Mua bán thận núp danh tự nguyện hiến tạng

Quý thuê nhà, tổ chức thu gom nhiều người có nhu cầu bán thận rồi nuôi ăn ở trong một thời gian. Sau đó, Phương đứng ra tổ chức môi giới bán thận cho người có nhu cầu, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Từ người bán thận trở thành kẻ môi giới

Trung úy Bùi Quang Huy, cán bộ Đội Phòng chống tội phạm mua bán người Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết, đầu năm 2018 Cơ quan công an phát hiện một số đường dây chuyên môi giới mua bán thận ở Hà Nội.

Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát hình sự đã lên kế hoạch tổ chức điều tra. Hàng chục trinh sát, cán bộ điều tra của Đội đã tiến hành rà soát các bệnh viện, các khu vực được cho là từng xảy ra những vụ việc mua bán thận.

Trong quá trình điều tra, một số phương tiện thông tin đại chúng đã đăng các thông tin về một đường dây chuyên môi giới mua bán thận tại một số bệnh viện ở TP Hà Nội. Việc này đã khiến các đối tượng tạm dừng hoạt động phạm pháp, đồng thời chuyển địa điểm hoạt động.

Mua bán thận núp danh tự nguyện hiến tạng-1
Ngôi nhà mà Phương và đồng phạm từng có thời gian thuê để nuôi người bán thận.

Sau một thời gian thấy có vẻ “êm êm”, nhóm đối tượng này tiếp tục hoạt động. Chúng đã thực hiện trót lọt một số vụ môi giới bán thận dưới hình thức làm giả hồ sơ tự nguyện hiến thận. Và những hoạt động này đã lọt vào tầm ngắm của Cơ quan công an.

Đội Phòng chống tội phạm mua bán người đã cử nhiều trinh sát, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thu thập các tài liệu, chứng cứ nhằm đưa nhóm đối tượng này ra ánh sáng. Trưa 28-9-2018, tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự bất ngờ ập vào một căn nhà tại ngõ 112/15 Định Công Thượng (phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) phát hiện 6 đối tượng trong ổ nhóm này.

Bọn chúng gồm Trần Văn Phương (29 tuổi, trú tại xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, Bắc Giang); Lê Thùy Linh (22 tuổi, trú tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, Bình Dương); Hoàng Ngọc Tiến (30 tuổi, trú tại xã Đông Giang, TP Đông Hà, Quảng Trị); Phan Văn Hùng (27 tuổi, trú tại xã Trung Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) và một số đối tượng khác.

Theo Trung tá Lương Huy Giang, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm mua bán người, đối tượng Trần Văn Phương được xác định là kẻ cầm đầu đường dây. Chính Phương là kẻ đã nghĩ ra kịch bản và làm “đạo diễn” cho toàn bộ các thương vụ từ A-Z. Tuy nhiên, khi được đưa về cơ quan Công an, Phương luôn tỏ ra mình... vô tội, thậm chí còn cho rằng mình là ân nhân của những người mua thận.

Sau một quá trình đấu trí cân não, bằng những tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, đối chiếu với những bệnh án tại bệnh viện..., các điều tra viên đã buộc Phương phải khai nhận tội.

Mua bán thận núp danh tự nguyện hiến tạng-2
Đối tượng Trần Văn Phương.

Do thấy nhiều người có nhu cầu mua thận để ghép nên Phương và đồng bọn đã sử dụng tài khoản mạng xã hội “Tran bui” đăng bài tìm người bán thận rồi thỏa thuận giá mua. Mỗi vụ mua bán thận thành công thì Phương trả cho Hùng, Tiến, mỗi người 5 triệu đồng.

Hằng ngày Phương đến Bệnh viện Việt Đức để làm quen với những người có nhu cầu mua thận và thỏa thuận giá bán thận cho họ dao động từ 320 đến 360 triệu đồng/quả. Khi người mua đồng ý, Phương để người bán thận (người mà Phương đã nuôi ăn ở tại nhà mình) gặp người mua thận và làm thủ tục pháp lý tại Bệnh viện Việt Đức.

Tất cả hồ sơ đều được Phương và đồng phạm hợp lý hóa dưới hình thức tự nguyện hiến thận cho nhau. Tuy nhiên, cơ quan Công an đã có đầy đủ tài liệu chứng minh bản chất là giao dịch mua bán thận.

Được biết, Trần Văn Phương là kẻ không nghề nghiệp. Vài năm trước, để đáp ứng nhu cầu ăn chơi của mình, Phương đã mò sang tận Campuchia để bán thận lấy hàng trăm triệu đồng. Từ đó, Phương phát hiện nhu cầu ghép thận ở Việt Nam là rất lớn.

Qua mạng xã hội, Phương gặp Lê Thùy Linh (vừa tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội). Đúng là “ngưu tầm ngưu”, Linh cũng là một cô gái ham chơi hơn ham học. Bản thân Linh từng bán một quả thận của mình để trang trải cho những nhu cầu chơi bời của cô ta.

Phương và Linh nhanh chóng tạo thành một “cặp đôi hoàn hảo”, hình thành một đường dây môi giới buôn bán thận với hàng chục đối tượng tham gia. Dưới kịch bản của Phương, Linh đã tìm gặp Tiến, Hùng (cũng là những người từng tham gia bán thận) để rủ rê vào đường dây.

Biết quá trình ghép thận phải mất thời gian và không dễ để người cần bán và người cần mua “gặp” nhau (sức khỏe phải tốt, các chỉ số xét nghiệm phải phù hợp) nên Phương (dưới cái tên là Quý) đã tổ chức nuôi ăn ở cho những người có nhu cầu bán thận.

Ban đầu, Phương thuê nhà ở khu vực Giáp Bát (quận Hoàng Mai), sau đó chuyển sang khu vực huyện Thanh Trì. Khi thấy báo chí lên tiếng, Phương “lặn” một thời gian, rồi thuê nhà ở Định Công Thượng, tiếp tục “hành nghề”.

Linh được Phương phân công đóng giả làm “y tá Lan” để cơm nước, chăm sóc cho các “bệnh nhân”. Còn Tiến, Hùng thủ vai là các nhân viên, chuyên nhiệm vụ đưa người bán thận đi làm các xét nghiệm tại bệnh viện, mọi chi phí do Phương trả.

Cơ quan điều tra đã làm rõ trong thời gian từ đầu năm đến tháng 9-2018, Phương và đồng bọn đã thực hiện thành công ít nhất 3 vụ môi giới mua bán thận (đã ghép thành công), thu lợi bất chính hơn 200 triệu đồng. Tang vật cơ quan Công an thu giữ hơn 50 triệu đồng, 4 chiếc điện thoại di động. Một số vụ mua bán thận do Phương đạo diễn được cơ quan Công an làm rõ như:

Tháng 3-2018, Phương biết chị Phạm Thị T.X. (43 tuổi, trú tại phường Bình Hàn, TP Hải Dương) có nhu cầu mua thận. Trước đó, Phương đã nuôi sẵn anh T. ở nhà Phương tại Định Công Thượng, đồng thời tiến hành các bước khám tổng thể, làm xét nghiệm HLA (chỉ số kháng nguyên bạch cầu).

So sánh với chị X., Phương thấy các chỉ số phù hợp nên đã làm hồ sơ tự nguyện hiến thận (giả) và nộp tại Bệnh viện Việt Đức. Nhận thấy hồ sơ của anh T., chị X. có chỉ số tốt nên các bác sỹ đã tiến hành ghép thận của anh T. cho chị X. Sau đó, Phương thu của chị X. 320 triệu, trả cho anh T. 250 triệu, thu lợi 70 triệu đồng.

Tháng 6-2018, qua việc đăng thông tin trên mạng xã hội, Phương đã gặp anh L.Đ.V. (28 tuổi, trú tại Hòa Lạc, Hữu Lũng, Lạng Sơn) và thống nhất sẽ mua 1 quả thận của anh V. với giá 260 triệu đồng.

Khoảng 1 tháng sau, Phương tìm được anh Đ.D.M. (40 tuổi, trú tại Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) có nhu cầu mua thận để ghép và đã thỏa thuận bán cho anh này với giá 360 triệu đồng. Anh M. đã được tiến hành ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức, Phương hưởng 100 triệu đồng.

Tháng 7-2018, Phương thỏa thuận sẽ mua 1 quả thận của anh V.T.Đ. (25 tuổi, trú tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) với giá 320 triệu đồng, rồi tiến hành môi giới ghép cho anh Đ.H.N. (43 tuổi, trú tại Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội). Trong vụ môi giới này, Phương đã thu lời bất chính 40 triệu đồng.

Hiện, Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Trần Văn Phương về hành vi “Mua bán chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”. Cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ vai trò của các đồng phạm, đồng thời mở rộng vụ án.

Thuê người đóng vai mẹ nuôi  để bán thận

Trước đó, đầu năm 2016, Công an TP Hà Nội cũng đã bóc gỡ một đường dây chuyên môi giới bán thận do đối tượng Trần Văn Hiệp (47 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cầm đầu. Hiệp vốn là lái xe taxi tại khu vực cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, biết nhiều người có nhu cầu ghép thận, bán thận nên Hiệp đã thực hiện việc môi giới mua bán thận.

Tháng 3-2015, Hiệp được bà N.T.X. (trú tại Nam Định) nhờ tìm người hiến thận ghép cho con trai. Hiệp đồng ý và đã đến nhà bà X. để lấy các chỉ số xét nghiệm của con trai bà X. Hiệp và bà X. cũng thỏa thuận nếu tìm được người hiến thận thì gia đình bà X. phải chi 300 triệu đồng cho Hiệp gồm công môi giới và chi trả cho người bán thận. Chi phí để ghép thận gia đình bà X. phải chịu.

Hiệp đã thông qua một đối tượng tên là Chánh nhờ tìm kiếm người bán thận. Sau khoảng một tuần, Chánh giới thiệu cho Hiệp trường hợp anh Trần Văn K. (trú tại Phú Thọ) đang có nhu cầu bán thận do gặp khó khăn về kinh tế. Hai bên thỏa thuận trực tiếp, thống nhất giá mua bán thận là 150 triệu đồng.

Mua bán thận núp danh tự nguyện hiến tạng-3
Các đối tượng Lê Thùy Linh, Hoàng Ngọc Tiến và Phan Văn Hùng.

Theo lịch hẹn, anh K. xuống Hà Nội, được Hiệp đưa đến phòng khám làm các xét nghiệm, lấy chỉ số ban đầu và thông báo cho bà X. về việc đã tìm được người bán thận. Tiếp đó, Hiệp đưa anh K. đến Bệnh viện Việt Đức làm các thủ tục kiểm tra và nhận 50 triệu đồng từ gia đình bà X.

Do quy định của pháp luật và của Bệnh viện Việt Đức, khi hiến thận để mổ ghép thận cần phải có người thân bên gia đình người hiến thận đồng ý ký xác nhận. Do anh K. giấu người nhà việc đi bán thận nên các đối tượng đã hợp thức hóa bằng cách làm hồ sơ giả.

Hiệp đã thuê một người đóng giả mẹ nuôi của anh K. với giá 3 triệu đồng, thống nhất thông tin khai báo khi bệnh viện phỏng vấn. Hiệp yêu cầu anh K. và “mẹ nuôi” cung cấp ảnh, các giấy tờ liên quan để làm giấy tờ giả.

Toàn bộ hồ sơ giả gồm các giấy tờ nhân thân được Hiệp thuê một bệnh nhân chạy thận làm giả, sau đó đưa bà X. nộp vào bệnh viện để chờ phỏng vấn. Trong thời gian tiếp tục làm các thủ tục kiểm tra về các chỉ số kháng nguyên phù hợp giữa người hiến và người nhận thận, chờ sắp xếp thời gian thực hiện ca ghép thận thì vụ việc bị Công an Hà Nội phát hiện.

Theo chỉ huy Đội Phòng chống tội phạm mua bán người, hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người đã được quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là loại tội phạm còn khá mới, đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Một số đối tượng vì lợi nhuận đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan pháp luật. Bên cạnh đó, cũng có một số đối tượng lợi dụng nhu cầu ghép tạng của nhiều bệnh nhân, giả vờ “kết nối” người bán với người mua để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an khuyến cáo, những bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng cần đến cơ sở y tế để tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô hiến tặng và chờ cơ hội được ghép tạng theo quy định. Mọi hành vi mua - bán nội tạng là vi phạm pháp luật.

Theo CAND


mua bán thận tội phạm lừa đảo đối tượng

Tin tức mới nhất