Nghệ sĩ nhân dân được lòng toàn dân, họ là ai? (Phần 2)

(2Sao) – Sau ồn ào quanh chuyện phong tặng nghệ sĩ nhân dân cho một số nghệ sĩ mới đây, cùng điểm lại những nghệ sĩ nhân dân thực sự mà không ai dám phản đối.

>> Những nghệ sĩ nhân dân được lòng của toàn dân, họ là những ai (phần 1)

Chuyện diễn viên hài Tự Long và một số nghệ sĩ khác được phong tặng nghệ sĩ nhân dân trong thời gian gần đây gây xôn xao dư luận. Nhiều tranh cãi đã nổ ra về việc họ có xứng đáng hay không. 

Những ồn ào này vô tình khiến không ít khán giả cảm thấy hoài nghi về giá trị của danh hiệu cao quý này, rằng nó có phải công cụ để chạy theo thành tích trước nay hay chăng. 



Để khẳng định giá trị của danh hiệu này, hãy cùng điểm lại tên tuổi một số nghệ sĩ nhân dân “chuẩn mực” trong nhiều năm qua. 

Qua đây, cũng có thể thấy, giá trị đích thực của danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đang dần bị mai một, khi những người được phong tặng có tài năng, cống hiến chưa xứng đáng, khiến khán giả phải hoài nghi, dị nghị. 

NSND Thu Hiền

Thu Hiền có lẽ là một trong số ít nghệ sĩ nhân dân được đông đảo khán giả yêu mến và biết đến nhiều nhất.

Bà sở hữu chất giọng nữ cao trữ tình đầy đặn, ấm áp mà lại ngọt ngào, với những lối luyến láy dân ca giản dị, chân thành nhưng đầy nhạc tính, trầm bổng.



Thu Hiền cũng là nghệ sĩ thứ hai sau Thanh Huyền thành công trong việc lồng ghép dân ca vào nhạc cách mạng, đem âm nhạc dân gian dân tộc phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Bà nổi tiếng với những bản dân ca từ mọi miền đất nước. Trong nhiều năm qua, Thu Hiền vẫn là tiếng hát dân ca được yêu thích nhất, không thể thay thế.

NSND Thanh Huyền

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Huyền là một trong những tiếng hát xuất sắc nhất của nền dân ca truyền thống và nhạc cách mạng Việt Nam. 

Chất giọng của Thanh Huyền vang bẩm sinh, sáng đẹp, mềm mại và mượt mà như dòng suối. Bà là một trong những thế hệ ca sĩ đầu tiên biết kết hợp kĩ thuật thanh nhạc cổ điển phương Tây với những lối hát cổ truyền của dân tộc, nói nôm na là kết hợp thành công giữa lối hát mở, hát đẹp kiểu bel canto với lối hát khép tiếng trong dân ca phía Bắc. Nhờ vậy, bà đã tạo nên được những màu sắc rất mới, rất riêng khi hát dân ca, đảm bảo cho một giọng hát đầy kĩ thuật mà vẫn thấm nhuần nét truyền thống, dân tộc. 

Thanh Huyền cũng thường được ngợi ca về cách hát tròn vành, rõ chữ, hát âm nào nảy và vang âm đó, đúng chuẩn “vang, rền, nền, nảy”.



Là một trong những tiếng hát quan họ hay nhất miền Bắc, Thanh Huyền đã thổi hồn dân ca thành công vào nhạc cách mạng, tạo nên điệu hồn dân tộc thấm đẫm trong những ca khúc nhạc cách mạng.

Với thành công trong sự nghiệp, Thanh Huyền đã được lưu diễn khắp năm châu, đem dân ca Việt Nam tới mọi miền thế giới. Bà là thế hệ đầu tiên được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân và đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

NSND Phùng Há

Cũng như Bảy Nam, cố nghệ sĩ nhân dân Phùng Há được xem như tổ nghề của cải lương Nam Bộ.

Không chỉ đóng góp to lớn với nghề cải lương qua hàng trăm kịch bản diễn khác nhau, Phùng Há còn có công trời biển trong việc đào tạo, dẫn dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này. Rất nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội hiện nay là học trò của bà.



Trong suốt sự nghiệp của mình, Phùng Há đã đi tới mọi hang cùng ngõ hẻm ở miền sông nước Nam Bộ để diễn cho nhân dân xem. Đến đâu bà cũng được chào đón nồng nhiệt, vé bán không còn thừa một chỗ.

Nhạc sĩ Chí Tâm từng nói: “Đối với thế hệ chúng tôi, má Bảy là một ngôi sao Bắc Đẩu trên vòm trời sân khấu cải lương. Má chính là tấm gương để chúng tôi noi theo ước nguyện: Dù sân khấu có khó khăn đến đâu vẫn nghiêm túc trong sáng tạo. Tôi nhớ lời má dạy: Khi không còn là kép, là đào chánh thì chuyển sang đóng vai lão. Ở vị trí nào thì người nghệ sĩ hãy làm tốt vai diễn của mình. Có như vậy mới xứng đáng được công chúng thương yêu”.

NSND Út Trà Ôn

Cố nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn cũng là một trong những tổ nghề của cải lương Nam Bộ.

Ông sở hữu tiếng hát ấm áp, giản dị, mộc mạc mà sâu sắc, toát lên đậm đà điệu hồn, tiếng nói miền sông nước Nam Bộ.



Không chỉ với cải lương, Út Trà Ôn còn là tên tuổi lớn nhất của đờn ca tài tử, khiến vô số thế hệ sau này phải học hỏi.

NSND Quách Thị Hồ

Được một bộ phận khán giả không quá nhiều biết đến, nhưng Quách Thị Hồ xứng đáng là một tượng đài âm nhạc Việt Nam. Bà là người có công lao to lớn trong việc bảo tồn và phát huy ca trù, loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, nhưng lại đang dần bị mai một.



Bà cũng là nghệ nhân ca trù đầu tiên đem ca trù tiến ra thế giới bằng việc thu âm và lưu diễn ở nước ngoài.

Quách Thị Hồ có một giọng hát đặc biệt, cùng tiếng phách điêu luyện đã chinh phục nhiều người thưởng thức. Người ta nói rằng: "Có người ví tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ. 

Bà nắm giữ kĩ thuật đổ hột con kiến, một loại kĩ thuật thanh nhạc cấp cao vô cùng khó mà không phải ai cũng làm được. Kĩ thuật tạo ra âm thanh rền, nảy, cuộn sóng ngầm như tung ra những chuỗi hột xoàn từ cổ họng.

 Hội đồng Âm nhạc Quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc đã trao tặng bà bằng danh dự cho công lao "gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống quý báu của Việt Nam, một vốn quý của nhân loại". 

Có thể thấy, khi xưa, những người được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đều là những tài năng hiếm có, có cống hiến to lớn với nghệ thuật nước nhà, khiến nhân dân ai cũng nể phục. Còn ngày nay, nhiều nghệ sĩ chưa đủ tầm nhưng lại được phong tặng khiến nhân dân hoài nghi, tranh cãi, không nể phục.

NSND Quang Thọ

Sở hữu giọng nam trung dày dặn, ấm áp và đậm chất thính phòng cổ điển với kĩ thuật vững chắc, nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ đã cùng với cố nghệ sĩ nhân dân Lê Dung tạo nên cặp song ca đầu đàn của nền nhạc thính phòng, cách mạng Việt Nam.



Quang Thọ đã từng đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước và giữ vị trí chủ nhiệm khoa Thanh nhạc – Nhạc viện Hà Nội. Ông là người thầy lớn, đã đào tạo rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, có chuyên môn ở Việt Nam hiện nay như Tùng Dương, Khánh Linh…

NSND Quốc Hương

Cố nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương nổi tiếng với tiếng hát mộc mạc, giản dị, nhưng chất chứa cảm xúc, thấm đẫm hơi thở dân tộc, đại diện cho một thời bão lửa mà hào hùng.



Dù kĩ thuật không nhiều, nhưng Quốc Hương sở hữu chất giọng nam cao đầy đặn với âm lượng lớn, chắc chắn, nhưng ngọt ngào với lối hát nhỏ tiếng thi vị.

NSND Trung Kiên

Có lẽ Trung Kiên là nghệ sĩ nhân dân hiếm hoi đạt tới học vị giáo sư và giữ một chức vụ khá cao – thứ trường Bộ Văn hóa Thông tin.



Dù ít tham gia ca hát trên sân khấu, nhưng nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên có đóng góp lớn trong việc giảng dạy, dẫn dắt các nghệ sĩ đàn em. Diva Thanh Lam hiện vẫn tìm đến học thanh nhạc với ông.
Đức Long
Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất