7 ca khúc có cao độ “khó nhằn” của Vpop

Đó là những ca khúc có những nốt nhạc rất cao mà ngay cả ca sĩ chuyên nghiệp cũng khó để cover lại.

Yêu mình anh – Thu Minh

Thu Minh là một trong những giọng nữ cao xuất sắc của nhạc nhẹ Việt Nam nên những ca khúc của cô chưa bao giờ dễ dàng để người khác cover. Không chỉ riêng Yêu mình anh mà bất cứ bài hát nào của Thu Minh cũng đều đòi hỏi người hát phải có quãng giọng rộng xấp xỉ 3 quãng 8. Những nốt cao rất căng và mạnh là sở trường của Nữ hoàng nhạc Dance.



Ca khúc Yêu mình anh có nhịp phách tương đối đơn giản nhưng cao độ lại không hề như vậy. Bài hát được mở đầu bằng những nốt nhạc rất trầm nhưng khi chuyển sang phần điệp khúc thì cao độ lại cuộn trào, dâng lên liên tục. Nốt cao nhất của bài đã lên tới Đô thăng (quãng 6). Nếu người hát không có âm vực rộng và trường hơi thì chênh, phô, lạc giọng sẽ là điều tất yếu.

Thu Minh gây ấn tượng với bài hát gần như toàn nốt cao
    
Anh – Hồ Quỳnh Hương

Hồ Quỳnh Hương có điểm chung với Thu Minh về “độ dài” của giọng hát. Những bài hát của cô không hề dễ dàng để cover vì đòi hỏi kỹ thuật nhuần nhuyễn cũng như cảm xúc đong đầy. Ở các nốt cao của Hồ Quỳnh Hương, người nghe tưởng chừng rất đơn giản nhưng khi nhẩm theo thì mới biết không hề dễ hát. Những nốt cao của cô sử dụng kỹ thuật vang đỉnh trán, rất mượt mà nhưng không vì thế độ mạnh bị ảnh hưởng.



“Anh” là một trong những ca khúc tiêu biểu nhất của Hồ Quỳnh Hương. Bài hát có rất nhiều nốt cao như Fa, Sol (quãng 5). Trong đoạn phiêu ở phần điệp khúc cuối bài, Hồ Quỳnh Hương làm rất xuất sắc hai lần chuyển nốt cao Fa-Sol với làn hơi chắc chắn. Các ca sĩ hát lại bài này thường dựng và phiêu phá cách so với bản gốc để việc hát trở nên dễ dàng hơn.  

Hai lần chuyển nốt Fa-Sol ấn tượng của Hồ Quỳnh Hương từ 5:22 – 5:45

Họa mi hót trong mưa – Khánh Linh

Là giọng nữ cao giàu học thuật nên việc sử dụng các nốt cao của “Họa mi” Khánh Linh thường không gặp bất cứ trở ngại nào. Thực tế giọng hát của Khánh Linh khá mỏng nhưng những “kỹ sảo” thanh nhạc đã giúp cô hạn chế được tối đa điều đó. Cô có lối hát nốt cao pha giả thanh tinh tế, giúp tiết chế làn hơi hiệu quả.



Nhiều người vẫn cho rằng ca khúc Họa mi hót trong mưa ra đời như để dành riêng cho Khánh Linh dù trước đó có nhiều đàn chị thể hiện thành công. Giọng hát trong veo, thánh thót của cô rất phù hợp với tựa đề, nội dung ca khúc. Ở đoạn kết bài, Khánh Linh thực hiện một màn nảy âm giả thanh (staccato) cao chót vót khiến người nghe cảm nhận được cô là một chim họa mi thực sự.  

Khánh Linh thực hiện màn nảy âm giả thanh cuối bài một cách xuất sắc

Để mãi được gần anh – Mỹ Linh

Mỹ Linh là một giọng ca nữ có quãng giọng rộng và lối thể hiện bài hát thông minh. Các ca khúc của Mỹ Linh thường không đòi hỏi nhiều cao độ quá khó mà ngược lại, lại đề cao lối phát âm, nhả chữ thật tinh tế, giàu cảm xúc đến từng từ từng chữ. Nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng, nhả chữ tròn, đẹp và rõ như Mỹ Linh thì ở làng nhạc Việt không có người thứ hai.



Để mãi được gần anh là bài hát có cao độ ấn tượng của nữ diva. Nếu không phải là một giọng ca khỏe, có kỹ thuật điều hòa làn hơi tốt thì không thể hát được ca khúc này. Trong bài có rất nhiều nốt cao thuộc quãng tám thứ 5 theo bàn phím piano. Đặc biệt câu hát “Và tiếng ca vang lên lời ca sẽ đưa em về lại bên anh” chỉ toàn là những nốt cao rất khó “nhằn”.   

Cao độ ấn tượng của Mỹ Linh từ 3:36 – 3:58

Buồn ơi, chào mi – Bằng Kiều

Bằng Kiều là ca sĩ gạo cội của làng nhạc Việt. Anh sở hữu chất giọng nam cao quý hiếm với những nốt cao “khét tiếng” mà nhiều giọng ca nữ còn phải dè chừng. Ở tuổi 42 nhưng giọng hát của Bằng Kiều vẫn cao vút, ngân vang như một đứa trẻ chưa từng trải qua quá trình vỡ giọng. Điều đó khiến Bằng Kiều lên những nốt cao rất tròn, đẹp mà không gặp trở ngại nhiều.



Sáng tác Buồn ơi, chào mi của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được Bằng Kiều thể hiện rất thành công. Đây là một bài hát giàu tính thế sự, đời tư nên đòi hỏi lối hát phải thật tinh tế và tình cảm phải xuất phát từ nội tâm sâu sắc. Trong bài, Bằng Kiều đã lên tông tới hai lần ở điệp khúc cao trào một cách xuất sắc khiến người nghe không tránh khỏi cảm giác “nổi da gà”. 

Hai lần lên tông “không tưởng” của Bằng Kiều từ 3:15 – 4:00

Phố không mùa – Bùi Anh Tuấn

Khi mới xuất hiện tại Giọng hát Việt 2012, Bùi Anh Tuấn đã được xem như một hiện tượng âm nhạc. Giọng hát nam cao của anh có quãng rất rộng khiến nhiều người liên tưởng đến đàn anh Bằng Kiều. Những ca khúc lên tông tới hai, thậm chí là ba lần cũng không hề gây khó khăn gì đối với chàng ca sĩ điển trai sinh năm 1991. 



Trong ca khúc Phố không mùa, nếu phần trầm do nhạc sĩ Dương Trường Giang đảm nhiệm thì toàn bộ phần cao lại dành cho Bùi Anh Tuấn. Để thực hiện được những nốt cao gần như “không tưởng” đối với một giọng nam thì Bùi Anh Tuấn đã rất khéo léo vận dụng cách hát giọng pha điêu luyện. Chính vì thế các nốt cao ở gần cuối bài không hề bị chói mà vẫn rất mượt mà, ấn tượng.

Đoạn lên tông điệp khúc cao vút của Bùi Anh Tuấn từ 5:37 – 6:25

Sao anh vẫn chờ - Hương Tràm

Biệt danh “tài không đợi tuổi” phần nào đã nói lên được tài năng ca hát bẩm sinh của Hương Tràm. Mặc dù mới ở độ tuổi mới lớn nhưng quán quân Giọng hát Việt 2012 đã sở hữu một giọng hát khỏe khoắn với quãng rộng không hề thua kém nhiều đàn anh, đàn chị. Chính vì vậy nên Hương Tràm có thể thể hiện được nhiều dòng nhạc khác nhau mà không gặp nhiều khó khăn.



Sao anh vẫn chờ là một bản nhạc RnB trẻ trung, hiện đại mà nhạc sĩ Lưu Thiên Hương “đo ni đóng giày” cho Hương Tràm. Đây là một bản nhạc mà gần như toàn bộ là cao trào, có rất nhiều nốt cao bằng giọng thật nên đòi hỏi người hát có cao độ, trường độ thật tốt. Với chất giọng nội lực bẩm sinh, Hương Tràm vẫn luôn làm tốt ca khúc này ngay cả khi hát live.

Bản hát live đầy nội lực của Hương Tràm

Đức Thịnh
Theo Vietnamnet



Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao