Những bãi rác khổng lồ tại các thiên đường biển đảo Việt Nam khiến ai cũng xót xa

Du lịch biển đảo phát triển mạnh mẽ, những hòn đảo hoang sơ được khám phá và trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. Song song với sự phát triển đó lại là thực trạng đáng buồn khi các vùng đảo phải đối mặt với rác thải kinh hoàng.

Côn Đảo đứng trước nguy cơ trở thành bãi rác đại dương

Bãi Dong (khu vực Cỏ Ống, Côn Đảo) là bãi biển có phần giữa tiếp giáp với đường băng cất cánh của sân bay Cỏ Ống dài chừng 3km, đây là một trong những bãi biển đẹp, còn hoang sơ và chưa có khu du lịch kinh doanh.

Bãi biển này khá bằng phẳng, uốn lượn như một vòng cung nhưng lại ngập tràn rác. Rác ở đây không thiếu một thứ gì, từ phao, xốp đến chai lọ, giày dép, tay lưới, dây dù, từ những cành củi khô đến những cây tre dài.

Rác mắc kẹt trong hốc đá. Rác nằm vùi dưới cát. Bãi biển này chỉ có rác và rác. Bãi Dong có suối nước ngọt tên “suối Ớt” chảy ra biển, đoạn tiếp giáp của con suối với bờ biển có một hồ nước, rác nổi lềnh bềnh quanh hồ nước, có nơi rác đóng thành tầng và bị cát trắng phủ lên trên.

Đến hòn Bảy Cạnh - một hòn đảo nổi tiếng, rác tấp vào hoặc dạt khắp nơi thành từng mảng, chủ yếu cũng là các loại rác sinh hoạt, khó phân hủy như chai thủy tinh, chai nhựa, lưới rách, dây dù...

Rác tấp vào Côn Đảo xuất phát từ nhiều nguồn. Nguồn do ngư dân xả rác trên biển, nguồn theo dòng hải lưu chảy “tứ phía” từ các nước láng giềng. Lượng rác tấp vào thì nhiều nhưng biển “lôi” ra lại rất ít, vì rác bị mắc kẹt trong những hốc đá, lùm cây, bị cát che phủ.

Hậu quả trực tiếp của những bãi rác này là sẽ gây nhiễm độc các loại thủy hải sản nuôi trồng, khu vực đánh bắt ven bờ, làm suy thoái tới các hệ sinh thái ven biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, các động vật biển quý hiếm, mất bãi đẻ của các loài rùa biển... Đồng thời nó còn gây tác động tiêu cực tới cảnh quan các bãi biển.

Nếu lượng rác này không được dọn kịp, tiếp tục dồn ứ sẽ rất nguy hại đến môi trường trong lành, môi sinh đặc hữu của Côn Đảo.

Bãi rác ở Lý Sơn bốc mùi hôi thối nồng nặc

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. Với địa chất, địa hình và cảnh quan được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm, Lý Sơn còn được ví như đảo Jeju của Hàn Quốc.

Khoảng 2 năm trở lại đây, từ một hòn đảo hoang sơ ít khách du lịch biết đến, Lý Sơn đã trở thành một địa điểm được giới trẻ in dấu chân, check-in nhiều nhất. Sự thay đổi từ khi Lý Sơn phát triển mạnh mẽ về du lịch khiến không ít người lo lắng cho tương lai của một thiên đường xanh.

Những bãi rác khổng lồ tại các thiên đường biển đảo Việt Nam khiến ai cũng xót xa - Ảnh 3.

Hình ảnh khủng khiếp về rác thải ở Lý Sơn

Cũng giống như những bãi biển ở Miền Trung, bãi biển ở Lý Sơn rất đẹp theo đúng nghĩa: Biển xanh – cát trắng – nắng vàng. Nhưng con đường dẫn đến những bãi tắm thiên đường này dường như ít được đề cập trong những bộ ảnh đẹp ngất ngây giới thiệu về Lý Sơn, bởi lẽ đó là những con đường mà lượng rác khổng lồ chất đầy dọc theo suốt chiều dài tuyến đường. Hàng chục tấn rác được người dân trong khu dân cư thả xuống mỗi ngày khiến ai đi ngang cũng phải khiếp sợ.

Mặc dù những con đường lối đi ngập đầy rác tại Lý Sơn không phải là nơi dừng chân của khách du lịch, thế nhưng muốn đi đến các điểm tham quan thắng cảnh, tắm biển, họ bắt buộc phải đi ngang qua đây và chịu đựng thứ mùi khó chịu bốc lên.

Những bãi rác khổng lồ tại các thiên đường biển đảo Việt Nam khiến ai cũng xót xa - Ảnh 4.

Hình ảnh về bãi rác ở Lý Sơn khiến nhiều người giật mình

Do không có bãi xử lý rác thải trên đảo nên gần 20.000 dân địa phương cùng với du khách mỗi lần đổ rác đều xả thẳng xuống biển. Ước tính mỗi ngày có đến hàng chục tấn rác bị ném xuống. UBND huyện Lý Sơn đã vận động người dân chôn rác thải hoặc tự thiêu hủy trong vườn nhà.

Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thực hiện triệt để vì dân số đông, diện tích chật hẹp và thói quen xả rác thải ra biển đã từ nhiều năm qua, rất khó thay đổi.

Đảo Bình Ba - hàng tấn rác trôi nổi gây ô nhiễm

Đảo Bình Ba là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Khánh Hòa nhưng nơi đây đang phải hứng chịu hàng tấn rác trôi nổi gây ô nhiễm môi trường.

Ở xã Cam Bình (TP Cam Ranh), Bình Ba là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 3 km2, có hơn 5.000 dân sinh sống. Bình Ba nổi tiếng với bãi biển đẹp, nước trong xanh, hải sản tươi ngon. Vì vậy, những năm gần đây, du lịch ở đây phát triển mạnh khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng.

Từ cầu cảng, các ki-ốt bán hàng đến khu dân cư và ra biển, rác thải bao phủ, kéo dài cả cây số. Nhiều loại rác thải không thể phân hủy như bao bì, túi ni-lông, chai lọ, thùng xốp… Đường dẫn vào khu dân cư và các điểm khác trên đảo có hàng tấn rác ứ đọng, bốc mùi.

Những bãi rác khổng lồ tại các thiên đường biển đảo Việt Nam khiến ai cũng xót xa - Ảnh 5.

Đảo Bình Ba ngập rác - (Ảnh: NLĐ)

Quanh các khu vui chơi đầy túi ni-lông, bao bì đựng thức ăn khiến ruồi nhặng bu kín. Ngoài ra, tại khu vực cảng cá, nhiều người dân sau khi phân loại hải sản để làm thức ăn cho tôm hùm đã xả thẳng nước thải xuống biển gây hôi thối.

Lượng rác thải tăng đột biến ở Bình Ba một phần cũng do du khách vứt lại. Ở khu vực ki-ốt, sau khi ăn xong, không có nhà vệ sinh nên du khách vô tư xả “bầu tâm sự” xuống biển. Theo thống kê của chính quyền địa phương, mỗi ngày, lượng rác sinh hoạt từ các hộ dân và du khách cùng rác từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản là hơn 1 tấn. Lượng rác lớn này khiến bãi chôn lấp, xử lý của xã Cam Bình luôn quá tải.

Rác bủa vây đảo Ngọc - Phú Quốc

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch trong những năm qua, đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường đặc biệt là tình trạng rác thải khiến nhiều người lo ngại.

Toàn huyện đảo có hơn 100.000 người dân sinh sống; trên 1.600 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 60 cơ sở sản xuất nước mắm và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống… phần lớn trong số đó không có hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn, nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng ra môi trường tự nhiên.

Tại bãi biển này, mỗi chiều có rất đông người đến tắm vì đây là nơi hiếm hoi tại Dương Đông bãi biển không bị chắn bởi các resort, nhà hàng, khách sạn... Tuy vậy, ngay phía trên khu vực bãi tắm này, hành lang đi bộ ven biển đã bị chiếm dụng để làm quán nhậu.

Bãi cát phía dưới quán nhậu là vô số rác thực phẩm, túi nhựa, vỏ hộp. Chứng kiến cảnh rác giăng trên bãi biển, nhiều du khách tỏ ra ngần ngại không dám xuống tắm.

Xuống biển, xuống sông đều gặp rác, lên bờ rác càng là nỗi bức xúc của cư dân và du khách đến Phú Quốc. Các đô thị, nơi tập trung đông dân cư trên đảo Phú Quốc như Dương Đông, An Thới, Hàm Ninh... thường xuyên bắt gặp hình ảnh những bãi rác ở đầu hẻm, góc phố.

Nghiêm trọng hơn, ngay tại cảng hàng không Phú Quốc (cũ) ở thị trấn Dương Đông, khi sân bay đã dời về địa điểm khác thì một đoạn đường băng sân bay cũ này nhanh chóng trở thành bãi rác khổng lồ, bốc mùi nồng nặc khắp khu dân cư lân cận.

Những địa điểm đang được mệnh danh là thiên đường biển đảo của Việt Nam sẽ dần bị hủy hoại từng ngày bởi rác thải ô nhiễm do con người hay phát triển du lịch. Nếu không được xử lý kịp thời và có sự chung tay gìn giữ và bảo vệ thì không chỉ những địa điểm du lịch trên mà rất nhiều nơi khác nữa sẽ có nguy cơ bị mất đi vĩnh viễn.

Theo kênh 14/ trí thức trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao