Nhất cự ly...

Người Việt dùng từ “gần gũi” để chỉ việc nam nữ quan hệ tình dục với nhau. Ngay như cách gọi ấy, ông bà ta như đã ngầm nhắc đến việc phải “gần” nhau rồi.

Thực tế, hầu như ai cũng muốn cải thiện đời sống gối chăn, mà mục tiêu cụ thể hơn cả là tăng “tần suất”. “Đêm bảy, ngày ba, ngoài ra không tính” chỉ là cách “nổ” cho vui tai của quý ông. Việc duy trì đều đặn mỗi tuần ba-bốn “cữ”, vẫn còn là chuyện không dễ của rất nhiều người. Thế nhưng, ít ai để ý rằng, việc chú trọng về cự ly sẽ cải thiện được tình hình rõ rệt.
 
Đơn cử, vợ chồng sống với nhau dăm bảy năm, đã cảm thấy đời sống ái ân nhàn nhạt. Trong thâm tâm, mỗi người đều muốn mặn nồng hơn, nhưng họ chỉ muốn mà thiếu nỗ lực trong hành động cụ thể. Thời gian gặp nhau ngắn ngủi trong một ngày, có khi cả hai cũng muốn “mỗi người một góc” để làm việc riêng, khỏi phiền đến nhau. Chồng nằm ở phòng khách đọc báo, vợ ở phòng ngủ xem phim, sẽ khó mà “sinh chuyện” được với cự ly ấy.
 
Hay như trường hợp vợ về nhà trước, lo chăm sóc gia đình, chồng mê mải với cuộc vui bên ngoài. Chồng cũng định bụng “tối nay sẽ trả bài”, nhưng khi về đến nhà, vợ đã nghĩ đến chuyện đi ngủ, nên cả hai chẳng mấy mặn mà. Anh chồng không chịu để ý một điều căn bản rằng, anh phải về nhà sớm hơn, để có đủ thời gian chuyện trò, chia sẻ, mới giúp nhau phát sinh cảm hứng.
 


Nhìn lại cuộc sống thường nhật, nhiều người sẽ thấy rằng, rất nhiều tình huống hai vợ chồng chưa có “nhu cầu”, nhưng do “lửa gần rơm” nên cả hai bột phát ham muốn. Không được đầu ấp tay gối thì cũng ngồi trò chuyện, cùng xem phim, hay cùng nhau làm việc nhà…, tất cả những hành động mà cự ly được rút lại ngắn nhất, sẽ giúp cả hai cần được “yêu”.

Tất nhiên, thói quen sinh hoạt không dễ thay đổi. Đàn ông ra ngoài thì thích tụ tập, nhưng về nhà lại muốn ở một mình - hiện tượng mà các nhà tâm lý gọi là “vào hang”. Cứ cho rằng việc “vào hang” là cần thiết, nhưng người nam cũng cần tổ chức hợp lý để việc đó không chiếm trọn thời gian khi ở nhà. Nhiều người vợ cảm thấy bực mình và nản lòng sau vài lần cố gắng tiếp cận chồng nhưng bị chồng khó chịu, cũng bỏ mặc chồng với quan niệm “thôi thì đây không thèm, ông muốn làm gì thì làm”. Với “kịch bản”, đời sống tình dục của cả hai ngày càng nghèo nàn.

Các nhà tình dục học thường khuyên rằng mỗi người cố gắng tham gia vào một việc gì đó của bạn đời, để tạo được cảm giác đang cùng nhau. Nhiều khi chỉ đơn giản là buổi tối, vợ đang nấu cơm thì chồng lăng xăng đứng bên cạnh nhặt rau, trao đổi qua lại vài câu vui vẻ; chồng đang đọc báo trên máy tính, vợ khoác vai chồng để cùng xem, cùng bình phẩm đôi ba câu; thấy vợ xem phim, chồng cũng sà vào xem cùng và kèm theo những cái nắm tay ấm áp, những cái thơm trộm tinh nghịch cũng đủ để cả hai cảm thấy hứng khởi với “chuyện ấy”.

Hầu như chàng trai nào đến tuổi tán tỉnh bạn gái cũng biết câu “nhất cự ly, nhì tốc độ”. Có những trường hợp cô gái không thật thích chàng trai, nhưng vì chàng ấy cứ kề cận mỗi ngày, cô gái ấy bỗng nảy sinh tình cảm. Xét cho cùng, dù đã là vợ chồng, cả hai cũng cần tán tỉnh nhau mỗi ngày, và câu “nhất cự ly…” vẫn nguyên giá trị.

Có những người đàn ông biết hy sinh sở thích vui chơi ngoài đường để về nhà mỗi tối, nhưng ở nhà mà ngồi thu lu một góc, chẳng cần quan tâm vợ con đang làm gì thì cũng bằng thừa. Nếu anh chồng ấy “đã hy sinh thì hy sinh cho trót”, tiến đến gần vợ hơn nữa trong khả năng có thể để khai thác hết “nhu cầu” tiềm ẩn.

Tại sao một đôi tình nhân, dù đã tám chuyện với nhau hàng giờ liền, vẫn muốn được gặp nhau, nhiều khi chỉ là được nắm lấy bàn tay của nhau? Bởi chỉ khi đến thật gần người mình yêu, được “đụng chạm” nhau, mỗi người mới thực sự cảm nhận rõ được tình cảm. Hôn nhân đã tạo ra một điều kiện tốt nhất để nuôi sống tình yêu cho mỗi cặp vợ chồng, đó là để hai người sống chung một mái nhà, ngủ chung trong một căn phòng để cả hai có điều kiện “chung đụng” với nhau, tại sao không tận dụng tối đa lợi thế đó?

Theo Phụ Nữ Online

Tin tức mới nhất