Chóng mặt với tiếng Anh của ca sĩ V-Pop

"Thú thật rằng, khi xem phần trình diễn Đinh Tùng – Cát Phượng, tôi có lại thấy nhớ danh hài Hoài Linh đọc tiếng Anh trong vở hài “Âm dương đôi đường” hơn là nghĩ đến đất nước Indonesia"

Chúng ta đã từng nghe rất nhiều người than phiền và phê phán về việc chen những tiếng nước ngoài vào tiếng Việt khi nói chuyện cho nó sang miệng. Không chỉ một vài người, việc đó đã trở thành phong trào, có lẽ nhiều người cho thế mới là lạ, là sành điệu và thế mới thể hiện được đẳng cấp. Người ta buồn, người ta trách móc và người ta kêu gọi việc chỉnh sửa những ngôn từ ấy cho phù hợp với sự toàn vẹn của tiếng Việt.

Nhưng hiện nay, không chỉ lớp trẻ mà chính những người nổi tiếng trong xã hội cũng bắt đầu đi theo trào lưu ấy. Có điều, họ nâng nó lên một “tầm cao mới”, họ không nói mà hát, họ không đệm một vài từ nước ngoài mà nguyên cả một tiết mục biểu diễn của mình khán giả không nghe thấy tiếng Việt ở đâu. Mặc dù, có khi chính những nghệ sĩ biểu diễn cũng chẳng hiểu gì.


Hương Tràm gây ấn tượng mạnh tại Giọng hát Việt
với ca khúc I will always love you...


thì Bảo Anh lại bị ném đá dữ dội vì khả năng phát âm
tiếng Anh hạn chế cùng giọng hát mỏng, dẹt, thiếu chiều sâu.


Lẽ dĩ nhiên, trong thời buổi hội nhập toàn cầu, việc biết sử dụng ngôn ngữ nước ngoài là điều cần thiết và quan trọng để có thể giao lưu và phát triển. Việc hát tiếng Anh, tiếng Hàn,… chẳng có gì sai. Chỉ có điều, nhiều ca sĩ đã quên đi mất thế nào là hát. Hát khác đọc lời bài hát theo nhạc ở chỗ, người ca sĩ phải hiểu và thể hiện được cảm xúc của bài hát. Nhưng thực sự, chúng ta không hiểu, rất nhiều ca sĩ hiện nay làm sao mà “hát cho ra hát” được khi mà đến đọc lời bài hát còn không chuẩn.

Dù đã kết thúc, nhưng có lẽ vẫn chưa ai quên được chương trình Giọng hát Việt. Vì những sacandal của nó, và cũng vì một điều đặc biệt: hát tiếng Anh thì dễ dàng được chọn, rất ít những thí sinh hát tiếng Việt lọt được vào “mắt xanh” của 4 huấn luyện viên.

Nhiều người phản đối nhưng cũng nhiều người ủng hộ. Người ta lấy lý do là hiện nay việc hát tiếng Anh là chuyện phổ biến, thời buổi toàn cầu hóa cần phải hội nhập cả kinh tế lẫn văn hóa và có người còn khẳng định, Giọng hát Việt sẽ đưa những giọng ca Việt Nam….vươn ra biển lớn.


Đinh Hương gây được ấn tượng khi thể
hiện ca khúc Forever and one

Không hiểu người ta sẽ đưa những giọng ca ấy “vươn tầm thế giới” kiểu gì  khi mà chính những người dùng tiếng Anh làm sinh ngữ còn không hiểu nổi một câu nào. Sau khi xem tập 4 của chương trình Giọng hát Việt, chồng ca sĩ – nhạc sĩ Giáng Son, một giảng viên tài chính người Mỹ, đã phải thốt lên: "Cái kiểu tiếng Anh quái quỷ gì thế này?!” và sau khi xem đến tiết mục thứ 6 của một thí sinh được cả 4 huấn luyện viên lựa chọn và hết lời ca ngợi đã phải bỏ đi để lại lời nhận xét: "Tôi không hiểu tẹo nào trong số những gì cô ấy phát âm ra!".

Không biết có một ai trong số những giọng ca tiếng Anh từng làm rớt biết bao nước mắt của 4 huấn luyện viên ấy dám lấy việc hát tiếng Anh làm sự nghiệp của mình. Nhưng nếu hát bằng tiếng Việt, không biết bao nhiêu giọng ca “đầy cảm xúc và nội lực” ấy có thể làm hài lòng khán giả Việt khi không còn vị huấn luyện viên nào ngồi dưới để tung hô và khen ngợi nữa.

Đến cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo đang phát sóng, rất nhiều cặp đôi đã chọn tiếng nước ngoài để thể hiện phần thi của mình. Họ đưa chúng ta đi Anh, Nhật, Hàn, Indonesia và có cặp đôi (Đinh Tùng, Cát Phượng) còn cho khán giả lướt qua cả bốn nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam chỉ trong một phần trình diễn.

Kể mà được đi thăm khắp nơi cũng thú vị, nhưng khán giả lại chỉ thấy hoa mắt chóng mặt, giống như một người bị bịt mắt, được dẫn đi đến mỏi chân và đến đâu cũng được giới thiệu rằng “đây là nơi có phong cảnh đẹp”. Người ta bảo mình đang ở đó mà mình thật lòng chẳng biết mình đang ở đâu, thôi thì cứ ậm ừ cho lịch sự.

Thú thật rằng, khi xem phần trình diễn Đinh Tùng – Cát Phượng, tôi có lại thấy nhớ danh hài Hoài Linh đọc tiếng Anh trong vở hài “Âm dương đôi đường” hơn là nghĩ đến đất nước Indonesia.


Phần trình diễn của Phan Đình Tùng và Cát Phượng
trong Cặp đôi hoàn hảo

Dẫu biết, chương trình này không phải là cuộc thi để chọn giọng hát hay, nhưng các thí sinh vẫn phải trình diễn giọng hát của mình. Chắc vì không phải ca sĩ chuyên nghiệp, nên nhiều người đã chọn… hát tiếng nước ngoài và chủ yếu là hài cho đỡ bị chê chăng? Nếu thế, từ năm sau có lẽ nên đổi thành chương trình “Cặp đôi hài hước” thay cho cái tên “Cặp đôi hoàn hảo”.

Trong thời buổi hội nhập toàn cầu, việc hiểu văn hóa của các nước bạn là điều cần thiết và đáng được ủng hộ. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ đâu, các nghệ sĩ – những người của công chúng – trước khi trình diễn bất cứ một tác phẩm nước ngoài nào cần phải hiểu và phải làm cho khán giả cảm nhận được giá trị của nó. Điều đó, không những thể hiện sự tôn trọng của nghệ sĩ đối với khán giả, với nước bạn mà còn thể hiện chính văn hóa và sự nghiêm túc của nghệ sĩ đối với nghề nghiệp của mình.

Theo 24H

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao