Mặt tối kinh hãi đầy máu và nước mắt ở làng giải trí Hàn

Những bản hợp đồng với những điều khoản “nô lệ” đã và đang tồn tại trong những "đế chế" công ty giải trí Hàn Quốc. Chúng hé lộ phần nào mặt trái đầy máu và nước mắt của Kpop.

"Đế chế" của những công ty quản lý

Trong một bài viết được đăng tải trên trang Herald của Hàn Quốc do học giả luật Jassper Kim viết có đoạn: “Hãy tưởng tượng về một thế giới nơi mà chế độ nô lệ, những thứ liên quan đến trẻ vị thành niên và những nạn nhân khác không chỉ bị làm ngơ, mà còn đường đường được thực hiện theo pháp lý. Đây không phải là một thế giới trong tiểu thuyết, mà trong thực tế, đó là chuyện đang xảy ra tại Hàn Quốc, nơi mà các sản phẩm về văn hóa được biết đến nhiều nhất. Tình trạng này liên quan đến cái gọi là “Làn sóng Hàn Quốc”.

Chúng ta có thể thấy những con số “khủng” về số đĩa bán ra của các ban nhạc thần tượng xứ Hàn hay số tiền thu được từ hàng loạt những concert thu hút hàng trăm nghìn người. Những thu nhập đó không phải thuộc về tất cả các ngôi sao K-Pop, bởi giữa họ và công ty quản lý luôn có một hợp đồng lao động khắc nghiệt mà nhiều nghệ sỹ hàng năm trời gần như làm không công.

Ủy ban công bằng thương mại Hàn Quốc đã kiểm tra 20 công ty giải trí và phát hiện ra 230 nghệ sỹ trực thuộc 19 công ty phải ký những bản hợp đồng có những điều khoản “nô lệ”. Trong đó có những quy định như: phải cho công ty biết đích xác mình đang ở đâu ở mọi thời điểm, không được phép tự ý thôi việc nếu không có sự chấp thuận của công ty, nếu tuyên bố kết thúc hợp đồng sẽ đồng nghĩa với việc kết thúc tất cả các hoạt động đã giúp họ nổi tiếng...

“Đế chế” Kpop: Máu và nước mắt - 1
Các nghệ sỹ trực thuộc SM Entertainment phải chịu ràng buộc bởi
những hợp đồng dài hạn, có khi lên đến 13 năm

Thông thường trong hợp đồng giữa thực tập sinh và công ty quản lý có thời gian dài hạn, trung bình từ 5 ~ 10 năm, thậm chí là 20 năm. Đó là chưa bao gồm những khoảng thời gian một số ngôi sao không tham gia hoạt động giải trí, ví như sao nam phải đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 2 năm. Khi đó, thời hạn của bản hợp đồng sẽ phải ra hạn thêm.

Đương nhiên trong quãng thời gian ký hợp đồng, thu nhập của nghệ sỹ sẽ được phân chia tỷ lệ phần trăm với công ty quản lý. Tùy từng công ty lớn, nhỏ sẽ có những mức tỷ lệ khác nhau, thường là 7 – 3 (công ty giải trí được 70% - ngôi sao được 30%) hoặc 8 – 2.

Mức thỏa thuận này được lý giải vì trong quãng thời gian làm thực tập sinh nhiều năm liền, công ty giải trí phải đầu tư rất nhiều cho một ngôi sao. Đồng thời, ban quản lý của công ty cũng phải chi trả nhiều khoản trong việc xây dựng, phát triển kế hoạch hoạt động của các ban nhóm, ca sỹ.

Đó cũng là nguyên nhân khiến nảy sinh những vụ kiện tụng giữa sao và công ty quản lý xung quanh bản hợp đồng lao động được gọi là “hợp đồng nô lệ”.

Kiện tụng xung quanh các bản “hợp đồng nô lệ”

SM Entertainment (viết tắt là SM E.) là một công ty giải trí hàng đầu của showbiz Hàn, nắm trong tay quyền thao túng nhiều hãng truyền thông, truyền hình. Đây cũng là nơi nổi tiếng “bóc lột nghệ sỹ” khi một loạt những vụ kiện tụng đình đám đều liên quan đến SM E. và ca sỹ trực thuộc.

Điển hình nhất là vụ kiện tụng đình đám kéo dài 3 năm giữa 3 thành viên Park Yoo Chun, Kim Jae Joong, Kim Jun Su của nhóm DBSK với công ty quản lý SM E.

“Đế chế” Kpop: Máu và nước mắt - 2
Vụ kiện tụng đình đám kéo dài 3 năm giữa 3 thành viên Park Yoo Chun,
Kim Jae Joong, Kim Jun Su trong nhóm DBSK với công ty quản lý SM E được
xem là điển hình của việc ca sỹ bất bình với hợp đồng "nô lệ"

Tháng 7 năm 2009, ba thành viên DBSK đã cùng nhau khởi kiện SM E. và tố cáo về bản hợp đồng “nô lệ”.

Qua các cuộc tranh chấp trên tòa, 3 ca sỹ này cho biết SM E. chỉ phát lương 6 tháng 1 lần cho các thành viên DSBK. Hợp đồng độc quyền của SM E. với các thành viên trong nhóm kéo dài 13 năm. Cho dù trên giấy tờ có quy định tỷ lệ phần trăm mà mỗi thành viên được chia nhưng trên thực tế, họ không nhận được phần lợi tức từ các concert và các hoạt động khác là mấy. Các nghệ sỹ chỉ được chia phần thừa thãi sau hàng loạt các thành phần quản trị, người giữ cổ phiếu công ty… Trong khi là người có công lớn nhất mang lại lợi nhuận nhưng họ chưa bao giờ được biết chính xác về khoản lợi tức mà mình thực sự kiếm được.

“Đế chế” Kpop: Máu và nước mắt - 3
Han Kyung

Nói đến Super Junior, vụ kiện tụng đình đám giữa cựu thành viên Han Kyung và SM E. cũng từng khiến cộng đồng mạng nổi sóng. Vụ việc liên quan đến bản hợp đồng bản quyền dài 13 năm của Han Kyung, trong đó có rất nhiều những quy định ngặt nghèo đánh vào tài chính.

Nếu Han Kyung đi muộn hoặc vắng mặt trong các buổi tập của nhóm, nếu không thực hiện trọn vẹn được yêu cầu sẽ bị phạt 10.000 won (khoảng 196.000 VND) trong lần vi phạm đầu tiên. Nếu vi phạm những lần tiếp theo, số tiền phạt sẽ tăng theo cấp số nhân. Khi nhóm chính thức đi vào hoạt động, nếu vắng mặt trong các buổi tập, Han Kyung sẽ phải chi trả toàn bộ khoản thiệt hại. Nếu không hoàn thành yêu cầu, anh sẽ bị phạt khoảng 5 triệu won (khoảng 98 triệu VND). Bất công nhất là việc những quy định này không loại trừ những trường hợp bất khả kháng như ốm, đau.

Vì vậy dù bị ốm, Han Kyung vẫn không dám vắng mặt trong các buổi tập của nhóm. Tháng 12/2009, anh chính thức đâm đơn kiện SM E.

“Đế chế” Kpop: Máu và nước mắt - 4
KARA

Một vụ kiện tụng om sòm khác đã diễn ra giữa nhóm nhạc nữ tên tuổi KARA và công ty quản lý DSP Media vào tháng 1/2011.

4 trong số 5 thành viên của KARA đã tuyên bố điều này thông qua luật sư và phát biểu rằng: “Những tổn thương về mặt tâm lý mà họ phải chịu đựng không thể mô tả được bằng lời và những nỗ lực họ đã bỏ ra trở thành vô ích”.

Nguyên nhân chính xuất phát từ việc phân chia lợi nhuận không công bằng. Một nguồn tin cho biết, KARA đã mang về lợi nhuận 18 triệu đôla chỉ tính riêng tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, mỗi thành viên chỉ được trả 3.000 đôla vào tháng 12/2010. Nhóm cũng chỉ được trả tiền bán album vào tháng 8 và 9, những khoản thù lao đóng quảng cáo và đi sự kiện không được tính cho các cô gái.

Sau những lùm xùm về việc tố cáo “hợp đồng nô lệ”, giữa 4 thành viên của KARA đã có một sự thỏa thuận với công ty quản lý và họ tiếp tục làm “gà nhà” của DSP Media.

Có một sự khác biệt lớn trong thời gian ký hợp đồng ban đầu giữa SM E. và các công ty giải trí lớn khác. Các thành viên DBSK phải ký hợp đồng 13 năm. Điều này tương tự với từng thành viên Super Junior. Hợp đồng của Yoona nhóm SNSD cũng kéo dài 13 năm. Với các thành viên nhóm SHINee là từ 6 đến 13 năm.

Trong khi các nhóm nhạc khác trực thuộc YG Entertainment như Wonder Girls có hợp đồng kéo dài 7 năm, Big Bang có hợp đồng 5 năm hay như hợp đồng của SS501 với công ty quản lý là 5 năm. Điều này mới phù hợp với luật quy định tại Hàn (cho phép hợp đồng lao động từ 5 đến 7 năm với nghệ sỹ).

Ngôi sao bị vắt kiệt sức vì công ty quản lý

K-Pop nổi tiếng là nơi có chế độ đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Nhiều câu chuyện được chính những người trong cuộc kể lại về việc bị vắt kiệt sức lao động khiến công chúng bàng hoàng về một “đế chế” K-Pop.

Nam ca sỹ Bi Rain có lần phải tham gia 2 talk show truyền hình trong cùng một buổi tối khiến anh suýt bị tai nạn do quá mệt mỏi và bị thiếu ngủ. Lee Teuk, trưởng nhóm Super Junior, cũng từng phải nhập viện vì làm việc quá sức.

Tình trạng tương tự xảy ra với các thành viên nhóm nhạc nữ như Seung Yeon nhóm KARA, Ji Yeon nhóm T-ara, Hyun Ah nhóm 4Minute… Sau khi kết thúc bộ phim Vườn sao băng, Kim Hyun Joong đã bị ngất khi đang quay một quảng cáo. Lịch làm việc của chàng ca sỹ này chỉ cho phép anh được ngủ từ 2~3 tiếng trong nhiều ngày liền.

“Đế chế” Kpop: Máu và nước mắt - 5
Vì lịch làm việc kín như bưng, thời gian ngủ nghỉ rất ít,

“Đế chế” Kpop: Máu và nước mắt - 6
... nên việc ngủ ở bất kỳ đâu..

“Đế chế” Kpop: Máu và nước mắt - 7
...là hình ảnh quen thuộc của nhiều ca sỹ thần tượng Kpop

Nhiều trường hợp ca sỹ thần tượng K-Pop bị gục ngay trên sân khấu. Đó không chỉ là hệ quả của những căn bệnh và chấn thương do tập luyện quá sức mà còn bởi ảnh hưởng tâm lý từ những án phạt trong hợp đồng lao động.

Thành viên Seung Ho nhóm nhạc nam MBLAQ từng gục ngã ngay trên sân khấu khi thực hiện một vũ đạo khó. Nguyên nhân vì anh đã cố gắng quá sức ra trình diễn cùng nhóm trong khi biết rõ mình đã bị chấn thương thoát vị đĩa đệm. Nữ ca sỹ Krystal nhóm F(x) ngã quỵ trên sân khấu tháng 11/2010 và phải được đưa vào bên trong sân khấu trong sự lo lắng của fan hâm mộ.


Video: Krystal gục ngã ngay trên sân khấu do kiệt sức

Con số những ngôi sao K-Pop nhập viện vì kiệt sức ngày một tăng cao. Không chỉ là 1 thành viên bị mệt mỏi mà tất cả các thành viên nhóm F.Cuz cùng đồng loạt phải nhập viện năm 2010. Họ đã bị bắt ép tập luyện quá căng thẳng vào thời điểm chuẩn bị ra mắt nhóm.

“Đế chế” Kpop: Máu và nước mắt - 8
Suzy bị thương ở mắt cá chân bị thương vì tập luyện

Nhiều ca sỹ thần tượng từng chia sẻ, họ phải tập từ sớm tinh mơ đến lúc đêm khuya. Có những khi chỉ được ngủ 1 tiếng/ngày trong nhiều ngày quay MV ca nhạc. Thành viên So Yeon nhóm T-ara cũng từng cho hay, nhóm từng đối mặt với quãng thời gian làm việc không ngừng, không có một ngày nghỉ suốt 12 tháng.

Chắc chắn rằng nếu các công ty quản lý Hàn Quốc chỉ chăm chăm nhìn vào lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ đến quyền lợi của các ngôi sao thì những vụ kiện tụng và những vụ nhập viện sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Theo Khampha

Tin tức mới nhất