Người mẹ mù lòa bán chổi nuôi con đỗ ĐH Ngoại thương

Người phụ nữ mù lòa mang bó chổi đi bán rong không còn xa lạ gì với người dân khu vực chợ Diễn, chợ Đồng Xa (Từ Liêm, Hà Nội). Nhưng mấy ai biết được rằng sau hình ảnh ấy là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Lần theo hướng chị bán hàng tại chợ Diễn chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến cổng chính chợ Đồng Xa, nơi bà Nguyễn Thị Vân (cho phép chúng tôi gọi là mẹ) ở thôn Kiều Mai, Từ Liêm, Hà Nội thường đứng cạnh gốc cây bàng bán chổi.

Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi toan ra về thì gặp mẹ vừa đi tới. Trước mắt chúng tôi là một người đàn bà thân hình nhỏ bé, khuôn mặt u buồn đã bắt đầu xuất hiện những vết nhăn cùng đôi bàn tay hao gầy, chai sạn vì năm tháng.

Giông gió cuộc đời

Sinh năm 1960 trong một gia đình trí thức nghèo có 7 chị em tại huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ), ban đầu Nguyễn Thị Vân vẫn lành lặn, bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Lúc 4 tuổi, sau một cơn lên sởi, hai con mắt của mẹ đã hoàn toàn bị hỏng.

Từ đó, cuộc đời của mẹ Vân chỉ còn là một màu u tối. Những năm tháng tuổi thơ, trong khi bạn bè cùng trang lứa được cắp sách đến trường, đi đây đi đó thì mẹ chỉ suốt ngày quay quắt ở nhà. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai gầy của người cha thương binh “ông giáo trường làng”.

Người mẹ mù lòa bán chổi nuôi con đỗ ĐH Ngoại Thương
Mẹ Vân đi bán chổi nuôi con

Khi tròn 20 tuổi, hạnh phúc mỉm cười với mẹ khi có người đàn ông tên Vấn (quê Từ Liêm, Hà Nội) đồng ý kết hôn. Chính mẹ cũng không thể ngờ rằng chồng hơn mình đến 20 tuổi. Khi đó, mẹ thầm nghĩ: “Ai lại đi lấy chồng nhiều tuổi vậy. Sau đó bố của mẹ bảo có chồng là may mắn lắm rồi nên đành nhắm mắt đưa chân”.

Sau 2 năm, đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh của vợ chồng mẹ ra đời, đặt tên là Kiên. Sau mấy năm ở nhà ngoại, vợ chồng mẹ bồng bế con thơ lên xã Phú Diễn (Từ Liêm) để mưu sinh nhưng đâu biết rằng mình đang bước vào những tháng ngày giông gió.

Mới về Từ Liêm, cả ba người không có một túp lều để chui ra, chui vào đành phải sống tạm bợ nay đây, mai đó. Không chịu được cảnh đói khổ, ông Vấn bỏ đi biệt tăm. Dường như bao nhọc nhằn, lo toan đều đè nặng lên đôi vai ốm yếu của người phụ nữ bất hạnh ấy.

Ngậm ngùi dùng vạt áo lau vội những giọt nước mắt đang cố kìm giữ, giọng mẹ lạc đi: “Nhìn đứa con thơ bé bỏng, có cha mà như không, tôi lại thấy tim mình đau nhói. Thương con, tôi nhủ lòng gắng gượng, bươn chải, vật lộn với cuộc sống bằng đôi tay còn lại của mình”.

Tưởng rằng hoàn cảnh cùng cực đó có thể vùi lấp đi mọi nỗ lực của con người, nhưng rồi cuộc sống trong cảnh mù lòa cùng không thể cản khát vọng sống của người phụ nữ với lòng yêu con tha thiết. Hàng ngày, mẹ Vân bồng con, vừa mò mẫm hết nơi này đến nơi khác làm mọi việc để mưu sinh.

Đêm về không một chỗ trú chân, mẹ đành “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. Dần dà, người đàn bà mù lòa tưởng chừng như không thể đứng lên đã tích góp được một khoản tiền nho nhỏ.

Năm 1989, mẹ Vân đã có trong tay 2 triệu đồng. Với những ai lúc ấy, đó là một khoản tiền không nhỏ. Không đắn đo, mẹ mua một mảnh đất ngay cạnh chân bức tường cầu vượt “dự án treo” ở đường 32 (Từ Liêm, Hà Nội) để dựng tạm túp lều làm chỗ che mưa, che nắng.

Mái lều dột nát, những hôm trái gió, trở trời không biết trông cậy vào ai, hai mẹ con ôm nhau co rúm trong đêm lạnh. Tiếng mưa, tiếng sấm như muốn xé toang túp lều rách nát. Đứa con đói khóc thét, mẹ càng quặn đau!

“Mòn mỏi trông ông ấy về mà vô vọng, đã có lúc, tôi định cho thằng Kiên rồi quyên sinh cho thoát kiếp khổ nhưng nó không có tội tình gì nên tôi đành bỏ ý định ấy để tiếp tục làm lụng nuôi con”, mẹ Vân nghẹn ngào nhớ lại.

Bẵng đi ngần ấy năm, ông Vấn trở về với trong bộ dạng “thân tàn ma dại” rồi sống cũng như chết. Trong cảnh đó, bằng lòng vị tha và lòng yêu thương, mẹ lại sinh thêm được người con gái, đặt tên là Quý.

Đứng lên từ bóng tối

Mẹ Vân được nhận vào Hội người mù Từ Liêm từ năm 1992. Lúc đầu, mẹ nhận chẻ tăm cho Hội rồi mang đi bán, nhưng mù lòa nên toàn chẻ vào tay. Được hội giúp đỡ, Mẹ Vân đã mạnh dạn vay vốn mở một cơ sở sản xuất chổi lau.

Nguyên liệu mẹ nhờ người quen mua hộ ở các cửa hàng giá rẻ đem phơi khô, để lên gác rồi lấy xuống dùng dần. Khi mới làm, có khi cả ngày mẹ mới làm được một cái, giờ đây mẹ đã làm được gần chục chiếc rồi đem ra chợ bán.

Lúc còn khỏe, mẹ Vân có thể một mình chống gậy dò dẫm ra tận Ngã Tư Sở và khu vực lân cận để bán chổi. Đi xa, bù lại mẹ bán được rất nhiều, có ngày bán đến 50 chiếc.

Giờ giá vật liệu tăng đẩy giá chổi cũng tăng nên người dân ít dùng chổi lau hơn. “Có ngày mang 15-17 chiếc mà mang về một nửa, may mà Ban quản lý chợ Đồng Xa, chợ Diễn không thu thuế, chứ không thì cũng hết lãi lời”, mẹ giải bày mà nếp nhăn trên má co lại.

Một ngày của mẹ thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, một mình mẹ chống gậy mò mẫm đem chổi đến bán ở chợ Đồng Xa, đến hai giờ chiều lại về kết chổi ở bên chợ Diễn. Một chiếc chổi lau như vậy mẹ bán từ 25-30 nghìn đồng nhưng cũng không ít người trả lên trả xuống.

Nhìn thấy mẹ để lấy tiền trong túi ra đưa lại cho khách mà không chút nhầm lẫn, nhiều người không khỏi thán phục. Mẹ nhớ lại: “Trước đây, lúc dùng tiền giấy, tôi bị lừa rất nhiều. Có ngày, tôi không có đồng tiền lãi. Hiện giờ, tiền polime từng mệnh giá có kích cỡ khác nhau nên cầm qua là tôi biết giá trị của nó”.

Không chỉ kết chổi, mẹ Vân còn đan thêm quạt nan để bán. “Mùa hè đan quạt nan, mùa đông kết chổi” là việc theo mùa luôn chân, luôn tay của mẹ. “Dẫu gian truân, tôi vẫn vượt qua để vươn lên. Tuy không may mắn để nhìn được xa nhưng sự từng trải đã giúp tôi có thể hiểu rộng. Còn đôi tay, còn chút sức lực nào, tôi vẫn còn làm việc miễn có tiền để nuôi con khôn lớn!”, mẹ quả quyết.

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho mình, mẹ còn hướng dẫn cho các thành viên trong Hội cùng làm để giúp họ có thêm thu nhập. Ông Đỗ Văn Trường, Phó Chủ tịch Hội người mù Từ Liêm cho biết:

“Bà Vân là một người nghị lực, tuy mù lòa từ nhỏ nhưng bà luôn nhạy bén trong mọi việc, từ đi lại, buôn bán và tính toán, bà đều thành thục như người bình thường. Bà đúng là tấm gương cho những người khiếm thị học tập và noi theo!”

Hạnh phúc nhỏ nhoi

Con trai đầu của mẹ hiện giờ đã lập gia đình và có công ăn việc làm. Đặc biệt, em Quý con gái mẹ không những ngoan ngoãn mà còn học giỏi. Thương mẹ nên ngoài thời gian lên lớp, Quý thường giúp mẹ kết chổi đem bán, tối khuya em mới ngồi vào bàn học bài.

Dù vậy, 12 năm liền em đều là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2009, Quý đã xuất sắc thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương.

Ngày biết tin, cả ba mẹ con ôm nhau khóc vì sung sướng, nhưng niềm vui đi liền với nỗi lo tiền đâu để con được đến giảng đường. Song mẹ vẫn cho Quý nhập học với hi vọng tương lai của con sẽ sáng sủa:

“Dù đói, dù no vẫn cho con học hành. Đời bác đã cực khổ và thất học rồi, không thể để con mình học tập giữa đường đứt gánh”. Hiện giờ, Quý đang là sinh viên năm thứ 4, Khoa Tiếng anh thương mại, Trường Đại học Ngoại thương. Để đỡ đần cho mẹ, Quý còn đi dạy gia sư để kiếm thêm tiền, cuối tuần về giúp mẹ kết chổi bán.

Sau mấy chục năm sống trong túp lều chật chội, rách nát, mẹ Vân đã có thể mỉm cười khi mơ ước một ngôi nhà đã thành hiện thực. Đường 32 được mở rộng nên khu đất của mẹ bị giải tỏa và được đền bù.

Chuyển về căn nhà mới ở thôn Kiều Mai (Từ Liêm, Hà Nội), vẫn còn đó những vất vả, lo toan của người mẹ suốt cuộc đời chịu nhiều phong ba bão tố. Tuy không thể nhìn thấy gì, nhưng trong sâu thẳm, tôi biết rằng mẹ đã có được hạnh phúc, dẫu đó chỉ là hạnh phúc nhỏ nhoi!

Theo Đất Việt

Tin tức mới nhất