Nghịch tử say xỉn đánh chết mẹ đang bị tai biến

Sau khi uống rượu về, thấy mẹ bị tai biến nằm liệt giường đi vệ sinh dính vào quần áo gây hôi thối, Phước tức giận chửi mắng rồi đánh bà tử vong.

Theo bản án sơ thẩm, Lê Văn Phước (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Minh Hiền là chung sống với nhau như vợ chồng tại ấp Phước Lý, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Mẹ của Phước là bà Lý Thị Ngà cũng sống chung với vợ chồng anh ta. Do bà Ngà bị tai biến bại liệt toàn thân nên mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp đỡ. Hàng tháng, Phước được chị gái cùng mẹ khác cha là Nguyễn Thị Hòa cho 4 triệu để lo ăn uống, chăm sóc hàng ngày cho mẹ. Nhưng số tiền này Phước dùng hết vào những cuộc nhậu rồi gây gổ, đánh cả mẹ và vợ.

Khoảng 18h ngày 3/5/2013, sau khi uống rượu về nhà, thấy chị Hiền đang lau người cho mẹ thì Phước vào phụ giúp. Thấy bà Ngà đi vệ sinh ra quần áo, gây mùi hôi nên Phước mắng chửi mẹ thậm tệ.

Đứa con bất hiếu tại tòa phúc thẩm.
Phước tại tòa phúc thẩm.

Một lúc sau, Phước và Hiền bế bà Ngà vào nhà vệ sinh tắm rửa và đánh răng cho mẹ. Bà không chịu mở miệng khiến Phước tức giận đánh nhiều cái đầu và mặt mẹ. Tàn nhẫn hơn, đứa con trai dùng đũa cạy miệng mẹ để đánh răng. Thấy vậy, chị Hiền can ngăn liền bị Phước đuổi ra ngoài.

Sau khi vệ sinh và thay quần áo cho mẹ, Phước bế bà Ngà đặt lên chiếc phản. Tiếp đó, anh ta dùng tay tát vào mặt đồng thời cầm 2 chân mẹ đẩy mạnh làm đầu bà Ngà đập vào tường gây chảy máu.

Phước lau máu cho mẹ rồi bỏ ra võng ngoài nhà nằm ngủ. Khoảng 30 phút sau, chị Hiền về thấy mẹ chồng nằm bất động, trên đường có nhiều máu nên kiểm tra và phát hiện nạn nhân đã chết. Phước bị công an bắt giữ ngay sau đó.

Với tội ác này, Phước bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên án tử hình về tội Giết người, sau đó anh ta làm kháng cáo xin được tha tội chết.

Ngày 22/8, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm. Nhận thấy hành vi của bị cáo là dã man, nhẫn tâm đánh đập và giết chính mẹ ruột của mình.

Tòa cấp sơ thẩm khi lượng hình đã căn cứ vào nội dung vụ án và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo. Tại phiên tòa này, bị cáo không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ xem xét giảm án. Từ đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao TP.HCM đã bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Theo Zing

Tin tức mới nhất