Quốc ca Việt - liệu có thể thay áo với Thu Minh và Sơn Tùng?

(2Sao) - Đến khi nào quốc ca Việt sẽ được khoác những màu áo mới, để gần gũi với công chúng hơn?

Quốc ca là loại sản phẩm âm nhạc mang tính nghi thức, chức năng, được phổ biến bởi tính chất quốc gia, dân tộc. Đó là những bài hát ái quốc, khơi gợi và ngợi ca lịch sử hào hùng, truyền thống đấu tranh cũng như xây dựng của toàn thể nhân dân trong một đất nước.

Một ca khúc muốn trở thành quốc ca phải được toàn thể nhân dân công nhận và được hiến pháp thông qua. Lúc đó, ca khúc ấy sẽ trở thành bộ mặt của quốc thể, được phép đại diện cho tổ quốc tham gia vào các hoạt động, nghi lễ trang trọng ở trong và ngoài nước.

Quốc ca thường có âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ, tráng lệ và được sử dụng trong những bối cảnh mang tính nghi thức. Chính điều này khiến quốc ca của nhiều nước trên thế giới nói chung và quốc ca Việt Nam nói riêng mang nặng tính mô phạm, giống như những tượng đài khó xê dịch.

Vì thế, quốc ca thường chỉ tồn tại trong các hoạt động nghi thức, rất khó xuất hiện và "sống" trong đời sống âm nhạc của công chúng.

Từ quốc ca Mỹ

Với tinh thần dân chủ, tự do trong tiếp nhận, thưởng thức, Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong việc đại chúng hóa quốc ca, đưa nó đi vào đời sống âm nhạc, để thực sự "sống" và tồn tại trong lòng công chúng một cách tự nhiên nhất, không gượng ép, không cứng nhắc.

Quốc ca Mỹ là ca khúc The Star Spangled Banner (Lá cờ lấp lánh sao), được sáng tác bởi nhà soạn nhạc người Anh John Stafford Smith và nhà thơ nghiệp dư Francis Scott Key, được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1931.

Như quốc ca của nhiều nước khác, đầu tiên, ca khúc này được thiết kế như một bài hát tập thể, với giai điệu hào hùng, dễ thuộc, dễ hát. Nhưng sau đó, nó đã được chuyển qua hát đơn, với việc mời các ca sĩ có giọng ca tốt thể hiện.

Người Mỹ rất thông minh, họ biết rằng, nếu cứ để quốc ca tồn tại như một ca khúc mang tính nghi thức, sẽ rất khó để công chúng có tình cảm và thực sự "sống" với nó. Vì vậy, họ đã mời những ca sĩ nổi tiếng hát ca khúc này, và khuyến khích việc ca sĩ tự thể hiện nó theo các phong cách, lối hát của riêng mình. Thậm chí, họ chấp nhận việc phối quốc ca theo những bản phối khác nhau.

Chính điều này đã kích thích sự sáng tạo nghệ thuật trong mỗi ca sĩ khi hát quốc ca. Họ không bị bó buộc bởi bất cứ ràng buộc, luật lệ nào, cũng không bị bắt là phải hát thế này, thế kia cho đúng chuẩn quốc ca. Vì vậy, mỗi ca sĩ sẽ thể hiện quốc ca theo cách riêng của mình.

Whitney Houston hát quốc ca

Whitney Houston được xem là ca sĩ thể hiện quốc ca thành công nhất, khi cô hát nó ở giải Super Bowl năm 1991. Các thành tích đạt được là:

Đứng thứ 59 trong top 100 khoảnh khắc vĩ đại nhất trên truyền hình do VH1 bình chọn năm 2002.

Đứng thứ 12 trong top 100 khoảnh khắc làm rung chuyển truyền thông do VH1 bình chọn năm 2003.

Đứng thứ 1 trong top 25 khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử âm nhạc do Rolling Stone bình chọn năm 2003.

Đứng thứ 8 trong top 100 khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử Super Bowl do ESPN.com bình chọn năm 2005.

Đứng thứ 7 trong top 10 khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử âm nhạc do TV Land bình chọn năm 2006.

Đứng thứ 2 trong top những màn trình diễn quốc ca hay nhất 40 năm lịch sử Super Bowl do USA Today Sports Weekly bình chọn năm 2007.

Đứng thứ 2 trong top 5 màn trình diễn hay nhất lịch sử Super Bowl do Blender bình chọn năm 2009.

Đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng BB hot 100 single (màn trình diễn quốc ca đứng cao nhất trên BB hot 100 single)

Về mặt thương mại, đĩa đơn của ca khúc đã phát hành được 1 triệu 200 nghìn bản chỉ tính riêng tại Mỹ, được RIAA chứng nhận (bản quốc ca bán chạy nhất lịch sử).

Whitney Houston với khoảnh khắc lịch sử khi hát quốc ca

Với những thành công trên, lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc thế giới, một bài quốc ca lại có thể tước bỏ tính nghi thức cứng nhắc của mình để tiến vào thị trường âm nhạc. Nó thậm chí còn được phát hành đĩa đơn, đạt lượng tiêu thụ khổng lồ, leo tới thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc, cạnh tranh hoàn toàn được với các sản phẩm thương mại âm nhạc khác, đem lại lợi nhuận lớn cho người thể hiện cũng như với toàn bộ thị trường âm nhạc đa dạng. Whitney thậm chí còn hát nó trong show diễn riêng của mình. Và mặc dù lấn sân được vào thị trường tiêu thụ âm nhạc đại chúng, được khoác màu áo mới, nhưng nó vẫn giữ được tính hùng tráng và đầy tự hào dân tộc.

Để làm được điều này, Whitney đã phải tư duy và sáng tạo rất nhiều. Thay vì hát ở giai điệu và tone gốc, cô đã thực hiện chạy note lên xuống và trang trí vào các cụm từ rất nhiều note hoa mĩ. Từ tone gốc G, cô chạy xuống 3 note (Eb) rồi lại chạy lên theo các phân nhịp được tính toán kĩ lưỡng. Có những đoạn, Whitney hát chậm hơn, nhưng ở đoạn khác, cô lại hát nhanh hơn. Whitney cũng thêm thắt rất nhiều kĩ thuật khó của Bel Canto vào ca khúc, chuyển giọng linh hoạt từ chest voice sang head voice cao vút tận E5 - A5, thổi thêm nhiều màu sắc khác nhau của dòng Soul/R&B vào với các lối hát, kĩ thuật ngẫu hứng như run/riff, melisma. Mọi sáng tạo, thêm thắt đều tinh tế, vừa đủ, hòa quyện nhuần nhuyễn giữa kĩ thuật và cảm xúc.

Whitney thật tài tình, sáng tạo. Nhưng nên nhớ, chỉ ở môi trường dân chủ, tự do, khuyến khích cá tính như nước Mỹ, nghệ sĩ mới dám lao động hết mình, sáng tạo ngay cả trên quốc ca, để tạo nên những kì tích tuyệt vời nhất. Whitney sẽ chẳng làm được gì nếu nhà sản xuất hoặc chính khán giả yêu cầu cô không được thêm thắt, phá cách quốc ca, mà phải hát đúng bản gốc.

Mặc dù bản quốc ca của Whitney đã trở thành kinh điển, chuẩn mực, nhưng nghệ sĩ Mỹ chưa bao giờ bị phụ thuộc vào nó, họ vẫn tiếp tục sáng tạo theo cách của riêng mình. Chẳng hạn, Mariah Carey biến quốc ca thành bản tình ca ngọt ngào với những đoạn hát thì thầm, nhẹ nhàng, không quên chèn thêm khúc whistle thương hiệu riêng của cô. Aretha Franklin và Patti Labelle thì thể hiện đúng chất Soul/Gospel với những note giọng pha cao vút, kịch tính đầy ngẫu hứng. Beyonce với tính cách của ca sĩ R&B bậc thầy lại chèn thêm vô số melisma, run/riff như muốn nhảy nhót với nó. Taylor Swift độc đáo hơn khi vừa hát quốc ca vừa độc tấu guitar theo phong cách nhạc đồng quê. Renee Fleming lại hát theo lối opera với head voice từ đầu tới cuối. Christina Aguilera thì hoang dại tột đỉnh với những cú hét trời giáng.

Taylor Swift hát quốc ca

Ngoài ra, vẫn còn hàng trăm ca sĩ nổi tiếng từng được mời hát quốc ca như Miley Cyrus, Jennifer Hudson, Cher, Carrie Underwood, Demi Lovato..., và mỗi ca sĩ lại hát theo lối riêng của họ, không ai giống ai. Thậm chí, quốc ca còn được các rocker, rapper thể hiện theo đúng chất nhạc của họ, thoát li hoàn toàn khỏi bản gốc để biến thành những ca khúc khác. Điều đáng nói là, những ca sĩ như Taylor Swift, Miley Cyrus, Rihanna... tuy chỉ là những ca sĩ giải trí trẻ trên thị trường, không phải vocalist hay ca sĩ kì cựu, nhưng vẫn được mời tới hát quốc ca mà không hề bị phê phán, chỉ trích.

 Hãy thử tưởng tượng, nếu ở Việt Nam, các ca sĩ giải trí như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh mà được mời hát quốc ca thì thái độ của công chúng sẽ thế nào? Cho đến bao giờ người nghe nhạc Việt Nam mới có được tinh thần văn minh, cởi mở trong tiếp nhận như người Mỹ?

Mariah Carey hát quốc ca

Mariah Carey hát quốc ca ngọt ngào như tình ca

Beyonce thể hiện đầy ngẫu hứng với chất R&B

Taylor Swift ôm đàn guitar hát quốc ca

Renee Fleming hát quốc ca theo phong cách opera

Madison Rising phối rock cho quốc ca

Chưa dừng lại ở đó, nước Mỹ còn thoải mái hơn cả, khi mời hàng loạt ca sĩ nước ngoài tới hát quốc ca như Celine Dion, Charice, SoHyang, Lena Park... Ca sĩ Ý Lan của Việt Nam cũng từng được mời tới hát quốc ca, và cô cũng được tự do thể hiện cách hát riêng của mình vào nó. Nhờ đó mà chúng ta được thưởng thức một bản quốc ca Mỹ với lối luyến láy, nhả chữ của dòng bolero truyền thống Việt Nam. Quả là những trải nghiệm âm nhạc thú vị.

Ca sĩ Hàn Quốc SoHyang được mời hát quốc ca

Ý Lan hát quốc ca Mỹ theo lối hát truyền thống Việt Nam

Rõ ràng, bằng sự tự do và sáng tạo tuyệt đối, người Mỹ đã mang được quốc ca tiến vào thị trường âm nhạc, tới mọi nơi trên thế giới, thông qua danh tiếng, tên tuổi của những ca sĩ đã từng hát nó. Đây là hướng đi vô cùng khôn ngoan, bởi ca sĩ nổi tiếng thường có nhiều fan hâm mộ, và khi họ hát quốc ca, nó sẽ theo chân họ đến mọi tầng lớp công chúng nghe nhạc, không chỉ trong nước mà còn khắp thế giới.

Đã có nhiều trường hợp người hâm mộ ở các nước khác trên thế giới vì yêu thích tiếng hát của thần tượng mình trong quốc ca nên bật nó ở mọi lúc mọi nơi, nghe đi nghe lại, thậm chí còn thuộc lòng từng chữ. Với những người này, họ đến với quốc ca Mỹ không phải từ lòng ái quốc, tự hào dân tộc (vì họ không phải người Mỹ), mà bằng tình yêu âm nhạc đơn thuần.

Và hiển nhiên, ca sĩ dù có phá cách quốc ca thế nào đi nữa cũng không bị phê phán, chỉ trích, nên họ mới thỏa sức sáng tạo, đem quốc ca trải nghiệm tới mọi phong cách, mọi dòng nhạc. Cứ qua mỗi ca sĩ, quốc ca lại được khoác thêm một màu áo mới. Dù chưa biết chiếc áo mới có vừa với nó hay không, bản phối mới có hay hay không, nhưng quốc ca đã thực sự được "sống", được vận động và sinh tồn trong lòng công chúng một cách tự nhiên nhất, chứ không phải kiểu thực hành nghi thức gượng ép. Và cứ thế, quốc ca đã trở thành một sản phẩm nghệ thuật đa dạng, không còn là bài hát quốc tính đơn thuần.

Để quốc ca tự sinh tồn trong hoạt động nghệ thuật, không cần phải áp chính trị vào và chi phối từ trên xuống, đó mới là cách bảo tồn hiệu quả nhất. Đây chính là sức mạnh của công nghệ truyền thông Mỹ, khi họ thông qua mạng lưới thị trường âm nhạc để đem quốc ca nước mình đi muôn nơi.

Nhìn lại quốc ca Việt Nam


Quốc ca Việt cũng như nhiều quốc gia khác, thường nặng tính nghi thức, chức năng nên khó gợi được nhiều cảm hứng cho người nghe. Tất nhiên, trong những phút quan trọng của lịch sử hoặc các sự kiện có tính trọng đại, người ta vẫn hát quốc ca với lòng đầy tự hào, ái quốc, nhưng không thể phủ nhận một sự thật rằng, dấu ấn của nó trong đời sống âm nhạc, trong thưởng thức cảm thụ không nhiều.

Những cảnh học sinh hát quốc ca với thái độ thờ ơ, hời hợt, trong tâm trạng ngái ngủ ở các buổi chào cờ, hay các hoạt động, lễ hội không hề thiếu. Quốc ca cũng hiếm khi được bật lên trong sinh hoạt thường nhật như những ca khúc thông thường. Trong đời sống âm nhạc, người ta cũng ít bàn tới nó dưới vai trò sản phẩm nghệ thuật, dù nó vốn là như thế.

Và quốc ca Việt mới chỉ được thực hiện ở dạng đồng ca trong tiếng hát của quần chúng, thiếu vắng hoàn toàn vai trò của các ca sĩ, là những người có khả năng thể hiện nó ở một tầm cao hơn, chất lượng nghệ thuật lớn hơn với giọng hát của mình.

Thu Minh được mong đợi sẽ thể hiện quốc ca theo cách riêng

Ở Việt Nam, hầu như không có ca sĩ nào đứng ra hát quốc ca trước công chúng, chứ đừng nói tới việc thu đĩa riêng, phát hành sản phẩm âm nhạc vào thị trường. Một sản phẩm âm nhạc dù hay tới đâu cũng cần có người thể hiện thích hợp mới có thể nâng lên những giá trị nghệ thuật cao hơn được. Người ta có thể phân tích kĩ thuật này, tư duy kia, sáng tạo no ở quốc ca Mỹ thông qua cách thể hiện của từng ca sĩ, nhưng không làm thế được với quốc ca Việt vì nó vốn chỉ thông qua tiếng hát quần chúng, những người không đóng vai trò nghệ thuật chuyên nghiệp. Vì vậy, công chúng khó có thể cảm nhận quốc ca ở những bình diện khác nhau.

Một tín hiệu đáng mừng cho quốc ca Việt là gần đây, nó đã được phối lại và thể hiện một cách chuyên nghiệp hơn dưới vai trò một sản phẩm âm nhạc trong một dự án với 200 ca sĩ và 1000 người tham gia. Rất mong những dự án như vậy sẽ tiếp tục ra đời.

Quốc ca Việt được làm mới trong một dự án âm nhạc

Một số giọng ca lớn được hi vọng sẽ hát quốc ca là Thu Minh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, Hồ Quỳnh Hương, Bảo Yến, Khánh Ly, Thu Phương, Phương Thanh, Bằng Kiều, SiuBlack... Ngoài ra, các ca sĩ trẻ như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Cao Thái Sơn, Khởi My, Tiên Tiên... cũng được mong đợi sẽ tạo ra sự trẻ trung, hiện đại, nhiều màu sắc cho quốc ca.

Sơn Tùng M-TP có mang quốc ca tới giới trẻ?

Chúng ta có thể hi vọng một ngày nào đó sẽ được nghe quốc ca Việt Nam qua những note belt cao vút của Thu Minh, qua kĩ thuật cộng minh đầy sử thi của Thanh Lam, qua sự biến hóa ma mị của Hà Trần, qua tiếng hát man dại núi rừng của SiuBlack, qua chất rock rực lửa của Phương Thanh, qua sự liêu trai của Khánh Ly, qua tiếng hát mùi mẫn của Bảo Yến, hay qua sự quyến rũ của Hồ Ngọc Hà, sự trẻ trung tinh nghịch của Sơn Tùng... Dù chưa biết hay hay dở, nhưng quan trọng là quốc ca sẽ được khoác thêm nhiều màu áo mới, vận động vào thị trường âm nhạc, đến với công chúng một cách đầy tự nhiên, giúp họ trải nghiệm những cảm giác âm nhạc mới, tăng phần hứng thú hơn.

Quan trọng nhất là công chúng phải biết cởi mở, dẹp sự bảo thủ của mình lại để đón nhận những màu sắc mới. Có như vậy ca sĩ mới dám sáng tạo, thể hiện. Đã có vô số trường hợp ca sĩ làm mới lại ca khúc cũ rồi bị khán giả chê bai, khiến nhạc Việt dậm chân tại chỗ. Hi vọng những điều đó sẽ không xảy ra với quốc ca nếu ca sĩ làm mới lại nó.

Đức Long
Theo Vietnamnet



Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao