Phía sau sự phá cách trong âm nhạc của Mỹ Linh, Thanh Lam

Dư luận dậy sóng trước những sáng tạo đầy cá tính nghệ sĩ của Thanh Lam khi “ăn hiếp” nhạc Trịnh hay màn đổi nhịp gây bất ngờ của Mỹ Linh khi hát Quốc ca.

Ồn ào về những cách làm mới

Phần trình diễn Quốc ca của Mỹ Linh tại sự kiện đón tiếp tổng thống Obama ngày 24/5 dù kết thúc đã vài ngày nhưng vẫn gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Với bài toán đặt ra là hát Quốc ca không nhạc đệm, không dàn nhạc, Mỹ Linh đã làm mới Quốc ca theo phong cách opera. Mỹ Linh chọn cách bỏ nhịp 2/4, nhịp gốc của bài hát để chuyển thành nhịp 2/2 chậm hơn cho phù hợp với thể loại thanh nhạc cổ điển.

Chưa quen với cách thể thiện mới, nhiều người bày tỏ ý kiến trước phần sáng tạo này: “Quốc ca là hồn dân tộc, hồn thiêng sông núi, nhịp điệu kiêu hùng đi vào lòng người. Không thể sáng tạo để mất đi tính trang nghiêm hùng tráng mạnh mẽ của ca từ” – độc giả Tạ Tấn. Sự phản ứng trên quả thật khó lường với Mỹ Linh bởi cô vốn được xem là diva an toàn nhất trong các ngôi sao nhạc nhẹ hiện nay ở Việt Nam.

Phia sau su pha cach trong am nhac cua My Linh, Thanh Lam hinh anh 1
Mỹ Linh thể hiện bản Quốc ca tại Trung tâm Hội nghị quốc gia hôm 24/5. Ảnh: Hoàng Hà


Trước đó, quãng 10 năm, giọng ca hàng đầu của nền nhạc nhẹ, Thanh Lam cũng đã nhận được một trận “mưa đá” khi có những sáng tạo mang đậm màu sắc cá nhân trong các bản nhạc Trịnh Công Sơn quen thuộc trong 2 album phát hành liên tiếp trong 2 năm 2004 và 2005 là Ru mãi ngàn năm và Này em có nhớ.

Thời bấy giờ trên các diễn đàn âm nhạc đã nổ ra nhiều cuộc tranh cãi, thậm chí người ta quy kết cho Thanh Lam là kẻ “ăn hiếp” nhạc Trịnh đáng “xử tội” nhất trong lịch sử.

Nhiều ý kiến trên diễn đàn cho rằng nghe Một cõi đi về, Phôi pha... qua tiếng hát của Lam, người nghe có cảm giác dựng tóc gáy, vì sự vật vã quá đà trong cách phô diễn giọng hát của diva hàng đầu Việt Nam này.

Còn nhớ, vài năm trước Thái Thùy Linh trình làng album Bộ đội gồm những bài nhạc đỏ đi cùng năm tháng được phối theo phòng cách rock. Album Bộ đội có 9 bài, là những bài hát cách mạng đi cùng năm tháng như Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Dậy mà đi của Nguyễn Xuân Tân, Lì và Sáo của Văn Chung. Những bài hát nhạc đỏ này được phối và hát theo một phong cách pop-rock hoàn toàn mới lạ. Ngay lập tức, cô cũng gặp sự chỉ trích lớn từ dư luận, họ cho rằng cô đang “cưỡng bức” nhạc cách mạng.

Hay năm 2010, khán giả cả nước dậy sóng khi chứng kiến màn trình diễn của nhóm Đại – Lâm – Linh trên sân khấu Bài hát Việt. Không chỉ khán giả sốc mà các nhạc sĩ trong nghề chơi thân với Ngọc Đại - chủ nhóm, cũng bàng hoàng về màn trình diễn này. Dù rằng trước khi được lên truyền hình, nhóm đã trình diễn khá nhiều trong các chương trình nghệ thuật đương đại hay chương trình giao lưu văn hóa ở trong và ngoài nước.

“Mặc dù chỉ xem qua tivi thế nhưng với màn biểu diễn của Đại Lâm Linh, tôi có cảm giác khá mệt mỏi và cứ như phải chịu đựng” – nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chia sẻ.

Võ Thiện Thanh lại cho rằng: “Màn biểu diễn của Đại – Lâm – Linh vừa qua tại Bài Hát Việt đã phản tác dụng”.

Có thử nghiệm nào mà không đau?


Thế nhưng, với các nhạc sĩ theo dòng nhạc thể nghiệm Đại – Lâm - Linh được coi là tiên phong tại Việt Nam. Mỗi lần xuất hiện nhóm Đại – Lâm - Linh đều tạo ra những cơn sốc, thổi bùng lên những tranh cãi không chỉ trong giới phổ thông mà cả giới trẻ, giới trí thức, giới nghệ sĩ và những nhà phê bình, quản lý nghệ thuật.

Không chỉ có ảnh hưởng trong nước nhóm Đại – Lâm - Linh còn khẳng định những gì mình làm với dòng nhạc đương đại Việt Nam, khi đã đủ sức vươn ra giao lưu với thế giới, bằng khá nhiều chuyến đi biểu diễn ở châu Âu.

Còn với Thái Thùy Linh, sau những màn “ném đá” tập thể vì tội “phá nhạc đỏ”, về sau,chính album Bộ đội lại là một cột mốc trong sự nghiệp của nữ ca sĩ trẻ.

Album Bộ đội của Thái Thùy Linh giành được các giải Album ấn tượng và Ca sĩ thể hiện thành công trong Album vàng tháng 2/2011. Đáng nói hơn, album này còn lọt vào top 5 đề cử Album của năm tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2010. Đó là phần thưởng cho sự dám nghĩ, dám làm, dám “phá” của cô ca sĩ này.

Tương tự, Thanh Lam từng bộc bạch: “Khi tôi gặp Lê Minh Sơn, chúng tôi có tiếng nói chung trong việc cảm nhận nhạc Trịnh, chúng tôi nghe bằng tai của những con người hiện đại, yêu nó bằng tình yêu của ngày hôm nay. Và vì thế chúng tôi quyết định thể hiện lại nó theo cách mà chúng tôi cho là tốt nhất. Có thể chúng tôi đúng, cũng có thể chúng tôi sai”.

Thanh Lam rất sòng phẳng trong cuộc chơi nghệ thuật với nhạc Trịnh. Tất nhiên, sau hai đĩa nhạc Trịnh bị cộng đồng của dòng nhạc này “ném đá” không thương tiếc, Thanh Lam không "chơi đùa" trên “cánh đồng âm nhạc” này nữa. Nhưng chị vẫn hát các tác phẩm của cố nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn thường xuyên trong các chương trình tưởng nhớ lớn về ông sau này, đặc biệt là chuỗi chương trình hàng năm do gia đình nhạc sĩ phối hợp cùng các đơn vị khác tổ chức mỗi dịp tháng 4.

Và khi cuộc “thử nghiệm hát nhạc Trịnh” của Thanh Lam không tạo được dấu ấn với công chúng, thì diva hàng đầu này cũng chẳng chút sợ hãi lùi bước. Chị lại tiến đến một địa hạt âm nhạc gây tranh cãi khác khi cùng Đàm Vĩnh Hưng ra đĩa nhạc sến.

Người ta thêm lần nữa nghi ngờ về đẳng cấp Thanh Lam khi cô nhận lời hát chung với các giọng ca thị trường đang nổi nhất thời bấy giờ (năm 2008-2009) Mr Đàm, nhưng diva xinh đẹp không hề tỏ ra bối rối hay hối tiếc.

Ở một góc khác, những sáng tạo của Mỹ Linh khi làm mới Quốc ca được chị đưa ra cái là ‘Đã qua rồi thời chiến tranh bom đạn…’. Nhưng diva Tóc ngắn cũng thành thật bộc bạch: "Hôm đó, tôi bắt tông (tone) hơi thấp. Điều này với một nghệ sĩ có thể coi như là một tai nạn nghề nghiệp. Nếu có một cơ hội để làm lại tôi tin mình có thể làm tốt hơn".

Chuyện phía sau những cơn “cuồng nộ"

Rào cản và thách thức trước những cái mới luôn là vấn đề với nghệ sĩ. Với riêng Mỹ Linh sáng tạo phá cách Quốc ca, trước bài toán hát không nhạc đệm, không dàn nhạc, khó có cách xử lý nào khác ngoài cách Mỹ Linh đã làm, ngay cả Quốc ca của Mỹ cũng vang lên trong khán phòng của Trung tâm hội nghị Quốc gia với những điều kiện tương tự.

Với một cách thể hiện mới, nhất là trong nghệ thuật, việc vấp phải những ý kiến trái chiều là khó tránh khỏi, nhưng khi tư duy thẩm mỹ và thói quen nghe của người dân Việt Nam cởi mở hơn với cách tiếp cận mới, đó sẽ là một điểm đáng trân trọng dành cho nghệ thuật. Opera là đỉnh cao của âm nhạc, và ở đó, những giá trị của lời hát mà cả tinh thần của sáng tác luôn được đề cao.

Về kỹ thuật, về giọng hát và về tình cảm thể hiện theo nhịp độ đã chọn thì Mỹ Linh được coi là truyền tải trọn vẹn bài Quốc ca đến người nghe.

“Mỹ Linh được giao trách nhiệm với một bài toán chỉ có một cách giải duy nhất, thì theo tôi cô ấy đã làm tốt” – nhạc sĩ Ngọc Châu, tác giả ca khúc Thì thầm mùa xuân từng gắn với tên tuổi Mỹ Linh, khẳng định.

Rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi đã lên tiếng ủng hộ Mỹ Linh như Thanh Phương, Ngọc Châu, Huy Tuấn, An Hiếu. Bài toán cũng chỉ có duy nhất một lời giải, theo những vị nhạc sĩ tiếng tăm này.

Theo Vietnamnet


Tin tức mới nhất