Nguy hiểm trò chơi trực tuyến khiến trẻ vị thành niên tình nguyện tự sát

Ngày 29/8/2017, Bộ Nội vụ Liên bang Nga đã bắt giữ thêm 2 đối tượng chịu trách nhiệm quản trị "nhóm tử thần".

Game trực tuyến này thực chất là một trò thử thách bệnh hoạn, đã kích động nhiều thanh thiếu niên Nga tự làm tổn thương bản thân và cuối cùng đi đến tự sát. Sự tồn tại của những nhóm này, vốn bị tờ báo điện tử Novaya Gazeta phanh phui hồi cuối năm 2016, đang khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo ngại và giới chức an ninh mạng phải vào cuộc.

Tại Nga, nếu chỉ tính từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017, đã có 130 trẻ vị thành niên tự sát do bị lôi kéo vào trò chơi tử thần trên mạng xã hội mang tên Blue Whale Challenge (Thử thách cá voi xanh) lấy cảm hứng từ hình ảnh những chú cá voi trôi dạt ngoài bờ biển. Nếu tính gộp cả số nạn nhân ở những quốc gia khác, số trẻ thiệt mạng vì trò chơi này là 160.

Nguy hiểm trò chơi trực tuyến khiến trẻ vị thành niên tình nguyện tự sát-1
Hình ảnh trò chơi "Thử thách cá voi xanh" cùng những công cụ cho người chơi.

Khi gia đình và giới chức điều tra tìm hiểu về cuộc sống và trạng thái tâm lý của các nạn nhân thì điều bất ngờ là nhiều trẻ vị thành niên không có bất cứ biểu hiện tâm lý bất ổn nào trước khi đột ngột tự kết liễu cuộc đời.

Manh mối duy nhất mà cảnh sát và các phụ huynh có thể tìm thấy là ở trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân của các em đều xuất hiện các dòng trạng thái khó hiểu, liên quan tới một trò chơi và hình ảnh của con cá voi xanh.

"Thử thách cá voi xanh" cũng giống như những game giải trí trực tuyến khác có cấp độ tăng dần từ dễ đến khó. Khi tham gia, người chơi có tất cả 50 ngày để thực hiện các thử thách do "ban quản trị" (các nhóm ẩn danh điều hành trò chơi) đề ra: đầu tiên, người chơi phải thức dậy lúc 3-4 giờ sáng; than thở về cuộc sống hiện tại hay nói lời ghét bỏ người khác; xem phim kinh dị.

Bước kế tiếp là công khai tình trạng của mình trên mạng xã hội với hashtag imawhale (tôi là một con cá voi).

Những ngày tiếp theo, tần suất thực hiện thử thách tăng lên buộc người chơi phải xem phim kinh dị cả ngày, nghe những file nhạc do quản trị viên của trò chơi gửi tới đi kèm các yêu cầu tự làm tổn thương bản thân, như lấy vật nhọn khắc chữ lên tay, đâm kim vào da thịt hay dùng dao lam (dao cạo) cứa tay chân. Đến đây, trò chơi cho người tham gia tương tác với nhau để tạo thêm "động lực" thực hiện thử thách.

Nguy hiểm trò chơi trực tuyến khiến trẻ vị thành niên tình nguyện tự sát-2

Giai đoạn từ ngày thứ 15 trở đi, tư tưởng liều thân xem thường mạng sống bắt đầu được tiêm nhiễm mạnh hơn cho người tham gia. Các trẻ vị thành niên được trải qua thử thách ngồi trên mái nhà cao, thành cầu, đường ray tàu hỏa và đăng lên mạng những dòng mô tả cảm xúc của mình.

Thực hiện được các hành động càng liều lĩnh bao nhiêu thì người chơi càng được "quản trị viên" và người cùng hội nhiệt liệt tán thưởng bấy nhiêu.

Từ ngày 30 đến ngày 49 là giai đoạn nước rút của thử thách. Người tham gia sẽ phải thực hiện liên tục các hành vi tự làm tổn thương bản thân. Tất cả là để chuẩn bị cho ngày thứ 50 - ngày cuối cùng. Họ sẽ nhận được thông báo về thời gian và cách thức… tự sát. Nhưng trước khi làm việc đó, họ sẽ phải đăng một bức ảnh lên mạng xã hội, kèm theo từ "Kết thúc" - kết thúc trò chơi lẫn mạng sống của mình.

Tháng 12/2016, nữ sinh Vilena Piven, 15 tuổi, sống tại thành phố Mariupol, Ukraine, đã gieo mình từ tầng 13 xuống đất, chết ngay tại chỗ. Bạn bè cùng lớp cho biết, Vilena là một cô gái nhút nhát và từng tự cắt tay mình nhiều lần. Một cô gái khác tên Angelina, sống ở Ryazan, cách Moscow khoảng 200km, cũng nhảy lầu tự tử. Mẹ cô sau đó quyết định tự mình gia nhập vào "nhóm tự tử" trên mạng xã hội để điều tra.

Đầu tháng 3/2017, hai cô gái sống ở thành phố Irkutsk tên là Yulia và Nika đã cùng nhảy từ tầng 12 xuống. Trang cá nhân của Yulia tràn ngập hình ảnh con cá voi xanh và dòng trạng thái cuối cùng cô viết: "Tôi đã phá mọi kỷ lục"…

Hàng chục thanh thiếu niên Nga trong tổng số 130 vụ tự tử từ tháng 12/2016 tới tháng 4/2017 từng chịu không nổi áp lực từ lời dè bỉu, mạt sát của thành viên "các nhóm tự tử" trên mạng xã hội VK khi không dám thực hiện thử thách cuối cùng.

Thân phận của thành viên trong các nhóm này vẫn còn là bí ẩn, trong khi chúng vẫn tiếp tục tuyên truyền về cái gọi là "sùng bái tự sát". Những "nhóm tự tử" thậm chí còn tung lời đe dọa các thành viên qua "email đen" nếu họ từ chối không thực hiện nhiệm vụ xúi giục người khác tự sát.

Các chuyên gia tâm lý và cảnh sát an ninh mạng nhận định: "Thử thách cá voi xanh" là một trò chơi mang tính tẩy não, nhắm vào đối tượng người trẻ tò mò và cuộc sống nhiều bất ổn về tâm lý.

Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng công khai bày tỏ mối lo ngại trước tình trạng này, khi kêu gọi giới chức hành pháp áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ xúi giục người khác tự tử. Hình phạt cho những kẻ phạm tội có thể lên đến 3 năm tù.

Nguy hại hơn, "Cá voi xanh" không những âm thầm "trôi dạt" trên mạng xã hội ở Nga mà đã vượt ra ngoài biên giới nước này. Trước tính chất đặc biệt nguy hiểm của trò chơi, cảnh sát Anh mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh về sự xâm nhập và tính thu hút chết người của trò chơi với các em học sinh Anh.

Nguy hiểm trò chơi trực tuyến khiến trẻ vị thành niên tình nguyện tự sát-3

Chính quyền Nga đang rất nỗ lực để thay đổi nhận thức và luật pháp về vấn đề này. Tuy nhiên, chìa khóa cho cuộc chiến chống lại xu hướng khuyến khích trẻ vị thành niên tự tử chính là các em. Không ai biết động cơ thực sự của những kẻ đứng đằng sau các nhóm tự tử này là gì, nhưng cảnh sát cuối cùng đã có chút manh mối sau khi bắt giữ Philip Budeikhin, một quản trị viên của các nhóm tự tử trực tuyến, bị cáo buộc đã khiến 20 trẻ vị thành niên tự sát.

Sinh năm 1996, sinh sống tại vùng Siberia lạnh giá của nước Nga, ít ai ngờ gã thanh niên khá điển trai này có một tâm hồn bệnh hoạn và tư tưởng lệch lạc. Cảnh sát Nga cho biết, Philip sống khép kín, không có bạn và hiếm khi tiếp xúc ngay cả với người thân trong gia đình mình. Thay vào đó hắn thường xuyên theo dõi các video phim ma trên mạng và lấy đó làm cảm hứng, tạo nên trò chơi "Thử thách cá voi xanh".

Philip đã bắt đầu trò chơi của mình từ cuối năm 2014. Ban đầu, hắn thường dụ dỗ các thiếu niên tham gia các nhóm ảo trên mạng xã hội và còn tập hợp được một số "thành viên quản trị". Chúng cố gắng thu hút càng nhiều càng tốt, sau đó sẽ chọn ra những em dễ bị tổn thương tâm lý nhất. Trong khoảng 20.000 người, chúng sẽ chọn ra khoảng 20 người.

Philip Budeikhin thường nhằm vào trẻ vị thành niên, đặc biệt là các nữ sinh. Chuyên gia tâm lý Veronika Matyushina cho biết: "Phần lớn, những cô gái này đã phải lòng Philip. Do cuộc sống gia đình thiếu thốn tình cảm nên khi được một thanh niên đẹp trai quan tâm, các em sẽ không ngại ngần và nghe theo lời hắn".

Budeikhin khai với cảnh sát cách thức hắn lôi kéo người chơi: "Ban đầu, bạn phải tạo các nhóm với nội dung buồn bã để người khác cảm thấy bị cuốn vào không khí đặc biệt. Mọi người sau đó nhấp vào đường link và đi tới một nhóm kín. Đó là khi trò chơi bắt đầu".

Kẻ này thừa nhận đã yêu cầu nạn nhân chia sẻ thông tin cá nhân và thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, thường liên quan tới việc tự làm đau bản thân (như tự rạch tay, đâm vào đùi...). "Tôi giải thích với nhiều người vì sao chết là cách tốt nhất, khi người ta chẳng còn gì. Họ tự đưa ra quyết định. Không ai ép buộc họ".

Các nạn nhân hắn nhắm tới đều là "những kẻ vô tích sự, thừa thãi trong xã hội"- theo lời Philip thì "họ rất vui khi được chết" và gã thanh niên tâm thần này cho mình phải có nhiệm vụ "giúp thanh lọc xã hội".

Nguy hiểm trò chơi trực tuyến khiến trẻ vị thành niên tình nguyện tự sát-4
Giới trẻ đua nhau tự tử khi tham gia trò chơi "Cá voi xanh"
 

Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời mình trong năm 2016 chỉ vì hưởng ứng trò chơi này. Tuy nhiên kẻ chủ mưu 21 tuổi phủ nhận và khẳng định, hắn ta chỉ xúi giục 20 người tự tử, hắn không hề tác động gì mà hàng chục người khác vẫn sẵn sàng tự kết liễu mình. Từ đó nhiều người ước đoán rằng, không chỉ Philip mà có thể còn tồn tại rất nhiều gã như hắn. Philip Budeikin đã bị kết án 3 năm tù giam.

Việc phát hiện ra các "nhóm tự tử" trên mạng xã hội VK khiến dư luận Nga lo ngại khi tỷ lệ các vụ tự sát liên quan tới thiếu niên ở nước này ở mức cao (cứ 10.000 người thì có 20 vụ). Đây là con số cao gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình toàn cầu, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sau sự việc này, Hạ viện Nga đã thông qua luật quy định trách nhiệm hình sự cho việc thành lập các "nhóm tử thần" trên mạng xã hội, chuyên hướng trẻ vị thành niên đến hành động tự tử và lôi kéo trẻ vào các trò chơi nguy hiểm.

Ngày 29/8/2017 vừa qua, Bộ Nội vụ Liên bang Nga đã bắt giữ thêm 2 đối tượng chịu trách nhiệm quản trị một "nhóm tử thần". Nhóm này đã bị theo dõi từ khi mới thành lập hồi tháng 1/2017, tới nay đã có hàng chục thành viên tham gia.
 

Theo Công An Nhân Dân


trào lưu giới trẻ Mạng xã hội

Tin tức mới nhất