6 bài ca rộn ràng đầy hứng khởi phải nghe trong ngày bầu cử

(2sao) – Qua những tiếng hát và ca khúc này, không khí bầu cử toàn dân sẽ trọn vẹn và nô nức hơn.

Toàn dân hôm nay nô nức xuống đường tham gia ngày hội quốc gia, chọn mặt gửi vàng tới những đại biểu xứng đáng của mình. Không khí đất nước, dân tộc hòa trọn niềm vui, mùa xuân phơi phới đang bừng sáng khắp nẻo đường. 

Nhưng sẽ còn trọn vẹn hơn nếu chúng ta nghe những ca khúc này qua tiếng hát của một số danh ca đỉnh cao.

Tàu anh qua núi – Nsnd Thanh Hoa

Vào những năm 1977 – 1978, tàu Thống Nhất chạy khá chậm do chưa hoàn chỉnh về kĩ thuật, nhiều đoạn đường gặp khó khăn, nhất là đoạn lên đèo Hải Vân.

Vợ chồng nhạc sĩ Phan Lạc Hoa – nsnd Thanh Hoa trong một lần đi tàu vào Nam đã được nghe trưởng tàu kể lại mối tình của anh với một cô gái làm đường trên đèo Hải Vân. Mối tình thắm thiết nhưng không thành vì cô gái đã ra đi mãi mãi trên đường làm nhiệm vụ.



Ám ảnh câu chuyện đó, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã sáng tác ca khúc Tàu anh qua núi để ngợi ca những tình yêu trong sáng hi sinh vì sự nghiệp thống nhất dân tộc. 

Hình ảnh đoàn tàu nối nhau từ Bắc vào Nam, vượt đèo Hải Vân sừng sững trong ca khúc không chỉ vinh danh sức mạnh con người Việt Nam chinh phục thiên nhiên, quân thù, mà còn biểu tượng cho tình anh em Bắc Nam bền chặt, cho đất nước liền một dải, chung một nhà.

Nsnd Thanh Hoa là người hát ca khúc này đầu tiên và hay nhất. Chất giọng nữ cao trữ tình mềm mại với âm sắc độc lạ kèm theo những luyến dân tộc của bà giúp toát lên rõ nhất chất tình ca thế kỉ của ca khúc.

Bài ca thống nhất – Nsnd Thu Hiền

Bài ca thống nhất có một hoàn cảnh ra đời vô cùng lịch sử, nó được nhạc sĩ Võ Văn Di sáng tác và hoàn thành đúng vào năm 1975 – năm chiến thắng toàn dân, thống nhất dân tộc, Bắc Nam thu về một mối.



Ca khúc này quả thực là “nhạc trung hữu họa” khi vẽ nên bức tranh đất nước hòa bình đầy tươi sáng, tràn ngập màu sắc của gấm hoa, lồng lộng biển trời bao la, đầy sức sống với những con tàu ra Bắc vào Nam. Quê hương Việt Nam sau bao năm máu chảy thành sông nay đã lành vết thương, thức dậy đầy trẻ trung.

Chỉ có giọng hát dân ca ấm áp, đầy đặn của nsnd Thu Hiền mới truyền tải được cái điệu hồn nhân dân trong ca khúc này.

Đường chúng ta đi – Nsnd Lê Dung

Đường chúng ta đi được Huy Du và Xuân Sách hoàn thành năm 1968, giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang khốc liệt với bao tang thương, hi sinh, mất mát.



Ca khúc ra đời với giai điệu hào hùng, lời ca tự hào, đầy khí chất quật khởi dân tộc đã xua đi đau buồn, khích lệ tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, tiếp thêm niềm tin – hi vọng cho toàn dân vững bước trên con đường đã chọn để mơ về tương lai vẻ vang, tươi sáng. Không gian nghệ thuật “con đường” bao trọn toàn ca khúc.

Với giai điệu mang tính rộng lớn, bao quát như vậy, chỉ có giọng nữ cao thính phòng lồng lộng, cộng minh rực rỡ của cố nsnd Lê Dung kết hợp cùng dàn nhạc giao hưởng mới đủ sức truyền tải khí chất sử thi, hào hùng của nó.

Huế, Sài Gòn, Hà Nội – Nsnd Thanh Huyền

Huế, Sài Gòn, Hà Nội là bài thơ được nhà thơ Lê Nguyên sáng tác năm 1960, giữ lúc hai miền đất nước đang bị chia cắt và được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc. Bài hát thể hiện tình cảm của một người con dành cho nhân dân ba miền đất nước và ước mơ về ngày mai thống nhất đầy reo vui, mặn nồng.



Không ai có thể hát ca khúc này hay hơn tiếng hát dân ca quan họ ngọt ngào, với những luyến láy mộc mạc, đậm hồn quê của nsnd Thanh Huyền. Chất giọng sáng, vang bẩm sinh của bà như hơi thở vọng mãi.

Nối vòng tay lớn – Khánh Ly

Nối vòng tay lớn được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1970 để tri ân người bạn của ông, một chiến sĩ cách mạng. Đây là một trong số ít những ca khúc mang âm hưởng tươi sáng, tính quần chúng mạnh mẽ của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, bên cạnh những bài hát triết học, hiện sinh, tình ca, suy tư.



Ca khúc có nội dung rộng lớn, cổ vũ đoàn kết dân tộc, “nối tròn một vòng Việt Nam”, đặc biệt hướng về thế hệ trẻ đầy nhựa sống.

Có rất nhiều bản thu được thực hiện, nhưng tuyệt vời nhất vẫn là bản thu của Khánh Ly trong đĩa Sơn ca 7. Việc phối acoustic đơn giản cùng tiếng hát nasal liêu trai, ma mị của Khánh Ly thể hiện trọn vẹn chất hiện sinh chủ nghĩa của giới trẻ những năm 60, với bão táp phong trào Beatniks.

Ca khúc này đã trở thành bài ca chủ đề cho thanh niên Việt Nam ngày nay.

Tình ca – Thái Thanh

Tình ca được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1969, là một ca khúc đồ sộ với lời ca phong phú, sử dụng chất liệu dân ca nhuần nhuyễn, thăng hoa một cách tinh tế.



Ca khúc là tình yêu da diết với đất nước, nhân dân Việt Nam suốt 4000 năm lịch sử; yêu văn hóa – văn hiến dân tộc; yêu hào kí Đông A ngời ngợi; yêu mẹ cha; yêu con trẻ; yêu làng quê; yêu từ cái đau thương đến cái vinh quang và vững tin vào tương lai.

Chỉ có tiếng hát thiên thai, thoát tục và sự từng trải của danh ca Thái Thanh mới đủ sức truyền tải hết mọi ý nghĩa lớn lao trong ca khúc này.

Ngày hội toàn dân cũng là ngày hội của mỗi người, thưởng thức âm nhạc để thấy mình sống cùng dân tộc trong những thời khắc lịch sử, để tự hào vì là người Việt Nam.

Đức Long
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất