiết mục văn nghệ, hết giờ tập lại trở về Bắc Ninh.

Với những đóng góp nhiệt tình và hiệu quả, anh Thắng thường được trại dành cho phần thưởng là được gặp vợ tại phòng hạnh phúc. Trong số những lần ấy, có lần đúng đợt có nhà báo tới trại lấy thông tin, viết bài, được cán bộ trại giam đề nghị, anh chị vui vẻ trở thành nhân vật nhưng ít ai biết rằng phía sau "phòng hạnh phúc" còn là niềm ám ảnh.

Khi Dương Việt Thắng hoàn thành việc thi hành án, được trở về cộng đồng, đoàn tụ cùng gia đình và sinh con thì câu chuyện về "phòng hạnh phúc" đầy ý nghĩa nhân văn lại một trong những nội dung vẫn thường xuyên xuất hiện trên mặt báo trong phần ảnh minh họa. Hình ảnh này cứ lặp đi lặp lại theo mỗi mùa ân xá được áp dụng.

Một nỗi ám ảnh về phòng hạnh phúc trong trại giam-2
MC Lê Anh trò chuyện cùng nhân vật

Chuyện sẽ chẳng thành vấn đề nếu anh Thắng vẫn còn đang trong thời gian thụ án ở trại giam. Nhưng với một công dân bình thường, thì đây lại là một trở ngại.

Anh Thắng chia sẻ: “Tôi bắt đầu vào thụ án năm 2009, ở trong trại giam 2 năm 9 tháng; rồi do cải tạo tốt, được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước năm 2011 tôi được trở về địa phương. Nhưng khi trở về địa phương dù sao vẫn là người đã từng mang án, không thể trở lại với công việc là một thầy giáo dạy nhạc như trước đây, vì gia đình nào muốn gửi con học nhạc, một môn học thật cao đẹp cho một người đã từng ngồi tù?

Vì vậy tôi chọn theo một hướng khác cũng vẫn là âm nhạc và gần với công việc cũng như sở thích đam mê của tôi, đó là đánh đàn cùng với kinh doanh âm thanh ánh sáng…"

Khó khăn thì vô vàn, nhưng với nỗ lực, anh Thắng đã dần ổn định việc làm ăn. Tuy vậy, anh vẫn vấp phải những trở ngại khi nhận được sự “quan tâm quá mức” của báo chí. Ảnh của vợ chồng anh trong phòng hạnh phúc còn được một vài trang tin lấy lại, đăng trong bài nói về trại giam ở Hải Phòng.

"Tôi đã từng phản ứng rất quyết liệt, nhưng rồi thì mọi chuyện vẫn không được xử lý, cũng như vẫn hình ảnh của tôi ngày càng xuất hiện nhiều hơn theo những lần đặc ân đặc xá. Mãi rồi thành quen, mấy năm nay tôi học cách sống chung với nó.

Trước đây tôi rất sợ khi có bạn bè nào đó của tôi gửi cho tôi những bài báo có mặt của tôi. Mấy năm gần đây, tôi đã tự chia sẻ những đường link như vậy trên trang cá nhân của mình. Tôi và vợ tôi tự nhủ với nhau rằng điều đó không thể phá hoại được hạnh phúc và sự bình yên của gia đình tôi. Nên chúng tôi cũng đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn", anh Thắng chia sẻ.

Một nỗi ám ảnh về phòng hạnh phúc trong trại giam-3
Anh Thắng quyết định đổi chỗ cho MC Lê Anh để xuất hiện trước khán giả

Khi MC Lê Anh của chương trình Người giấu mặt có chia sẻ việc anh Thắng sẵn sàng nói lên điều khó nói của mình một cách rất thẳng thắn, vậy chương trình sẵn sàng phá cách, cho anh Thắng một cơ hội đổi chỗ cho Lê Anh, để có đầy đủ ánh sáng, gương mặt của anh sẽ hiện rõ lên cho mọi người cùng chia sẻ, anh Thắng thoải mái nhận lời.

Anh chia sẻ, việc sử dụng hình ảnh trong bài viết khi anh còn đang trong thời gian thụ án trong trại giam là do anh tự nguyện, anh vui với tấm ảnh không che mặt trong bài báo đăng tải lần đầu tiên đó. Đó là việc anh không thể quên trong cuộc đời, nó giúp anh trân trọng hơn cuộc sống hiện có của bản thân.

Tuy nhiên, anh Thắng cũng mong nếu các bài báo nói về câu chuyện "phòng hạnh phúc" được truyền tải, khi muốn dùng hình ảnh đã đăng trên mạng, một là các tác giả hãy tìm hiểu thêm người trong ảnh còn trong thời gian thụ án hay đã là công dân tự do; tốt nhất hãy che mờ mặt của nhân vật đi để không khỏi ảnh hưởng tới đời sống riêng tư của họ.

Thực tế, một hành động tưởng chừng vô hại, xuất phát từ một việc làm hết sức nhân văn nhưng đã vô tình đẩy người trong cuộc vào nỗi ám ảnh, gây cản trở cho họ khi hòa nhập với cộng đồng. Sẽ như thế nào nếu bản thân chúng ta là nhân vật chính, đi hợp tác làm ăn với các đối tác nhưng vô tình đối tác lại nhìn thấy hình ảnh của mình trên mặt báo trong trang phục phạm nhân và nội dung câu chuyện như vậy?

Theo Gia Đình & Xã Hội


phạm nhân câu chuyện cuộc sống

Tin tức mới nhất