Nghe những ca sĩ hát quốc ca hay nhất để thương Mỹ Linh hơn

(2sao) – Nếu bạn thấy những ca sĩ này hát quốc ca thật tuyệt vời thì bạn sẽ cảm thông với Mỹ Linh hơn.

Quốc ca là cốt cách con người, sức mạnh dân tộc và là lăng kính thấu trọn tinh thần một đất nước. Quốc ca thường được thể hiện một cách cơ bản, truyền thống thông qua các dàn hợp ca hoặc tiếng hát của cả một tập thể.


Nhưng chỉ khi đi qua tiếng hát cá thể của những ca sĩ có đẳng cấp bậc thầy, quốc ca mới được nâng tầm thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo, thu hút được sự đam mê của quần chúng khi thưởng thức. 

Nếu thành công, nó có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách để được bật lên một cách tự nhiên nhất trong đời sống thường nhật. Trong một số ít trường hợp, nó còn làm nên lịch sử.

Whitney Houston – Quốc ca Mỹ

Quốc ca Mỹ là ca khúc The Star Spangled Banner (Lá cờ lấp lánh sao), được sáng tác bởi nhà soạn nhạc người Anh John Stafford Smith và nhà thơ nghiệp dư Francis Scott Key, được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1931.

Whitney Houston được xem là ca sĩ thể hiện quốc ca thành công nhất, khi cô hát nó ở giải Super Bowl năm 1991. Các thành tích đạt được là:

Đứng thứ 59 trong top 100 khoảnh khắc vĩ đại nhất trên truyền hình do VH1 bình chọn năm 2002.

Đứng thứ 12 trong top 100 khoảnh khắc làm rung chuyển truyền thông do VH1 bình chọn năm 2003.

Đứng thứ 1 trong top 25 khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử âm nhạc do Rolling Stone bình chọn năm 2003.

Đứng thứ 8 trong top 100 khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử Super Bowl do ESPN.com bình chọn năm 2005.

Đứng thứ 7 trong top 10 khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử âm nhạc do TV Land bình chọn năm 2006.

Đứng thứ 2 trong top những màn trình diễn quốc ca hay nhất 40 năm lịch sử Super Bowl do USA Today Sports Weekly bình chọn năm 2007.

Đứng thứ 2 trong top 5 màn trình diễn hay nhất lịch sử Super Bowl do Blender bình chọn năm 2009.

Đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng BB hot 100 single (màn trình diễn quốc ca đứng cao nhất trên BB hot 100 single)

Về mặt thương mại, đĩa đơn của ca khúc đã phát hành được 1 triệu 200 nghìn bản chỉ tính riêng tại Mỹ, được RIAA chứng nhận (bản quốc ca bán chạy nhất lịch sử).


Với những thành công trên, lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc thế giới, một bài quốc ca lại có thể tước bỏ tính nghi thức cứng nhắc của mình để tiến vào thị trường âm nhạc. Nó thậm chí còn được phát hành đĩa đơn, đạt lượng tiêu thụ khổng lồ, leo tới thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc, cạnh tranh hoàn toàn được với các sản phẩm thương mại âm nhạc khác, đem lại lợi nhuận lớn cho người thể hiện cũng như với toàn bộ thị trường âm nhạc đa dạng.

Whitney thậm chí còn hát nó trong show diễn riêng của mình. Và mặc dù lấn sân được vào thị trường tiêu thụ âm nhạc đại chúng, được khoác màu áo mới, nhưng nó vẫn giữ được tính hùng tráng và đầy tự hào dân tộc.


Để làm được điều này, Whitney đã phải tư duy và sáng tạo rất nhiều. Thay vì hát ở giai điệu và tone gốc, cô đã thực hiện chạy note lên xuống và trang trí vào các cụm từ rất nhiều note hoa mĩ. Từ tone gốc G, cô chạy xuống 3 note (Eb) rồi lại chạy lên theo các phân nhịp được tính toán kĩ lưỡng. Có những đoạn, Whitney hát chậm hơn, nhưng ở đoạn khác, cô lại hát nhanh hơn.

Whitney cũng thêm thắt rất nhiều kĩ thuật khó của Bel Canto vào ca khúc, chuyển giọng linh hoạt từ chest voice sang head voice cao vút tận E5 - A5, thổi thêm nhiều màu sắc khác nhau của dòng Soul/R&B vào với các lối hát, kĩ thuật ngẫu hứng như run/riff, melisma. Mọi sáng tạo, thêm thắt đều tinh tế, vừa đủ, hòa quyện nhuần nhuyễn giữa kĩ thuật và cảm xúc. Đoạn cuối, cô vừa belt vang rền cú G#4 giọng ngực vừa giơ hai tay lên đầy tự hào, mở nụ cười sảng khoái.

Lady Gaga – Quốc ca Mỹ

Sau 25 năm kể từ Whitney, Lady Gaga lại một lần nữa khiến khán giả thế giới phát cuồng với phiên bản làm mới quốc ca đầy tính sáng tạo, nghệ thuật của mình.

Chịu ảnh hưởng nhiều từ Whitney, nhưng Lady Gaga vẫn sáng tạo với nhiều luyến láy mới, cách nhả chữ, cách hát đầy chất quái riêng có.


Đoạn mở, Gaga đầu sử dụng giả thanh (falsetto) làm giọng rất sáng, xuống tới những note trầm D3 rất tốt, hỗ trợ và ổn định, hơn hẳn nhiều giọng nữ khác.

Tuyệt vời nhất là cú belt giọng thật G#4, A4 vibrato tốc độ nhanh với độ đanh, dày, trụ âm bán cổ điển, nghe có màu sắc đóng tiếng kiểu tenor cổ điển, dù cô mới chỉ là giọng trữ tình. 

Đoạn cuối, cô thực hiện âm đóng /i/ C#5 đẩy lên xoang rồi chuyển giọng qua head voice ngẫu hứng, không theo quy chuẩn sẵn có nào.


Quan trọng hơn cả, Lady Gaga thể hiện quốc ca với phong cách trang điểm khá quái, đúng chất của cô, chứ không cần ăn mặc nghiêm túc, khô cứng. Nếu ở Việt Nam có ca sĩ nào dám hát quốc ca với phong cách này, chắc chắn sẽ bị gạch đá không thương tiếc.

Đúng là, chỉ ở Mỹ, nơi khán giả tự do, văn minh trong tiếp nhận thì nghệ sĩ mới có cơ hội sáng tạo tuyệt vời thế này. Đó là thứ xa xỉ mà nghệ sĩ Việt không bao giờ dám mơ tới.

Barbra Streisand – Quốc ca Israel

Vốn trải qua nhiều cuộc diệt chủng đẫm máu trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nên quốc ca Do Thái khác hẳn với quốc ca cá nước khác, mang âm hưởng suy tư, buồn man mác như thấu trọn nỗi đau thương, mất mát của dân tộc.


Huyền thoại Barbra Streisand đã khiến khán giả phải rưng rưng khi hát bài quốc ca này, với chất giọng mềm mại, trữ tình, legato ngọt ngào đầy tính suy tưởng, gợi nhớ và kết giọng bằng cú belt C5 chuẩn mực.

Trong khi cư dân mạng Việt Nam hô hào quốc ca phải mang âm hưởng hùng tráng thì đâu đó trên thế giới vẫn còn những bài quốc ca buồn man mác, suy tư đến vậy.

So Hyang – Quốc ca Hàn Quốc 

Aegukga được viết lời vào khoảng năm 1986 và phổ lại nhạc mới bởi Ahn Eak Tae để chính thức trở thành quốc ca Đại Hàn Dân Quốc vào năm 1948.


Có một chi tiết đáng buồn cười là khi hát bài quốc ca này, nữ ca sĩ So Hyang đã bắt nhầm tone cao và cô cứ thế hát cao vút cả bài với toàn note cao F5, G5, thậm chí cả Bb5 chói chang, bạo liệt vì không thể xuống được nữa.

Tất nhiên, khán giả Hàn Quốc rất thích thú với phiên bản làm mới của So Hyang và cho rằng đó là bản quốc ca ấn tượng nhất. 


Cũng bắt nhầm tone, nhưng Mỹ Linh không may mắn như So Hyang, vì bị khán giả Việt gạch đá tới tấp.

Regine Velasquez – Quốc ca Philippine

Lupang Hinirang được sáng tác năm 1898 và chính thức sử dụng làm quốc ca Philippine vào năm 1919.


Biểu tượng âm nhạc Philippine Regine Velasquez là người thể hiện thành công nhất với sự mềm mại trong giọng hát cùng note cao tráng lệ.

Quốc ca Nhật

Kimigayo là bản quốc ca ngắn nhất thế giới với phần lời được viết vào khoảng thế kỉ X và phổ nhạc vào 1880. 

Thật ngạc nhiên khi người được cho là thể hiện hay nhất ca khúc này lại là một nữ sinh trung học còn rất trẻ.


Cô gái hát nó theo phong cách cổ điển phương Tây với toàn bài bằng head voice trong sáng, mảnh mai, ngọt ngào, đầy da diết nhưng kĩ thuật vô cùng chuẩn mực, điêu luyện ngang một ca sĩ kì cựu. 

Qua tiếng hát này, quốc ca Nhật nghe giống như một bài hát ru hơn, nhưng không ai đòi hỏi nó phải thật hùng tráng, sôi động như người Việt đòi hỏi Mỹ Linh.

Mario Del Monaco – Quốc ca Ý

Il Canto degli Italiani được sáng tác năm 1847 và chính thức trở thành quốc ca Ý vào năm 1946.


Ca sĩ opera Mario Del Monaco đã thể hiện nó thật hùng tráng, căng tràn sức mạnh của người hùng với chất giọng nam cao nội lực.

Celine Dion – Quốc ca Canada

O Canada được chính thức trở thành quốc ca của Canada từ năm 1980. 


Dù danh ca Lara Fabian đã thể hiện xuất sắc ca khúc này, nhưng Celine Dion mới thực sự là người hát nó hay nhất.

Kết

Tất cả những ca sĩ trên dù hát quốc ca hay tới đâu cũng đều có chung một đặc đặc điểm, là tự do sáng tạo theo phong cách, lối hát của riêng mình để nâng lên một tầm mới và được nhân dân của họ ủng hộ chứ không phải gạch đá, chê bai. Từ đây, chúng ta nên nhìn lại trường hợp của Mỹ Linh và quốc ca Việt trong thái độ tiếp nhận của khán giả Việt.

Đức Long
Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất